Liên quan đến dự án luật An ninh mạng mà Chính phủ vừa trình Quốc hội để thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 đang diễn ra tại Hà Nội, đã có nhiều ý kiến băn khoăn, thậm chí đặt cả vấn đề những “ông lớn” công nghệ như Facebook, Google… có thể rời Việt Nam.
PV đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, một trong những người thẩm tra dự án Luật này để có cái nhìn đầy đủ hơn về vấn đề.
PV: Thưa ông, trước những băn khoăn của dư luận, ông có thể nêu ngắn gọn sự cần thiết ban hành luật An ninh mạng và làm sao giải bài toán “chồng chéo” với các luật khác?
ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng: Mục tiêu cơ bản và quan trọng của Luật này nhằm đảm bảo an ninh Quốc gia, tạo ra một môi trường hòa bình, bình đẳng trong không gian mạng.
Khi chưa hiểu hết tinh thần, nội dung của luật thì băn khoăn là tất yếu. Nhưng cần thấy rằng, nhà đầu tư khi vào bất cứ quốc gia nào cũng phải tuân thủ quy định của quốc gia đó. Google, Facebook… cũng vậy và không chỉ ở Việt Nam.
ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng. (Ảnh: Quochoi.vn). |
Luật An toàn thông tin mạng hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ an ninh Quốc gia trên không gian mạng. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng luật này.
Vấn đề chồng chéo là một trong những nỗi lo có căn cứ. Tuy nhiên, cần rà soát hàng loạt văn bản luật, không chỉ luật An toàn thông tin mạng mà còn luật Viễn thông, luật Công nghệ thông tin, luật Cơ yếu... để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, không chồng chéo, dễ thực hiện, tính khả thi cao, tạo tiền đề để thực hiện các luật khác.
PV: Lo ngại quy định đặt máy chủ, cơ quan đại diện sẽ cản bước nhiều tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ đến với Việt Nam như Google, Facebook. Theo ông, điều này có cơ sở không và vì sao?
ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng: Tôi nghĩ điều này là không có cơ sở.
Thứ nhất, thị trường Việt Nam rất lớn, có tiềm năng trong đầu tư kinh doanh về lĩnh vực công nghệ thông tin, do đó Google hay Facebook sẽ không dễ dàng rời bỏ. Vì mục tiêu của doanh nghiệp bao giờ cũng là lợi nhuận. Ở Việt Nam luôn có các chính sách ưu đãi về đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài thì rõ ràng, họ không từ chối thị trường hấp dẫn.
Thứ hai, như tôi đã nói, mỗi quốc gia đều có quy định pháp luật riêng trong đó, bảo vệ chủ quyền Quốc gia, độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ là một yêu cầu trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, nguy cơ bị tấn công mạng, thông tin sai lệch, chống phá Nhà nước ngày càng gia tăng đặt ra thực tế phải có các quy định để đấu tranh và loại trừ những hành vi này.
Thứ ba, khi đặt ra yêu cầu bảo vệ Tổ quốc sẽ phải cân nhắc hạn chế một số quyền lợi cá nhân, doanh nghiệp. Nhưng những hạn chế này đều đã được quy định trong Hiến pháp. Thực hiện những hạn chế trong dự án luật An ninh mạng là đảm bảo hợp hiến, hợp pháp, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Thứ tư, bất cứ doanh nghiệp nào đến Việt Nam kinh doanh đều có nghĩa vụ đóng góp về thuế, thực hiện các yêu cầu về quản lý Nhà nước để đảm bảo an ninh, an toàn trong đó có an ninh mạng.
PV: Dự luật sẽ hoàn thiện hơn khi được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến đóng góp của ĐBQH?
ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng: Quốc hội sẽ thảo luận, cân nhắc để Luật này đảm bảo: Đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tổ chức và công dân; phù hợp với các quy định, thông lệ quốc tế, cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực này; tạo sự hợp tác giữa Nhà nước Việt Nam với các quốc gia khác trong lĩnh vực an ninh mạng; tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực bảo vệ an ninh mạng, kinh doanh trong lĩnh vực internet.
Trên cơ sở này, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực thông tin, an ninh mạng được vươn lên, tham gia phát triển kinh tế-xã hội đất nước, bảo vệ an ninh Quốc gia, trật tự an toàn xã hội, trong đó có an ninh mạng.
Biết đâu chính họ nghiên cứu kỹ luật An ninh mạng sẽ đồng tình việc đặt máy chủ tại Việt Nam, vì an toàn, thuận lợi, có chính sách ưu đãi thì chấp thuận. Dư luận có thể nhìn nhận một chiều, nhưng khi Quốc hội thảo luận sẽ có cái nhìn đa chiều hơn và quyết định.
PV: Có ý kiến cho rằng, Google, Facebook tham gia thị trường Việt Nam thu lợi nhuận khủng nhưng không phải nộp thuế là điều vô lý. Cá nhân ông nghĩ sao về điều này?
ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng: Nhìn vào việc Grab, Uber chấp nhận bị truy thu thuế đến hơn 68 tỷ đồng (hơn 66 tỷ đồng đối với Uber và hơn 2 tỷ đồng đối với Grab) vừa qua có thể thấy lợi nhuận của họ khủng đến mức nào. Cá nhân tôi chưa có thông tin chính xác con số lợi nhuận của Google, Facebook ở Việt Nam nhưng với lượng người dùng hiện nay, thu lợi từ quảng cáo, các giao dịch thương mại điện tử, tôi nghĩ lợi nhuận không hề nhỏ.
Đang có những ý kiến đề nghị cơ quan chuyên môn khảo sát, đánh giá xem người dùng Việt Nam mang lại cho hai tập đoàn này khoản lợi nhuận bao nhiêu. Trên cơ sở đó, Quốc hội sẽ lắng nghe, nhìn nhận toàn diện và cân nhắc nhiều vấn đề khác.
Phạm vi của Luật này không điều chỉnh đến nghĩa vụ thuế, nhưng chắc chắn, nhà đầu tư vào phải thực hiện các nghĩa vụ khác, tuân thủ pháp luật của Việt Nam. Tôi được biết, chính Google, Facebook từng bị liên minh châu Âu, một số quốc gia truy thu thuế vì không thực hiện nghĩa vụ thuế.
Luật An ninh mạng ra đời sẽ là cơ sở pháp lý để chúng ta đưa ra các quy định khác liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ của các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực này.
PV: Ông có thể nói rõ hơn, quy định đặt máy chủ, cơ quan đại diện ở Điều 34 trong dự thảo Luật có gì vướng mắc khi thực hiện không?
ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng: Theo tôi, không có gì vướng mắc. Vì đặt máy chủ như vậy, bản thân doanh nghiệp cũng có cơ hội mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Về nguyên tắc, khi đã kinh doanh phải có người đại diện để giải quyết những vấn đề bảo vệ lợi ích của người sử dụng hoặc giải quyết nhanh chóng các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh. Điều này hoàn toàn phù hợp với luật Doanh nghiệp của Việt Nam.
Chính quy định này góp phần cùng thế giới giải quyết một số vấn đề liên quan đến nguy cơ khủng bố, phòng chống rửa tiền, các hoạt động bất hợp pháp trên không gian mạng.
PV: Đến thời điểm hiện tại, ông đánh giá thế nào về tính khả thi của luật?
ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng: Theo tôi thì luật này khả thi vì qua nắm bắt tập hợp các ý kiến kể cả trên phương tiện thông tin đại chúng, diễn đàn, hội thảo, đi khảo sát một số đơn vị doanh nghiệp liên quan trực tiếp, có quy mô ứng dụng thông tin, mạng thấy rằng, cần thiết phải có luật này.
Chính phủ, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu nhiều ý kiến góp ý để hoàn thiện dự án Luật. Sắp tới, Quốc hội thảo luận, tôi hy vọng Luật sẽ được thông qua theo đúng lộ trình 2 kỳ họp, dự kiến thông qua kỳ họp thứ 5 tới.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!