Giá mua sắm cao bất thường
Một trong những mục đích, ý nghĩa lớn nhất của đấu thầu là đảm bảo hiệu quả kinh tế, tiết kiệm tối đa cho ngân sách nhà nước. Để đạt được mục tiêu đó, chủ đầu tư phải tạo ra môi trường đấu thầu công khai, minh bạch. Đặc biệt, tiến hành khâu thẩm định giá một các khách quan, đúng với giá trị thực của hàng hóa.
Tuy nhiên, qua công tác nghiên cứu thực tiễn việc mua sắm công thông qua hình thức đấu thầu tại chủ đầu tư là công ty TNHH A.N, phóng viên nhận thấy, nhiều thiết bị được mua sắm có dấu hiệu chênh lệch cao hơn giá nhập khẩu.
Theo đó, ngày 21/12/2020, ông Hà Đức Anh - đại diện chủ đầu tư ký Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 6: Cung cấp Hệ thống.
Sản phẩm được mua sắm trong gói thầu là hệ thống bao gồm 3 thiết bị có giá 1.420.000.000 đồng. Công ty TNHH M.K là đơn vị thực hiện gói thầu này.
Tuy nhiên, theo tài liệu phóng viên có được, toàn bộ những mặt hàng trên được nhập khẩu về Việt Nam chỉ trên 800 triệu đồng (đã bao gồm thuế), tức thấp hơn giá trúng thầu hơn 600 triệu đồng.
Trước đó, năm 2021, Viện này cũng tổ chức gói thầu mua sắm hệ thống máy sắc ký lỏng siêu hiệu năng ghép nối khối phổ tứ cực chập 3 (LC-MS MS) . Đơn vị trúng là Công ty TNHH SD, với giá trị 1.936.000.000 đồng.
Khi đối chiếu với giá nhập khẩu là 3.931.381.267 đồng, hệ thống này chênh lệch cao hơn giá gói thầu khoảng 4 tỷ đồng (đã cộng thuế).
Dẫu biết rằng, khi tham gia dự thầu, nhà thầu cũng phải chi phí các khoản như: nhân công, kho bãi, bảo hành…để có lợi nhuận. Tuy nhiên, số tiền chênh lệch của 2 gói thầu do viện Pháp y làm chủ đầu tư lên tới nhiều tỷ đồng là điều rất đáng suy ngẫm. Vì những đồng tiền ngân sách cần được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, có ích cho xã hội và nhân dân.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Để rộng đường dư luận, với mong muốn đóng góp những thông tin thiết thực về giá nhập khẩu thiết bị y tế, phóng viên đã liên hệ với viện trên.
Tại buổi làm việc, trả lời của phóng viên về căn cứ để lập dự toán gói thầu cũng như ý kiến về giá nhập khẩu, ông Trần Q.L, trưởng phòng Tổ chức Hành chính Quản trị - được uỷ quyền trả lời của Viện trưởng, cho biết: Viện khẳng định chắc chắn gói thầu được thực hiện đúng trình tự, đúng thủ tục của Luật đấu thầu. Các bước thực hiện khách quan, được cơ quan cấp trên thẩm định và phê duyệt.
Khi phóng viên muốn được xem các văn bản phê duyệt gói thầu trên, ông L. nhắc lại: Hiện không có tư liệu để cung cấp. Tất cả hồ sơ thầu khi đó đã đóng lại rồi.
Vị đại diện cho biết thêm: Ngoài những thiết bị chính thì giá gói thầu còn bao gồm vật tư, hoá chất, chế độ bảo hành,…Còn lại chúng tôi không có bình luận gì.
Đối với gói thầu trên, theo Quyết định số 5209/QĐ ngày 15/12/2020, cơ quan cấp trên chỉ cấp vốn, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thời gian thực hiện gói thầu.
Luật sư Nguyễn Công Tín – Công ty Luật FDVN (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho biết, giá gói thầu được lập và xác định chặt chẽ tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC. Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì phải ghi rõ giá ước tính cho từng phần trong giá gói thầu. Pháp luật hiện hành xây dựng một cơ chế bảo đảm giá gói thầu (trong hồ sơ mời thầu) phù hợp với giá thị trường và bảo đảm các phần riêng biệt trong gói thầu (nếu có) được gọi tên rõ ràng, có giá cụ thể và thể hiện trong hồ sơ mời thầu. Nếu để xảy ra hiện tượng “đội giá” so với giá thị trường, thì cá nhân, tổ chức, bộ phận làm nhiệm vụ thẩm định hồ sơ mời thầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trường hợp gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên (hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm) thì cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. |
Đặng Thủy - Thuận Nguyễn