Khi phát hiện hỏa hoạn, hay xảy ra tình huống khẩn cấp cần cứu nạn, bạn cần gọi ngay cho lực lượng Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn qua số 114.
Gọi chữa cháy 114 đến dập lửa có mất tiền hay không? Ảnh minh hoạ
Căn cứ tại khoản 1 Điều 48 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định như sau: “Kinh phí bảo đảm cho các hoạt động phòng cháy và chữa cháy của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang và các đơn vị khác thụ hưởng ngân sách nhà nước ở trung ương và địa phương do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật”.
Theo đó, mọi chi phí cho công tác tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đều do nhà nước chi trả. Người dân gọi lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đến thực hiện công tác chữa cháy và CNCH sẽ không mất bất kì một khoản chi phí nào.
Như vậy, trong trường hợp cháy nổ, dù là cháy lớn hay cháy nhỏ đều phải gọi ngay cho 114. Công tác chữa cháy, cứu hộ cứu nạn sẽ hoàn toàn miễn phí.
Dù bạn đang ở bất kỳ tỉnh thành nào, khi bấm số 114 (Từ điện thoại cố định: bấm 114; từ số điện thoại di động: bấm thẳng số “114” hoặc “mã vùng + 114”), hệ thống tổng đài sẽ tự động chuyển cuộc gọi về cho đơn vị địa phương gần nhất, hoạt động 24/24. Sau khi nhận cuộc gọi, hệ thống bản đồ số sẽ được kích hoạt, xác định cụ thể vị trí người gọi. Sau đó, điện thoại viên sẽ bấm chuông báo động và ngay lập tức, đội xe cứu hỏa sẽ được điều động đi cứu nạn.
Do đó, để có thể cứu hộ một cách nhanh chóng nhất, người báo tin phải cung cấp đầy đủ cho Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy với 3 tiêu chí sau: “Bạn là ai?”, “Bạn đang ở đâu?” và “Bạn nhìn thấy gì?”
Thứ nhất, phải cung cấp đầy đủ họ và tên, số điện thoại liên hệ để lực lượng chữa cháy liên lạc với bạn.
Thứ hai, đưa ra chính xác địa chỉ nơi xảy ra cháy hoặc sự cố để giúp lực lượng PCCC tiếp cận nhanh nhất.
Thứ ba, cung cấp thông tin về tình hình đám cháy, đặc điểm sự cố như loại nhà, vị trí tầng cháy, chất cháy, người bị nạn,... để lực lượng PCCC có kế hoạch đối phó hợp lý nhất.
Cuối cùng, phải luôn giữ bình tĩnh và đưa ra thông tin nhanh và đầy đủ nhất để có thể cữa chữa kịp thời, hạn chế hậu quả do cháy nổ, tai nạn gây ra.