Sự lên ngôi của hoạt động mua bán online, nghề giao hàng (shipper) trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, shipper phải chịu những vất vả và nguy hiểm rình rập.
Thu nhập “khủng”
Sau khi tốt nghiệp trường đại học Công nghiệp Hà Nội, Hoàng Ngọc Tân (23 tuổi) không ứng tuyển vào làm việc văn phòng tại các công ty với mức lương ổn định mỗi tháng. Tân chọn làm shipper, bởi nghề này không bao giờ lo thiếu việc, dịch vụ mua bán trực tuyến hiện nay ngày càng nở rộ, nhu cầu khách hàng ngày càng cao.
Chia sẻ với PV ĐS&PL, bạn Tân cho biết: “Tôi đã bắt đầu làm công việc này từ khi học năm 2 đại học mỗi khi có thời gian rảnh. Khi ấy, vừa đi học vừa đi làm, tôi đã có thể kiếm được 6-7 triệu đồng mỗi tháng. Với số tiền ấy, tôi có thể tự chi trả tiền thuê nhà, ăn uống, sinh hoạt hàng tháng.
Công việc này có thể chủ động về thời gian và không cần bỏ nhiều vốn. Chỉ cần sở hữu một chiếc điện thoại thông minh và một chiếc xe máy bình thường, tôi đã có thể kiếm được khoảng 1 triệu đồng một ngày. Thu nhập khá như vậy mà còn không đòi hỏi về bằng cấp nên nhiều bạn trẻ như tôi đã lựa chọn công việc này”.
Để bắt đầu công việc này, Tân xin ứng tuyển làm nhân viên giao hàng tại một công ty giao đồ ăn có tiếng ở Hà Nội. Sau khi quen việc, bạn Tân còn tham gia vào các nhóm giao hàng trên Facebook. Bình thường, giá cho một đơn giao hàng trong nội thành Hà Nội là 30.000 đồng đến 40.000 đồng. Những đơn hàng ngoại thành có khi có giá 70.000 đồng, thậm chí 100.000 đồng. Tùy vào khoảng cách vận chuyển và cân nặng hàng hóa mà tiền ship sẽ càng cao. Như vậy, nếu chăm chỉ, chịu khó và biết cách “săn” đơn hàng thì shipper có thể kiếm đến vài trăm trong một buổi sáng là chuyện bình thường.
“Hồi mới vào nghề, tôi khá bỡ ngỡ vì chưa thông thạo đường phố Hà Nội. Thế nhưng, sau một thời gian tôi quen dần với công việc, dường như mọi ngóc ngách tôi đều “nắm trong lòng bàn tay". Một ngày, tôi gom tầm hơn chục đơn hàng trên ứng dụng giao hàng của công ty. Ngoài ra, tôi tham gia nhóm tìm ship trên Facebook, trung bình cứ 30 phút lại có một đơn. Như vậy, nếu nhanh tay “săn đơn” có thể kiếm thêm được khá nhiều”, Tân bộc bạch.
Thu nhập khá, không đòi hỏi bằng cấp nhưng nghề shipper khá vất vả. |
Nhọc nhằn nghề shipper
Thoải mái về thời gian, không đòi hỏi bằng cấp, thu nhập khá nên nghề giao hàng này trở nên hấp dẫn. Tuy nhiên, bên cạnh nhưng lợi ích như vậy, shipper phải chịu không ít vất vả và nguy hiểm rình rập. Công việc này đòi hỏi shipper phải có sức khỏe tốt, nhanh nhẹn...
Trời đầu đông se lạnh, gương mặt của Tân vẫn nhễ nhại mồ hôi sau những chuyến xe cồng kềnh chở các thùng đầy ắp những đơn hàng. Những người làm nghề giao hàng như Tân bắt buộc lúc nào cũng phải di chuyển ngoài đường bất kể thời tiết nắng nóng hay mưa gió.
“Những ngày mưa gió, tôi vẫn phải đi ship vì đã nhận hàng của khách nên không thể làm lỡ của họ được. Vất vả nhất là vào mùa đông, đi xe máy mà gió rít từng cơn lạnh buốt. Những ngày hè nóng nực cũng vất vả không kém khi người lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi”, Tân bộc bạch.
Khác với xe ôm, shipper không chỉ vận chuyển hàng hóa mà còn tốn nhiều công sức cho việc tìm địa chỉ của khách hàng, chờ đợi, mất tiền gọi điện thoại. Nghề shipper bên cạnh lợi thế về nguồn thu nhập khá ổn định thì công việc này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để nhận giao một đơn hàng, shipper phải ứng ra trước một khoản tiền từ vài trăm đến vài triệu. Có nhiều trường hợp, shipper bị lừa khi kẻ xấu tráo đổi hàng giả khiến họ bị mất tiền oan, hay nhiều người bị quỵt tiền ship bằng những lý do khó hiểu.
“Làm shipper nhìn vậy mà vất vả lắm. Bữa ăn không bao giờ đúng giờ, khi nào chuyển xong hết hàng cho khách tôi mới tranh thủ ghé qua quán ăn vội để lấy sức đi tiếp. Vậy mà nhiều lúc, tôi gọi giục khách 3-4 lần điện thoại mà còn chưa xuống nhận hàng”, bạn Tân chia sẻ về những khó khăn khi làm shipper.
Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 căng thẳng, việc mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển nở rộ, trở thành cơ hội kiếm tiền cho các shipper. Tuy nhiên, do đặc thù của nghề là di chuyển, tiếp xúc với nhiều người nên những người giao hàng cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, nguy hiểm hơn.
Bạn Tân cho biết: "Shipper vẫn được hoạt động trong thời gian cách ly xã hội, vì vậy việc tiếp tục được duy trì công việc trong thời gian này giúp chúng tôi có khoản thu nhập ổn định. Tuy nhiên, việc phải tiếp xúc với nhiều người lạ khiến nguy cơ shipper bị lây nhiễm cao hơn người khác. Để bảo vệ bản thân, chúng tôi phải dùng nhiều biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, găng tay, thường xuyên rửa tay hay sử dụng ô tô điều khiển từ xa để giao hàng..."