Khác với những khuôn hình lung linh, sôi động trên màn ảnh, nhiều nhà sản xuất gameshow cũng có những tâm tư mà không phải ai cũng biết được.
Bà Bùi Như Mai – người phụ trách truyền thông chương trình I can do that – Tôi có thể, cho biết: “Để có mặt trên sóng truyền hình, các chương trình gameshow có những hợp đồng lên sóng đặc biệt, nhất là những gameshow được phát trên giờ vàng. Bên cạnh đó là hợp đồng truyền thông quảng cáo xen kẽ trong chương trình. Tôi sẽ không nói ra một cái giá cụ thể, bởi cái này thuộc vào “bí mật” nghề nghiệp”.
Giám khảo Huy Trần – Hà Hồ – Đàm Vĩnh Hưng ngồi ghế nóng chương trình Bước nhảy ngàn cân 2. |
Bên cạnh giám khảo, thì việc tìm người chơi cũng là điều khiến nhiều nhà sản xuất phải “cân não”. Người phụ trách truyền thông của chương trình Bố ơi, mình đi đâu thế cho biết, để mời được người chơi tham gia chương trình “khó thì khó, mà dễ cũng dễ”, bởi nhiều khi nhà sản xuất phải phụ thuộc vào lịch của người chơi.
Đã có thời điểm, vì đợi nghệ sĩ đi công tác nước ngoài về mà cả ê–kíp phải đợi gần tháng trời mới quay tiếp được chương trình. Trên các gameshow truyền hình, việc có những thí sinh hot như: Hồ Văn Cường (Vietnam Idol Kids 2016), Thiện Nhân (Giọng hát Việt nhí 2013), Thiện Hiếu (Sing My Song 2017)... là “may mắn” của các chương trình ấy.
Hỏi về các công việc cụ thể của các nhà sản xuất gameshow, đạo diễn Ngọc Tú cho hay: “Nhìn ánh đèn sân khấu lộng lẫy, nhìn những khuôn hình đẹp trên tivi, nhiều người cứ nghĩ rằng, đơn vị sản xuất sẽ là người “hốt ra bạc”. Tuy nhiên, ít khán giả biết rằng, nhà sản xuất chương trình cũng có những nỗi khổ riêng. Từ việc đàm phán - mua bản quyền đến việc mời đạo diễn, các chuyên gia nước ngoài giám sát chất lượng chương trình để phát sóng phục vụ khán giả cả nước”.
“Tôi nghĩ, trong việc mời các nghệ sĩ tham gia chương trình, các nhà sản xuất nắm bắt rất nhiều bí mật. Nhưng cũng phải “ngó nghiêng” xem mối quan hệ giữa các nghệ sĩ như thế nào, bởi trong showbiz, việc “bằng mặt nhưng không bằng lòng” là có. Việc không đi đến thống nhất và tranh cãi trong hợp đồng thỏa thuận giữa đôi bên là điều không mong muốn. Như, khi khách mời từ chối ngồi vì không muốn xuất hiện cùng ai đó sẽ gây ra cho chương trình sự xáo trộn không đáng có” – MC Thu Trang chia sẻ.
Bà Bùi Như Mai chia sẻ thêm: “Để một gameshow thành công, nhà sản xuất đã phải đầu tư số tiền rất lớn. Nhà sản xuất sợ nhất việc thay đổi giám khảo, vì chi phí sẽ đội lên rất cao. Vì thế, khán giả cũng cần có cái nhìn đa chiều, thông cảm hơn với công việc của nhà sản xuất để đem đến một chương trình chất lượng cho khán giả”.
Diễn viên Hải Anh – người từng tham gia chương trình thực tế Bố ơi, mình đi đâu thế bộc bạch: “Để có những khuôn hình đẹp trên truyền hình, người chơi, giám khảo của các chương trình ấy đã rất vất vả, quay ngày, quay đêm, có khi bỏ cả bữa ăn để ghi hình kịp giờ”.
Bảo Quyên
Dẫn nguồn từ báo giấy Đời sống & Pháp luật số 68