Gà chín cựa là giống gà gắn liền với văn hóa, tín ngưỡng của người Việt. Trong truyền thuyết "Sơn Tinh, Thủy Tinh", đây là một trong những lễ vật mà vua Hùng thách đố để tìm ra người có thể rước Mị Nương về làm vợ. Tưởng rằng gà chín cựa chỉ có trong truyền thuyết nhưng trên thực tế, loại gà này có thật.
Theo Tri thức và Cuộc sống, gà chín cựa hay còn gọi là gà nhiều cựa được xem là đặc sản quý của vùng núi Xuân Sơn (Phú Thọ) và xã Mẫu Sơn (Lạng Sơn).Tương truyền trước kia sản vật này còn được người dân dùng để cung tiến vua.
Đây là loại gà có nguồn gốc từ gà rừng, được người dân tộc Dao và Mường ở Phú Thọ bắt về nuôi từ lâu. Đây là loại gà quý hiếm, số lượng giống thuần chủng hiện nay còn khá ít. Chính vì vậy mà rất ít người có thể tận mắt thấy con gà nào 9 cựa, thường chỉ bắt gặp những con gà 7 hoặc 8 cựa là nhiều nhất.
Gà chín cựa hay còn gọi là gà nhiều cựa được xem là đặc sản quý của vùng núi Xuân Sơn (Phú Thọ) và xã Mẫu Sơn (Lạng Sơn). Ảnh sưu tầm.
Giống gà nhiều cựa có kích cỡ nhỏ. Cân nặng của chúng chỉ dao động từ 1,4-1,8kg đối với gà mái, còn gà trống từ 1,9-2,3kg. Giống gà này khả năng leo núi cực kỳ tốt. Chính vì đặc tính tự bấu vào đất, rễ cây mà đi nên mới sinh ra chân có nhiều cựa. Chúng cũng là loài gà bay rất giỏi.
Điểm đặc biệt và giá trị nhất của giống gà nhiều cựa nằm ở đôi chân. Khi mới nở, chúng đã có 6 cựa. Trong quá trình nuôi, chúng lại mọc thêm 2 cựa ở 2 chân. Một số con gà đột biến có 9 cựa.
Theo những người nuôi có kinh nghiệm, gà chín cựa khi lớn lên có tướng mạo hùng dũng với bộ lông ngũ sắc, mào đỏ như máu, ngực nở, đuôi cong vút tựa cầu vồng, tiếng gáy vang. Giống gà này còn có đôi mắt sáng quắc và hiếu chiến.
Gà nhiều cựa có bản tính của giống gà rừng, ưa tự do bay nhảy ở vùng đồi núi. Thức ăn chủ yếu là ngô, khoai, sắn. Đặc biệt, giống gà này có khả năng tự kiếm ăn rất tốt. Thế nên, chất lượng thịt cũng thơm ngon đặc trưng, chắc và ngọt thịt khác hẳn các giống gà bình thường.
Vài năm trở lại đây, giống gà này được nhiều người săn lùng làm quà biếu Tết. Ảnh sưu tầm.
Thịt gà nhiều cựa có màu nâu, dai, giòn. Đặc biệt, gà nuôi càng lâu thịt càng giòn, ngọt, thơm ngon chứ không xơ, dai như gà bình thường. Thịt gà chỉ cần chế biến theo cách thông thường cũng đủ để cảm nhận được sự khác biệt trong hương vị.
Ngoài thịt ăn thơm ngon, tướng của gà chín cựa cũng cực kỳ đẹp. Vì thế, vài năm trở lại đây, giống gà này được nhiều người săn lùng làm quà biếu Tết.
Hiện tại, người dân đã chia ra làm hai loại dựa theo cựa của chúng, với những cựa hình tam giác thì được phân vào dòng lục đỉnh còn cựa lép có hình hơi tròn thì chính là dòng gà chín cựa đặc trưng.
Loại gà chín cựa có tầm 7 cựa quay trở lại không quá khó mua vì loại này được nhân giống và nuôi khá nhiều tại một số bản ở Thanh Sơn (Phú Thọ). Gà nhiều cựa loại cơ bản sẽ có giá từ 300.000 - 500.000 đồng/con. Loại gà có mẫu mã đẹp hơn, dùng để mang đi biếu có giá vài triệu đồng.
Đặc biệt nhất, loại gà bộ từ 8-9 cựa vẫn vô cùng hiếm. Trung bình, 1000 con gà mới xuất hiện 2 con có 9 cựa. Đây cũng chính là lý do dù giá lên tới hàng chục triệu đồng nhưng không phải cứ có tiền là mua được. Để “tậu” được một chú gà trống có đủ 9 cựa trong thời gian cận Tết, người mua có thể phải trả số tiền lên tới 10 - 30 triệu đồng/con. Thậm chí, kể cả có tiền chưa chắc đã mua được giống gà này.
Gà nhiều cựa loại cơ bản sẽ có giá từ 300.000 - 500.000 đồng/con. Ảnh sưu tầm.
Năm 2017, một đại gia đã chi 40 triệu đồng để mua một chú gà 9 cựa về cầu lộc. Đến nay, giống gà nhiều cửa đã được nhân rộng và chăn nuôi tập trung để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Dẫu vậy, để sở hữu một chú gà có đúng 9 cựa thì nhiều đại gia vẫn phải bỏ nhiều tiền và công sức.
Ngoài giá trị về mặt ẩm thực, gà 9 cựa còn mang nhiều ý nghĩa, tượng trưng cho sự may mắn, sung túc và tài lộc. Chính vì thế mà vài năm trở lại đây, giống gà này được nhiều người săn lùng làm quà biếu Tết trong dịp đầu năm mới.