(ĐSPL) - Các nhà điều tra của Malaysia kết luận rằng chiếc máy bay mất tích trong chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines đã bị cướp. Một quan chức chính phủ Malaysia cho biết các nhà điều tra đã kết luận rằng một trong số hai phi công, hoặc ai đó có kinh nghiệm bay, đã cướp chiếc máy bay mất tích này.
|
Mỹ đã điều động tàu khu trục tên lửa USS Kidd từ Biển Đông sang Ấn Độ Dương để tiến hành công tác tìm kiếm.
|
Quan chức tham gia cuộc điều tra này nói người ta chưa rõ về động cơ của vụ không tặc cũng như chưa biết chiếc máy bay này bị đưa đi đâu. Quan chức này yêu cầu giấu tên vì ông ta không có quyền thông báo với báo giới.
Ông nói vụ cướp máy bay này không còn là giả thuyết nữa mà là “kết luận”.
Quan chức giấu tên nói trên cho biết bằng chứng dẫn đến kết luận nói trên là những dấu hiệu cho thấy các hệ thống liên lạc của máy bay đã bị ngắt một cách có chủ ý và các dữ liệu về đường bay cho thấy chiếc máy bay này cố tình lẩn tránh sự theo dõi của radar. Ông này nói chỉ có những người am hiểu chuyên môn mới có thể lái chiếc máy bay theo cách như vậy, sau khi nó mất liên lạc trên Biển Đông. Quan chức này nói “chắc chắn đến 50\%” rằng radar quân sự đã “tóm được” chiếc máy bay mất tích này, sau khi nó biến mất trên màn hình radar dân dụng.
Trước đó, một quan chức Mỹ cho biết, các nhà điều tra đang xem xét khả năng “con người can thiệp” vào vụ mất tích máy bay Boeing 777-200 trong chuyến bay MH370 và nói rằng đây có thể là một “hành động cướp máy bay”.
Một số chuyên gia nói phi công tự sát có thể là lý do khả dĩ nhất giải thích cho vụ mất tích máy bay bí ẩn này, giống như vụ rơi máy bay của SilkAir trong chuyến bay từ Singapore đến Jakarta năm 1997 hay chuyến bay năm 1999 của EgyptAir.
Theo hãng tin Reuters, một nguồn tin gần gũi với cơ quan điều tra Mỹ nói chiếc máy bay bị mất tích này có thể bay thêm hàng nghìn cây số trước khi hết nhiên liệu trên Ấn Độ Dương.
Ấn Độ đã huy động nhiều tàu chiến, máy bay và trực thăng để tìm kiếm ở các khu vực rừng núi hẻo lánh không người trên các quần đảo Andaman và Nicobar. Nhưng phát ngôn viên quân sự khu vực Harmeet Singh nói: “Chiến dịch tìm kiếm này chẳng khác vì việc tìm kim trong đống rác”.
Nếu chiếc Boeing 777-200 bị mất tích của Malaysia Airlines bay vào Ấn Độ Dương bao la rộng lớn có độ sâu tới 7.000 mét, việc tìm kiếm sẽ trở nên vô cùng khó khăn. Đó là chưa kể gió và sóng biển có thể đẩy xa những mảnh vỡ khỏi nơi máy bay bị rơi hàng chục hải lý.
Hải quân Mỹ đã huy động máy bay tuần thám biển P-8A Poseidon hiện đại để tìm kiếm trên eo biển Malacca, sau khi đã sử dụng máy bay P-3 Orion.
Minh Đức (Reuters)