(ĐSPL) - Sau gần 2 năm lẩn trốn ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, Cung đã phải trả giá cho tội ác của mình.
Theo báo An ninh thủ đô, ngày 23/12, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt một đối tượng bị truy nã về hành vi giết người, sau gần 2 năm lẩn trốn ở nhiều tỉnh thành.
Danh tính đối tượng được xác định là Trần Hoàng Cung (SN 1994), có hộ khẩu thường trú tại xã Cư Ebur, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Đối tượng Trần Hoàng Cung bị bắt - Ảnh: báo An ninh thủ đô |
Báo Công an TP. HCM thông tin, trước đó, vào tháng 2/2014 nhóm của Cung (chưa xác định được bao nhiêu người) đã xảy ra mâu thuẫn với một nhóm thanh niên và nguyên nhân là do đi đòi nợ.
Sau đó, nhóm của Cung do không đòi được tiền nên bực tức và đã mang theo 2 khẩu súng trường thể thao cùng dao rựa rồi kéo đến đường Y Ngông, thuộc phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột để tìm đánh nhóm thanh niên trên.
Tại đây, nhóm của Cung đã chia nhau vũ khí để đuổi đánh nhóm của anh Đặng Trường Nhật. Sau đó, Cung đã dùng khẩu súng bắn đạn thể thao bắn bị thương anh Nhật trúng vào tay phải, chân trái. Sau đó, Phòng Cảnh sát hình sự đã khởi tố vụ án hình sự giết người, cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng.
Riêng đối tượng Trần Hoàng Cung đã bỏ trốn, cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định truy nã toàn quốc số 22 ngày 10/9/2014. Từ khi trốn khỏi địa phương, đối tượng Cung khai nhận đã trốn ở các tỉnh Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh rồi về lẫn trốn ở huyện Đắk Min, tỉnh Đắk Nông.
Sau đó, Phòng cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Đắk Lắk đã cử trinh sát đi truy lùng theo dấu vết của đối tượng. Mặc dù lẫn trốn qua nhiều nơi, nhưng đối tượng Cung sau gần 2 năm lẫn trốn cũng đã bị tóm gọn đưa về quy án.
Hiện đối tượng Trần Hoàng Cung đã được chuyển giao cho phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Đắk Lắk để tiếp tục điều tra làm rõ vụ án nghiêm trọng này.
Điều 93. Tội giết người (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009): Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết nhiều người; b) Giết phụ nữ mà biết là có thai; c) Giết trẻ em; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn. 2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)