Đột nhập vào Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà bắn chết 2 con voọc chà vá chân nâu, nam thanh niên 29 tuổi lĩnh án 3 năm tù.
Báo Trí thức trẻ đưa tin, ngày 15/5, TAND TP Đà Nẵng trong phiên phúc thẩm đã bác kháng cáo, tuyên y án 3 năm tù giam với Nguyễn Văn Lý (29 tuổi, trú huyện Tân Kỳ, Nghệ An) về tội Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Báo VnExpress dẫn theo cáo trạng, tháng 3/2015, Lý cùng Vi Văn Sơn (40 tuổi), Vi Văn Hoàng (59 tuổi), Nguyễn Văn Hội (62 tuổi) và Lê Thị Lan (25 tuổi, cùng trú Nghệ An) từ Nghệ An vào Đà Nẵng.
Bị cáo Lý trước vành móng ngựa. Ảnh: báo VnExpress |
Nhóm đối tượng này mang theo dụng cụ gồm dao, đầu khò, bẫy để săn bắt động vật. Trong thời gian ở đây, nhóm này đã bắt và giết 2 con voọc chà vá chân nâu thuộc danh mục nguy cấp, quý hiếm ở bán đảo Sơn Trà.
Sau đó, lực lượng kiểm lâm phát hiện và thu giữ tại lán trại của nhóm 3,11 kg thịt, xương, da, nội tạng vọoc chà vá chân nâu được sấy khô. Cơ quan chức năng cũng thu giữ 90 bẫy thép, 10 bẫy kẹp dùng để săn bắt động vật hoang dã.
Ngày 13/7/2016, TAND quận Sơn Trà (Đà Nẵng) đã tuyên phạt Vi Văn Sơn 3 năm tù, Vi Văn Hoàng 2 năm 6 tháng tù về cùng tội danh Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Đến ngày 4/3, TAND quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) mở phiên sơ thẩm, xét xử lưu động và tuyên Nguyễn Văn Lý 3 năm tù, Nguyễn Văn Hội 2 năm tù, Lê Thị Lan 2 năm tù nhưng được hưởng án treo. Lý sau đó có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ án phạt.
Báo Lao Động thông tin thêm, được biết, năm 2016, voọc chà vá chân nâu được cộng đồng đề xuất chọn trở thành biểu tượng đa dạng sinh học của TP. Đà Nẵng. Tại sự kiện APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng, voọc chà vá chân nâu được chọn làm hình ảnh nhận diện cho TP. Đà Nẵng.
Voọc chà vá chân nâu là loài quý hiếm, đặc hữu Đông Dương, có tính nguy cấp và đang được ưu tiên bảo vệ.
Điều 190, luật hình sự năm 1999 quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm 1. Người nào săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của loại động vật đó, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm; d) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm; đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
(Tổng hợp)