Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giáo viên châu Á nói về việc dạy học online: Đôi khi tôi sợ đến mức không muốn quay lại trường

(DS&PL) -

Hàng nghìn giáo viên tại châu Á đang chống chọi với các vấn đề về tâm lý sau khi chuyển sang dạy học trực tuyến tại nhà.

Nỗi lo khi dạy học online

Đối với nhiều giáo viên, kể từ khi chuyển sang dạy học theo hình thức trực tuyến, họ không còn hài lòng với công việc của mình, điều này có thể gây ảnh hưởng tới cả học sinh. Cô Gauri Matonde, một giáo viên tại Trường Rajiv Gandhi Vidyalaya ở Nainital, Ấn Độ, cho biết: "Tôi cảm thấy áp lực vì bị các bậc phụ huynh phán xét. Tôi có thể tự nhận thức được điều này. Sau một đêm, tôi cảm thấy việc dạy học thật khó khăn và tôi không thể thể hiện bản thân trước ống kính. Tôi cần được tiếp xúc trực tiếp để làm tốt nhất".

Trong khi đó, hiệu trưởng Nishi Jauhar của trường cấp 2 Step by Step ở thành phố Noida (Ấn Độ) chia sẻ các giáo viên cảm thấy rất khó khăn khi nhìn thấy sự lo âu trên gương mặt các học sinh qua màn hình máy tính và không thể làm gì để an ủi các em.

Bà nói: "Bọn trẻ đang sợ hãi. Chúng tôi sẽ bắt đầu lớp học và biết tin về một bậc phụ huynh nào đó nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Những đứa trẻ lo sợ về tình trạng của cha mẹ chúng. Những gì chúng tôi có thể làm chỉ là nhìn chúng như vậy và không thể an ủi chúng".

Ngoài ra, nhiều giáo viên cũng cảm thấy khó ổn định khi các trường học chuyển đổi giữa hoạt động trực tuyến và gặp trực tiếp. 

Giáo viên châu Á lo lắng khi chuyển sang dạy học online. Ảnh: SCMP

Cô Nora, giáo viên tiểu học ở Singapore, chia sẻ cô và các đồng nghiệp đã phải vật lộn để thích ứng với việc dạy học online. Các trường học trong thành phố đã đóng cửa hoàn toàn từ tháng 4 đến tháng 6, kể từ đó, các hoạt động dạy và học đã được kết hợp và chuyển sang phương thức trực tuyến.

Theo cô Nora, mỗi buổi học trực tuyến trên Zoom kéo dài từ 30-45 phút, tuy nhiên, các học sinh rất khó có thể tiếp thu kiến thức qua các buổi học này. Do đó, khi trở lại trường, các học sinh sẽ tiếp tục được ôn tập lại những kiến thức trên, điều này đã làm tốn khá nhiều thời gian. 

Cô chia sẻ: "Chúng tôi phải duy trì thành tích như trước mặc dù thời gian ngắn hơn. Chúng tôi ngày càng lo lắng khi các chính sách và hạn chế thay đổi theo tuần và chúng tôi phải bắt kịp điều này". 

Khối lượng công việc tăng lên trong khi những tương tác với đồng nghiệp và học sinh bị hạn chế khiến các giáo viên khó có thể giữ được thái độ tích cực. Cô Nora tâm sự: "Cuối cùng, chúng tôi chỉ có thể cố gắng hoàn thành công việc của riêng mình và tự nhủ rằng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn. Thành thật mà nói có những ngày tôi sợ đến mức không muốn quay lại trường vì tôi không biết mình sẽ thế nào". 

Tương tự như Ấn Độ và Singapore, các giáo viên ở Malaysia cũng gặp khó khăn trong việc dạy học trực tuyến. Với việc các tiết học trực tuyến có thời gian ngắn hơn, các giáo viên đã phải tìm cách sửa đổi lại giáo án trong thời gian ngắn. 

Cô Nurunnawal Yem, giáo viên một trường tiểu học ở Malaysia, chia sẻ việc dạy học trực tuyến khiến cả giáo viên và học sinh kiệt sức. Cô tâm sự: "Các đồng nghiệp của tôi có người đã bỏ việc, còn một số khác thì bị chấm dứt hợp đồng vì bị phụ huynh khiếu nại. Chúng tôi có các cố vấn học đường, những người tích cực tổ chức các buổi hội thảo không chỉ cho nhân viên mà còn cho cả phụ huynh".

Các vấn đề về tâm lý

Lên tiếng về tình hình này, bà Irna Minauli, một nhà tâm lý học lâm sàng có trụ sở tại thành phố Medan, tỉnh Bắc Sumatra (Indonesia) cho biết trong một số trường hợp, áp lực đối với cả giáo viên và học sinh quá lớn khiến họ sang tự làm hại bản thân và rơi vào trạng thái trầm cảm.

Bà phân tích: "Một số giáo viên đã cảm thấy áp lực với công việc từ trước đại dịch nay càng tồi tệ hơn. Điều này khiến học sinh cũng cảm thấy quá tải và mệt mỏi. Các giáo viên nói rằng việc dạy học trực tuyến rất khó khăn vì thiếu sự tương tác, đặc biệt là khi tất cả học sinh đều tắt camera và micro, nên cảm giác như giáo viên chỉ nói và nói. Là người nghe, học sinh  thường thiếu tập trung vì các em có thể làm việc riêng khi họ đang học trực tuyến".

Cùng lúc đó, các học sinh thì nói rằng họ tuyệt vọng vì họ học không đủ và cảm thấy tiến độ học tập đang bị trì hoãn.

Dạy học online đã gây ra nhiều vấn đề về tâm lý với giáo viên. Ảnh minh hoạ

Bên cạnh nội dung công việc, một vấn đề của các giáo viên là đảm bảo lượng học sinh, sinh viên truy cập buổi học. Thầy giáo Khairy Al Hafyz, giáo viên tiếng Anh ở Malaysia, cho biết để phù hợp với việc chuyển đổi sang học trực tuyến, anh đã gộp nhiều lớp với nhau. Tuy nhiên, trong những lớp học trực tuyến gần đây của anh, chỉ có 11 học sinh đăng nhập vào phòng học. 

Anh chia sẻ: "Điều tồi tệ là tình trạng này xảy ra từ tháng 5 tới giờ. Ban đầu, tôi đã tự mình gọi các em học sinh vào Google Meets để học. Tuy nhiên, sau buổi học này tôi đã bỏ cuộc. Tôi đã nhận ra nguyên nhân và thay đổi cách tiếp cận của mình".

Trong một lớp học gần đây, anh ấy đã yêu cầu sinh viên nhắn tin riêng cho anh ấy trên WhatsApp để nói với anh ấy về những vấn đề họ đang gặp phải. Anh tâm sự: "Tôi đau lòng khi đọc phản hồi của các học sinh. Khá nhiều người trong số các em học sinh đã rơi vào trạng thái trầm cảm, dù họ không trực tiếp nói ra điều đó. Một học sinh nói với tôi rằng em ấy không ngừng nghĩ đến việc bỏ trốn. Điều khiến tôi sốc là vì cậu bé này là học sinh thực sự tốt trong trường". 

Thầy giáo nói thêm: "Sau khi tìm hiểu, tôi phát hiện ra bố của em học sinh này đã nghỉ việc, còn mẹ em ấy không đi làm và giờ họ đã bị đuổi khỏi nhà. Hiện họ đang sống với bà nội của anh. Bố và mẹ của anh ấy liên tục gây gổ và bà nội không thể làm gì được".

Ngoài ra, một trường hợp khác thì bị bố mẹ cấm ra khỏi nhà sau khi một họ hàng của em học sinh này tử vong do COVID-19. Những điều này đã gây khó khăn với cả học sinh và giáo viên trong việc dạy và học trực tuyến. 

Minh Hạnh (Theo SCMP)

Tin nổi bật