Giáo hoàng Pope Francis đã kêu gọi những nỗ lực từ cộng đồng quốc tế để xây dựng lại lòng tin trên bán đảo Triều Tiên và ở Syria.
Hôm 8/1, trong bài phát biểu thường niên trước các nhà ngoại giao đến từ 185 quốc gia trên thế giới, Giáo hoàng Pope Francis tái khẳng định sự cần thiết phải tôn trọng hiện trạng của Jerusalem, và không chấp nhận bất kỳ đề xuất nào làm gia tăng thêm “sự hận thù” trên thế giới.
Giáo hoàng Francis đã không chỉ đích danh nước Mỹ trong bài phát biểu, song nhiều yếu tố trong bài phát biểu truyền tải nhều ẩn ý đối với chính quyền Tổng thống Donald Trump: Giáo hoàng kêu gọi chính phủ các nước cung cáp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn cầu cho tất cả mọi người; yêu cầu tôn trọng các cam kết đối với Hiệp định Paris (2015) về biến đổi khí hậu; thúc giục các chính phủ tạo điều kiện hòa nhập tốt hơn cho người nhập cư và tham gia thảo luận rộng rãi về giải trừ vũ khí hạt nhân.
Giáo hoàng Pope Francis - Ảnh: AP. |
Giáo hoàng Francis đã cảnh báo về nguy cơ từ mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên, nhắc lại tinh thần của hội nghị đặt biệt của Vatican về hạt nhân (11/2017) rằng, không có lý do cho một cuôc chạy đua vũ trang nguyên tử. Giáo hoàng cũng đã liệt mối đe dọa của cuộc chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vào danh sách các điểm nóng toàn cầu.
Giáo hoàng nhấn mạnh, những nỗ lực của cộng đồng quốc tế là rất cần thiết cho vấn đề Triều Tiên. Giáo hoàng cũng nhắc đến việc đẩy đối thoại “để tìm ra các giải pháp giải quyết các tranh chấp hiện tại, gia tăng lòng tin lẫn nhau và bảo đảm một tương lai hòa bình cho người dân trên bán đảo Triều Tiên và toàn thế giới”.
Giáo hoàng Francis đã kêu gọi các biện pháp xây dựng lòng tin ở Syria và của cộng đồng quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự trở lại của tất cả những người tị nạn, đặc biệt là những người Công giáo.
Trong bài phát biểu của Giáo hoàng không nhắc đến quyết định của Mỹ chuyển đại sứ quán nước này tới Jerusalem, song ông cũng đã đề cập đến những căng thẳng gần đây ở Jerusalem. Giáo hoàng cho rằng hiện trạng Jerusalem cần được tôn trọng và thành phố này giành cho cả người Công giáo, Do thái giáo và Hồi giáo.
Ngoài ra, trong bài phát biểu của mình, Giáo hoàng cũng có nhắc đến tình hình vi phạm nhân đạo ở Venezuela và hy vọng rằng các cuộc bầu cử trong năm nay ở nước này sẽ giải quyết được những xung đột hiện nay, đồng thời mang lại nhiều hy vọng cho người dân quốc gia Nam Mỹ này.
KÔNG ANH (Theo Stripes)