(ĐSPL) - Trước đề xuất thí điểm công nghệ sử dụng dữ liệu trên điện thoại di động để giám sát giao thông của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, điều này vi phạm luật pháp?
Trao đổi trên báo chí, ông Khuất Việt Hùng (Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia) giải thích: Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ sử dụng dữ liệu từ điện thoại di động (được tích hợp trong sim điện thoại) để giám sát hành trình tham gia giao thông của mỗi cá nhân.
“Ví dụ, tôi cầm điện thoại đi trên đường, ô tô của tôi đi nhanh hay chậm thì sẽ được gửi về hệ thống và dữ liệu của hàng triệu người đang tham gia giao thông sẽ được gửi về hệ thống và xử lý. Khi đó, chúng ta sẽ có được trạng thái thực của giao thông”, ông Hùng khẳng định. Như vậy, cũng có nghĩa, mọi “đường đi, lối lại” của người dân đều được kiểm soát rất chặt chẽ và sẽ giảm thiểu tối đa những vi phạm giao thông?
Theo đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, năm 2016, Việt Nam sẽ ứng dụng giám sát giao thông qua điện thoại. |
|
Cũng theo ông Hùng, đây là đề án giao thông thông minh tích hợp cho điện thoại di động được các chuyên gia Đức và Việt Nam nghiên cứu và được Chính phủ Đức tài trợ. Hiện nay, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã đề nghị Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel và Tổng cục Đường bộ Việt Nam chính thức tham gia hợp tác để thực hiện dự án này. Theo đó, Viettel không chỉ là đơn vị bán thiết bị giám sát hành trình mà sẽ trở thành nguồn cơ sở dữ liệu cho hệ thống giao thông Việt Nam.
Trao đổi với PV, tiến sỹ, luật sư Hoàng Ngọc Giao (Giám đốc công ty luật Hoàng Giao và cộng sự) chia sẻ: “Tôi rất lo ngại trước những cái “gọi là sáng kiến” của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trong thời gian vừa qua. Đó là những đề xuất trên trời, quá bi hài và không đúng thẩm quyền, chức trách của các vị lãnh đạo ở Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia”.
Xem thêm video: Xe lao xuống ruộng do tài xế buồn ngủ.
Theo quan điểm của ông Giao, đề xuất này vô cùng bất hợp lý và bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng hiến pháp về quyền riêng tư của mỗi công dân. “Tại Điều 38 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về quyền bí mật đời tư, trong đó điện thoại được đảm bảo an toàn và bí mật. Hiến pháp năm 2013 càng thể hiện rõ điều này. Bởi vậy, tôi không biết họ căn cứ vào đâu để đưa ra đề xuất như vậy. Nếu họ không giải trình được rõ ràng, cụ thể họ căn cứ vào quy định nào thì đề xuất này vô căn cứ về mặt pháp luật và không khả thi”, ông Giao khẳng định.
Ngoài ra, ông Giao cũng phân tích: Đề xuất này vi phạm rất nghiêm trọng luật pháp hiện hành, thể hiện ở các điểm như: Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã không làm đúng thẩm quyền của mình, họ không có tư cách để giải thích luật bởi họ không phải là một bộ quản lý ngành. Chỉ có Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới được quyền giải thích luật pháp.
Hơn thế, những giải thích của các vị lãnh đạo ở Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thậm chí còn rất tùy tiện và kệch cỡm. “Họ cho rằng, việc làm này ở nước ngoài đã thực hiện rất tốt và chúng ta nên học hỏi, tiếp thu? Có dẫn chứng cụ thể không hay chỉ nói suông? Hơn thế, nước ngoài có rất nhiều cái hay, Việt Nam đã học hỏi được bao nhiêu cái hay của người ta? Và có phải cứ hay thì mình làm theo mà quên đi cả luật pháp hiện hành”, ông Giao nói.
Ông Giao so sánh, đề xuất này bi hài không khác gì quy định của bộ Y tế về việc người ngực lép không được lái xe. Cuối cùng, quy định của bộ Y tế cũng bị bãi bỏ, vậy chắc chắn đề xuất này cũng sẽ không được thông qua. “Đề xuất này lại một lần nữa cho thấy tầm nhìn của các vị lãnh đạo chỉ ngồi bàn giấy, điều hòa, suốt ngày đưa luật thế giới áp dụng vào Việt Nam mà không căn cứ vào tình hình giao thông thực tế của đất nước”, ông Giao khẳng định.
Tiến sỹ Hoàng Giang (Phó giám đốc Trung tâm sản phẩm ứng dụng Viettel Telecom) khẳng định: Dữ liệu khách hàng được nhà mạng thu nhập để chuyển sang xử lý chỉ là các dữ liệu giao thông như tốc độ, hướng di chuyển của số đông phương tiện, tuyệt đối không xử lý dữ liệu khác của mỗi cá nhân. Nhà mạng cam kết bảo mật dữ liệu cá nhân của chủ thuê bao theo đúng quy định của pháp luật. |
Luật sư Nguyễn Xuân Vinh (công ty luật Khai Tâm, đoàn Luật sư TP.Hà Nội): “Theo luật Dân sự 2005 và Hiến pháp năm 2013, quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín là những dạng của quyền bí mật đời tư. Nếu xâm phạm, tùy theo mức độ sẽ bị xử lý hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.” Cũng theo ông Vinh, đề xuất này của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia rất khó để thực hiện bởi việc giám sát hành trình này bắt buộc phải được các chủ thuê bao đồng ý. Nếu cưỡng ép họ thực hiện là vi phạm pháp luật. Nhưng, liệu có mấy ai chấp nhận việc giám sát này và nếu có ít người đồng ý, chắc chắn đề xuất này cũng sẽ không thực hiện được. Bên cạnh đó, luật sư Vinh cũng phân tích rất nhiều những bất cập xung quanh đề xuất này: Sử dụng sim điện thoại để lấy dữ liệu thông tin giám sát giao thông, vậy nếu sử dụng sim rác hay sim không chính chủ thì sẽ giám sát bằng cách nào, sẽ xử phạt ra sao? Dữ liệu trên điện thoại di động bao gồm rất nhiều thông tin cá nhân, vậy giám sát giao thông kiểu gì để không “lẫn lộn” các thông tin này và không để lộ thông tin cá nhân ra ngoài? Nếu lộ, ai sẽ chịu trách nhiệm? Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các đơn vị liên kết, hay lại “đá bóng” trách nhiệm?... Điều quan trọng là họ đã hỏi ý kiến của người dân chưa, sẽ có bao nhiêu người đồng ý với đề xuất này? Câu hỏi nghe có vẻ thừa nhưng lại là câu hỏi muôn thuở. |
Luật sư Vi Văn Diện (Giám đốc công ty luật Thiên Minh, đoàn luật sư TP.Hà Nội): “Đề xuất này có rất nhiều bất cập và cũng không khả thi lắm. Mục đích giám sát giao thông là việc làm rất tốt, nhưng sẽ phải thực hiện như thế nào để không xâm phạm quyền riêng tư của mỗi cá nhân là điều rất khó. Đây mới chỉ là đề xuất, chưa có bất kỳ thông tin cụ thể nào nên chúng ta cũng không thể nói ngược, nói xuôi được. Tuy nhiên, nếu nhìn sơ bộ có thể thấy, việc người dân “bị” giám sát, đi đến đâu cán bộ cũng biết, chắc chắn sẽ không được ủng hộ”. |
MINH VŨ