Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giảm lãi suất về 6 - 7%, ngân hàng lo doanh nghiệp vẫn không vay vốn

  • Vân Anh
(DS&PL) -

Thừa nhận lãi suất giảm sâu, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn “thờ ơ” khi không có nhu cầu vay vốn

Ngân hàng “ế” vốn vì đâu?

Các ngân hàng hiện đồng loạt giảm lãi cho vay về mức rất thấp. Có thể nói, nhóm doanh nghiệp là đối tượng cảm nhận rất rõ khi lãi suất giảm.

Báo Vietnamnet dẫn lời ông Phạm Đông Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải ô tô An Phước, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk cho biết, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó có An Phước, đã có thể vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp hơn nhiều so với đầu năm 2023. Đơn cử như lãi suất vay vốn trung hạn công ty ông vay hiện dưới 10%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn dưới 7%/năm. Theo ông, mức lãi suất này đang hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp.

“Thời điểm đầu năm 2023, lãi suất ngân hàng lên đến 13%, thậm chí 15%/năm, nhưng hiện xuống dưới 10%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn; như vậy đã đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp. Đối với các khoản vay ngắn hạn, trước đây lãi suất từ 10% trở lên nhưng nay chỉ còn khoảng 7%, mức lãi suất này là phù hợp”, vị giám đốc nói.

Lãi suất giảm, nhưng câu hỏi "vay tiền để làm gì" thì doanh nghiệp vẫn chưa thể trả lời. Vấn đề lớn nhất đối với doanh nghiệp hiện nay, theo ông Thanh, là tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng, dẫn đến không có nhu cầu vay vốn. 

“Doanh nghiệp giờ đang không có nhu cầu vay vốn, họ không biết vay để làm gì. Hầu hết các doanh nghiệp bị giảm sút đơn hàng khi nhu cầu của khách hàng giảm mạnh. Cho nên, điều quan trọng là làm sao để kích cầu, thêm nguồn hàng cho doanh nghiệp phát triển”, ông Thanh nói thêm.

Ngoài nguyên nhân doanh nghiệp thiếu đơn hàng, không có nhu cầu vay vốn, còn một yếu tố khác dẫn đến ngân hàng và doanh nghiệp đều muốn cho vay – vay nhưng không được là chính sách trong việc xác định giá trị tài sản đảm bảo cho khoản vay của doanh nghiệp chưa linh hoạt.

“Đất thuê trả tiền hàng năm không được ngân hàng công nhận là tài sản đảm bảo. Muốn được công nhận, doanh nghiệp buộc phải bỏ ra chi phí rất lớn để sở hữu tài sản đó", ông Thanh cho hay.

Lãi suất cho vay giảm về rất thấp, doanh nghiệp vẫn không vay.

Báo Thanh niên dẫn lời  bà Trần Thị Lan Anh, Giám đốc Công ty Xuất khẩu cà phê Vĩnh Hiệp Gia Lai nêu quan điểm tương tự: "25 năm qua trong quan hệ tín dụng ngân hàng, dù chúng tôi luôn làm tốt vai trò và trách nhiệm trong việc vay vốn nhưng vẫn không thấy sự thay đổi của điều kiện chính sách sản phẩm cấp tín dụng. Chỉ duy nhất 1 phương án có tài sản đảm bảo là bất động sản bổ sung thì tăng hạn mức. Thật sự là không phù hợp với một doanh nghiệp hoạt động vay vốn sản xuất kinh doanh xuất khẩu. Doanh nghiệp không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài bởi hình thức cho vay này". 

Theo công bố của nhiều ngân hàng, hồ sơ vay cho mục đích kinh doanh yêu cầu từ khách hàng gồm nhân thân, hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng vốn (phương án kinh doanh); hồ sơ chứng minh thu nhập và hồ sơ tài sản bảo đảm (giấy chứng nhận sở hữu tài sản).

Đây chỉ là những "nét cơ bản" trong hồ sơ vay. Đi vào chi tiết mới thấy rõ hơn các quy định ngặt nghèo vô cùng. Tài sản đảm bảo là bất động sản phải có giấy chứng nhận sở hữu nhà đất.

Kế đến phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả đảm bảo khả năng trả nợ ngân hàng, kế hoạch trả nợ. Bản báo cáo tài chính của doanh nghiệp trong vòng 2 năm gần nhất, hợp đồng mua bán hàng hóa…

Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp nhỏ hay hộ kinh doanh hầu như không thể đảm bảo điều kiện được vay vốn.

Tại hội nghị của ngành ngân hàng diễn ra ở Đắk Lắk cuối tuần qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cũng thừa nhận thực trạng doanh nghiệp muốn vay vốn nhưng không đủ điều kiện vay, trong khi doanh nghiệp đủ điều kiện lại không có nhu cầu vay vốn.

“Vay mà chưa bán được hàng, vay mà sản xuất chậm thì vay để làm gì khi phải trả lãi? Việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chính là cách để người dân có công ăn việc làm, phát triển kinh tế”, Phó Thống đốc lưu ý. 

Lợi nhuận ngân hàng suy giảm vì “thừa tiền”

Theo tạp chí Kinh tế Sài Gòn, ngân hàng BacABank mới đây công bố báo cáo tài chính quý III/2023 với lợi nhuận trước thuế hơn 77 tỷ đồng giảm hơn 70% cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận ngân hàng chỉ đạt 550 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng giai đoạn năm trước.

Trong số các mảng kinh doanh, trừ hoạt động kinh doanh ngoại hối thì nguồn thu từ các mảng kinh doanh khác của ngân hàng đều sụt giảm. Trong đó, hoạt động tín dụng ghi nhận thu nhập lãi thuần chỉ đạt 426 tỷ đồng trong quý III/2023, giảm 33%.

Điều này xuất phát từ việc tín dụng của ngân hàng chỉ tăng 4,8%, trong khi tiền gửi khách hàng tăng tới 18,2% so với đầu năm. Theo đó, tiền gửi tăng nhanh khiến gánh nặng trả lãi cho người gửi tiền lớn, trong khi thu nhập từ hoạt động cho vay tăng chậm là nguyên nhân khiến nguồn thu hoạt động kinh doanh cốt lõi (cho vay) giảm sút. Trong quý III/2023, thu nhập từ lãi của BacABank chỉ tăng 24,5%, trong khi chi phí lãi tăng tới 43%, khiến thu nhập lãi thuần giảm tới 33%.

PG Bank cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế ở mức 56,6 tỷ đồng trong quý III/2023, giảm 60% do tất cả các mảng kinh doanh đều ghi nhận sự sụt giảm về lợi nhuận so với cùng kỳ. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 61% còn 1,6 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động khác giảm 76% về mức hơn 7,1 tỷ đồng.

Nhưng yếu tố chính khiến lợi nhuận quý III/2023 của PG Bank suy giảm, theo đại diện ngân hàng, là thu nhập lãi thuần giảm 16%. Việc giảm chỉ tiêu này do tình hình hoạt động chung quý 3 của ngành ngân hàng khó khăn, dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp.

Ngoài ra, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 42% do tình hình xuất nhập khẩu nói chung của các doanh nghiệp trong quý III kém dẫn đến các hoạt động thanh toán, L/C bị ảnh hưởng lớn.

Vân Anh (T/h)

Tin nổi bật