Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giám đốc bệnh viện K: 35% nguy cơ ung thư có thể phòng ngừa qua việc ăn uống

(DS&PL) -

Giám đốc BV K khẳng định: “Chỉ có dưới 10% ung thư phát sinh do các rối loạn trong cơ thể, phần lớn nhất (35%) là do chế độ ăn uống không hợp lý và ô nhiễm thực phẩm.

PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K khẳng định: “Chỉ có dưới 10% ung thư phát sinh do các rối loạn trong cơ thể", mà phần lớn nhất (chiếm 35%) là do chế độ ăn uống không hợp lý và ô nhiễm thực phẩm.

Chưa có căn cứ khẳng định thực phẩm bẩn gây ra ung thư 

Vietnamnet đăng bài khẳng định của PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K về tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở Việt Nam. Hiện nước ta đang đứng thứ 78/172 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đứng 4 trên 11 nước Đông Nam Á, về tỷ lệ người mắc căn bệnh này.

PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K:"35% ung thư có nguồn gốc do ăn uống..."

Trong số đó, chỉ có 10% là do nguyên nhân bên trong bao gồm các rối loạn nội tiết, tổn thương có tính di truyền.

“Trong số các nguyên nhân liên quan đến yếu tố môi trường, hút thuốc, chế độ dinh dưỡng không hợp lý và ô nhiễm thực phẩm chiếm tới 65% nguyên nhân gây ung thư”, PGS Thuấn nhấn mạnh.

Phần còn lại là do các nguyên nhân khác như tia phóng xạ, tia cực tím, ô nhiễm môi trường hoặc do nhiễm virus, vi khuẩn...

Riêng về Chế độ ăn uống không hợp lý và ô nhiễm thực phẩm thì PGS Thuấn cho biết chế độ ăn nhiều thịt, mỡ động vật, ít rau quả làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng và ung thư vú.

Các chất bảo quản thực phẩm, nhuộm màu thực phẩm có nguồn gốc hoá học, các chất trung gian chuyển và sinh ra từ thực phẩm nấm mốc, lên men (cà, dưa muối) gây ra nhiều loại ung thư đường tiêu hoá như: Dạ dày, gan, đại tràng, thực quản...

Theo PGS Thuấn, các chất tăng trọng, thuốc trừ sâu, kháng sinh, chất phụ gia... có trong thực phẩm gây ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ người sử dụng, có thể gây ngộ độc cấp tính, nhiễm trùng, sán não... nhưng để phát triển thành bệnh lý ung thư thường phải sau thời gian dài tiếp xúc.

“Do đó nói thực phẩm bẩn gây ra ung thư là không có căn cứ. Muốn khẳng định, cần có thời gian dài theo dõi, nghiên cứu với số lượng mẫu đủ lớn. Ngay như để khẳng định tác hại của hút thuốc với ung thư phổi, các nhà khoa học cũng phải mất tới 30 năm”, PGS Thuấn nhấn mạnh.

Loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam liên quan đến ăn uống

Tuy nhiên không thể phủ định rằng các bệnh ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay đều có liên quan đến môi trường là hút thuốc, dinh dưỡng và ô nhiễm thực phẩm như ung thư phổi, ung thư gan, dạ dày, trực tràng.

Chế độ dinh dưỡng và thực phẩm bẩn là nguyên nhân gây ra các bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa phổ biến nhất ở Việt Nam.

Theo Thanh niên, GS-TS Nguyễn Bá Đức, Phó chủ tịch Hội Ung thư VN, các nghiên cứu về dịch tễ học và thực nghiệm chỉ ra, khoảng 35% loại ung thư ở người là do chế độ dinh dưỡng, ăn uống không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. GS-TS Nguyễn Bá Đức khẳng định các chất độc hại có trong thực phẩm không chỉ gây ngộ độc cấp tính mà còn gây ngộ độc mãn tính. Khi sử dụng nhiều lần hoặc kéo dài, những chất độc hại đó tích tụ lâu năm trong cơ thể, dẫn tới các tổn thương hoặc gây bệnh ở các bộ phận khác nhau hoặc ung thư.

GS-TS Nguyễn Bá Đức cảnh báo: “Một số chất kích thích tăng trưởng rau, quả có thể gây bệnh ác tính. Khi con người đưa vào cơ thể sản phẩm từ cây trồng, vật nuôi lạm dụng thuốc, hóa chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng nguy cơ mắc nhiều bệnh, trong đó có bệnh ung thư”.

Phòng ung thư bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt

Từ những ý kiến của các chuyên gia ở trên cho thấy, ít nhất 65% nguy cơ ung thư có thể tránh được nhờ thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt của mỗi người.

- Bỏ hút thuốc: Là nguyên nhân gây ra 30% trong tổng số các loại ung thư như: Ung thư phổi, ung thư thanh quản, thực quản, khoang miệng, bàng quan, tuỵ, vú, dạ dày, cổ tử cung...

Những món ăn chế biến sẵn, muối chua... có thể tạo thành các chất gây ung thư trong ruột.

- Không cần ăn kiêng: Theo như Khuyến cáo của bệnh viện K thì bạn không cần phải ăn kiêng để phòng tránh ung thư. Hãy thay đổi chế độ ăn hợp lý, tìm ra nguồn thực phẩm tươi, sạch chính là bạn đang bảo vệ sức khỏe của chính bạn và những người thân yêu. Vấn đề là nên chọn ăn nhiều hoặc ăn ít hơn đối với thức ăn này hoặc thức ăn khác. Chế độ ăn có các loại thực phẩm cơ bản như gạo, thịt, rau, và hoa quả. Lựa chọn nhiều loại thức ăn khác nhau có nghĩa là bạn đảm bảo tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết không quá nhiều, hoặc quá ít đối với một chất dinh dưỡng nào.

- Tránh ăn tối đa một số món ăn dân tộc: Có những hóa chất như Nitrit hoặc Nitrat được dùng để bảo quản rất nhiều sản phẩm thịt, giữ cho chúng được tươi như: Giấm bỗng, thịt lợn muối, xúc xích, thịt tẩm hành – hạt tiêu, thịt hộp và lạp xường. Không nên ăn quá nhiều sản phẩm thịt đã được chế biến sẵn đó. Nitrit và Nitrat có thể tạo ra trong ống tiêu hóa của bản các chất gây ung thư. Các chất gây ung thư đó có thể tìm thấy trong các thức ăn muối và ướp như cà muối và dưa.

- Hãy vứt bỏ thức ăn bị mốc: Các chất gây ung thư có thể tìm thấy trong lạc, trong các chất hạt, hạt giống và các loại ngũ cốc bị mốc.

- Thận trọng với thức ăn nướng: Thực phẩm tiếp xúc trực tiếp với lửa, với khói có thể sinh ra các chất gây ung thư. Vì thế nên gói thực phẩm trong các lá kim loại khi nướng. Các loại ngũ cốc nguyên hạt, rau và hoa quả là tốt cho bạn.

Các công trình nghiên cứu cho thấy, bữa ăn hàng ngày có nhiều rau tươi, hoa quả và ngũ cốc nguyên hạt sẽ làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Đó là một chế độ ăn nhiều sợi cũng như các sinh tố A và C. Khi mua rau hoặc hoa quả nên chọn loại có lá xanh hoặc màu vàng, chúng có nhiều sinh tố A hơn loại có màu nhạt.

Tổng hợp

Tin nổi bật