Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giảm cân bằng nước ép bí đao sống: Phản khoa học, có thể gây tử vong

(DS&PL) -

Bí đao là loại thực phẩm tuyệt đối không được ăn sống vì nước quả bí đao có thành phần gây rối loạn tiêu hóa. Giảm cân bằng nước ép bí đao sống có thể gây tử vong.

Bí đao là loại thực phẩm tuyệt đối không được ăn sống vì nước quả bí đao có thành phần gây rối loạn tiêu hóa. Giảm cân bằng nước ép bí đao sống có thể gây tử vong.

Tuyệt đối không sử dụng bí đao sống

Vừa qua, mạng xã hội lan truyền nhiều câu hỏi cũng như chia sẻ về phương pháp giảm cân bằng cách uống nước ép bí đao. Trong đó có trường hợp của chị Trần Thị Thơm, ngụ P.Tân Thới Hiệp, Q.12, TP.HCM.

Chị Thơm cho biết: “Sau hai lần sinh nở, cơ thể tôi phát phì. Tôi cao 1m55 mà cân nặng tới hơn 60kg. Nghe mấy chị trong cơ quan chỉ cách uống nước ép bí đao sống giảm cân nhanh, nên tôi làm theo. Bí đao gọt bỏ vỏ, ép nước mỗi lần khoảng 2 trái bí, uống mỗi ngày 2 ly/sáng, chiều, trước ăn…Tôi đã uống được khoảng 1 tuần. Sau khi uống nước ép bí đao tôi thấy hay bị sôi bụng và tiêu chảy, người cảm thấy rất mệt...”.

Chị Trần Thị Thơm (TP.HCM) giảm cân bằng cách uống nước ép bí đao nhưng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe 

Qua tìm hiểu của PV, trên nhiều trang mạng nhan nhản những tư vấn, chỉ dẫn cách làm đẹp cho chị em từ bí đao bằng cách ép bí đao lấy nước, trộn vài giọt muối dùng làm nước uống hàng ngày giúp thanh nhiệt, giải độc, phòng ngừa cảm, giảm mụn nhọt, lở ngứa, giảm cân, không tích mỡ ở bụng…

Có trang mạng còn cho rằng, bí đao có hợp chất hóa học hyterin-caperin có khả năng ngăn không cho đường chuyển hóa thành mỡ trong cơ thể, uống nước ép bí đao cơ thể sẽ không bị tích lũy mỡ dẫn đến béo phì…

Tuy nhiên, theo Lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Dược liệu TP.HCM, bí đao là loại thực phẩm không dùng để ăn sống, tuyệt đối không được ăn sống, vì nước quả bí đao có thành phần gây rối loạn tiêu hóa. Uống liên tục nước ép bí đao sống triệu chứng nhẹ thì gây đầy bụng, trướng hơi, khó tiêu, nặng thì có thể dẫn tới ngộ độc thực phẩm, mất nước do tiêu chảy, có thể tử vong.

Triệu chứng gây tiêu chảy cấp, làm cho cơ thể bị sốc mất nước, mất chất dinh dưỡng, gây sụt cân nhanh chóng, khiến các chị em nhầm tưởng nước bí đao đã giúp giảm cân. Giảm cân và sụt cân là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Giảm cân là giảm từ từ bằng các biện pháp tập luyện, ăn uống điều độ, có khoa học. Còn sụt cân do mất dinh dưỡng thì ảnh hưởng sức khỏe, có khi nguy hiểm tới tính mạng.

Phản khoa học

Cùng quan điểm, TS Võ Văn Năm, phó trưởng Bộ môn Dược liệu, trường ĐH Y Dược TP.HCM cho rằng, trong quả bí đao có chất saponin là thành phần tạo bọt, uống nhiều nước bí đao sống dễ gây kích ứng cơ thể như: khó chịu nôn nao trong người, rối loạn tiêu hóa.

Do đó, bí đao chỉ ăn khi đã nấu chín. Khi nấu chín, bí đao là thực phẩm bình thường cung cấp chất xơ và một số vitamin, khoáng chất lợi sức khỏe, giảm nhiệt, lợi tiểu. Nó có thể giúp ăn kiêng, vì khi bổ sung nhiều chất xơ thì giảm chất béo và tinh bột.

Chưa có nghiên cứu chứng minh uống nước ép bí đao sống có thể giảm cân 

Trong dược khoa chưa có một nghiên cứu nào chứng minh nước bí đao sống có tác dụng giảm cân, hay chống béo phì. Cách dùng nước ép bí đao sống để giảm cân là phản khoa học, không nên làm theo.

Ở Nhật Bản, phụ nữ thường giảm cân bằng cách ăn thạch rau câu, hoặc thạch é (đem ngâm trong nước cho nở ra) ăn không đường, có tác dụng tạo cảm giác no mà không cung cấp năng lượng, một tuần ăn 2-3 lần…

“Đối với rau, củ quả, lạm dụng nó đều có thể gây tác dụng ngược. Đã có nhiều trường hợp lạm dụng rau, củ, quả phòng, chữa bệnh nhưng lại sinh bệnh. Ví dụ, họ cải có thể ngừa ung thư nhưng ăn thế nào cho thực phẩm phát huy công dụng mới là điều quan trọng. Với rau họ cải nói chung, củ cải nói riêng ăn quá nhiều có thể gây bướu cổ. Bởi vị nồng của họ cải có chất gây ức chế thyroxin nội tiết tố của tuyến giáp trạng ở cổ” – TS Võ Văn Năm cho hay.

Vận động thì năng lượng mới tiêu hao, đây là cách giảm cân, giữ cho vóc dáng thon gọn một cách tích cực và bền nhất. Ngoài ra kết hợp kiêng ăn chất béo, giảm lượng tinh bột, tăng chất xơ. Rau, quả phải ăn đa dạng, ăn quá nhiều một loại đều không có lợi. Nghe theo truyền miệng, ăn uống không khoa học, hoặc dùng thuốc để giảm cân, chống béo phì, rất tiêu cực và không bền vững.  TS Võ Văn Năm- Trường ĐH Y Dược TPHCM
                                                                                                                  
Quỳnh Hương

Tin nổi bật