Có rất nhiều giai thoại thú vị xung quanh cuộc đời và sự nghiệp làm giàu lừng lẫy của vị đại gia sở hữu gần 30.000 căn nhà ở Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn.
Người Sài Gòn xưa có câu nói “Đi tàu Chú Hỷ, ở nhà Chú Hỏa” để chỉ hai nhân vật nổi tiếng: Chú Hỷ - “vua tàu thuyền” - có tàu chạy Lục tỉnh và Chú Hỏa - “vua nhà đất” - với gần 30.000 căn nhà phố khắp Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn.
Ông Hứa Bổn Hòa – hay còn gọi là Chú Hỏa (1845-1901), có tên tiếng Pháp là Jean Baptist Hua Bon Hoa, người gốc Minh Hương (người Hoa, có gốc gác từ triều Minh), tổ tiên sang định cư ở Nam bộ từ thế kỷ 17.
Là một trong những người giàu nhất Sài Gòn xưa, vì vậy xung quanh cuộc đời và sự nghiệp kinh doanh lừng lẫy của Chú Hỏa có rất nhiều giai thoại thú vị.
Câu chuyện quen thuộc nhất khi nói chuyện về những bước khởi nghiệp của Chú Hỏa khi mới từ Trung Quốc đến Sài Gòn lập nghiệp chính là chỉ từ hai bàn tay trắng với một gánh ve chai trên vai.
Theo đó, rất nhiều người kể rằng, Chú Hỏa có xuất thân nghèo khổ. Vị đại gia này từng kiếm sống bằng nghề buôn bán phế liệu. Trong một lần thu mua ve chai, Chú Hỏa nhặt được cả túi vàng nằm trong một chiếc ghế nệm cũ. Người khác nói rằng Chú Hỏa đã mua được bức tượng đúc đồng nhưng bên trong đầy vàng.
Những câu chuyện được người ta truyền miệng cho nhau rằng cuộc đời Chú Hỏa thay đổi khi chính quyền Pháp mở cuộc đấu giá thanh lý 20.000 máy truyền tin cũ, không còn giá trị sử dụng. Chú Hỏa đã mua lại số hàng này, và nhờ vào kinh nghiệm nhiều năm buôn phế liệu, ông đã phân loại thành công được vàng từ những máy truyền tin tưởng chừng vô giá trị.
Còn theo một số người khác, khi lê la gánh hàng ve chai khắp nơi trên Sài Gòn - Chợ Lớn để thu mua những thứ bỏ đi của thiên hạ, Chú Hỏa đã mua trúng đồ cổ. Nhờ thành thạo chữ Hán nên biết trong đám đồ người ta vứt ra có đồ cổ từ thời Nguyên, đời Thanh, thậm chí từ đời Hán. Do đó, từ nghề mua ve chai này, ông tạo lập được gia sản đầu tiên bằng nghề “mua của bỏ đi”.
Các giai thoại trên đều mang tính chất mơ hồ nhưng hầu như giai thoại nào vè Chú Hỏa cũng đề cập đến sự cần mẫn làm ăn, chịu khó, biết sử dụng lợi thế của bản thân mình trong quá trình kinh doanh.
Không giống các giai thoại trên, trong bài viết “Sự thật về Hui Bon Hoa và Chú Hỏa” của tác giả Chen Bickun với những tư liệu được cung cấp từ dòng dõi của Hui Bon Hoa đang sinh sống ở Paris (Pháp) cho biết về sự thật con đường làm giàu của Chú Hỏa như một chuyện cổ tích.
Theo đó, lúc mới sang Việt Nam, Chú Hỏa đã làm việc với một chủ người Pháp. Tính siêng năng và tốt bụng của Chú Hỏa đã khiến cho ông chủ Pháp thương và giúp vốn để Chú Hỏa mở tiệm cầm đồ để khởi nghiệp kinh doanh.
Tiệm cầm đồ đầu tiên của Chú Hỏa là căn nhà nằm ở góc đường Phó Đức Chính và Nguyễn Thái Bình ngày nay, còn văn phòng làm việc cho ông chủ người Pháp của ông ở trước cửa tiệm bên kia đường, trên một khu đất vẫn còn trống.
Chính khu đất trống này Chú Hỏa đã mua và xây ba căn sát nhau trên đường Phó Đức Chính, mỗi căn dành cho một người con trai.
Căn giữa Chú Hỏa giao cho người con trai lớn, còn hai căn nhà hai bên giao cho hai đứa con trai còn lại.
Ba căn nhà này về sau đã được các người con của Chú Hỏa xây dựng lại trở thành ba tòa nhà nguy nga, được dân gian xưa nay vẫn gọi là nhà Chú Hỏa, nay cả ba tòa nhà này đều được sử dụng làm Bảo tàng Mỹ thuật (97 Phó Đức Chính, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM).
Mở tiệm cầm đồ một thời gian, tích lũy được một số tiền, Chú Hỏa đổ vào ngành bất động sản bằng cách mua trước những khu đất sắp quy hoạch, chẳng hạn như ông đã mua toàn bộ vùng đất gần tiệm cầm đồ của mình vốn là vũng lầy bao quanh địa điểm mà người Pháp dự định xây chợ Bến Thành mới (tức chợ Bến Thành ngày nay).
Để thuận lợi cho việc kinh doanh, Chú Hỏa đổi tên thành Jean Baptiste Hui Bon Hoa khi trở nên giàu có.
Thành lập Công ty bất động sản Hui Bon Hoa sở hữu gần 30.000 căn nhà ở Sài Gòn (có tư liệu cho là 22.000 căn nhà). Các công trình nhà ở này đóng góp một vai trò quan trọng trong việc hình thành bộ mặt thành phố Sài Gòn những năm cuối thế kỷ 19.
Năm 1901, Chú Hỏa về thăm Trung Quốc, nhưng ông đã đột ngột qua đời và được chôn cất ngay tại quê hương, hưởng dương 56 tuổi.
Trong suốt quá trình kinh doanh, Chú Hỏa còn luôn chia sẻ với cộng đồng qua việc hiến tặng hàng loạt công trình phúc lợi xã hội mà chức năng vẫn tồn tại đến tận ngày nay, như: Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Trường THCS Minh Đức (quận 1), Bệnh viện Nguyễn Trãi (quận 5)…
Nhân Văn (T/h)