Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giải phóng Marawi - IS vẫn là mầm họa ở Đông Nam Á

(DS&PL) -

Đầu tuần này, Tổng thống Philippines tuyên bố, chiến dịch quân sự của Chính phủ nước này tại Marawi chống lại nhóm phiến quân thân tổ chức khủng bố IS...

Đầu tuần này, Tổng thống Philippines tuyên bố, chiến dịch quân sự của Chính phủ nước này tại Marawi chống lại nhóm phiến quân thân tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã kết thúc sau 5 tháng.

Những cuộc giao tranh tại Marawi đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng, làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ lan rộng của chủ nghĩa khủng bố ở Đông Nam Á.

“Tôi xin tuyên bố, thành phố Marawi đã được giải phóng khỏi ảnh hưởng của khủng bố, đánh dấu cho mốc khởi đầu của quá trình hồi phục”, Tổng thống Rodrigo Duterte nói trước các binh sĩ ở Marawi sau khi tiêu diệt 2 thủ lĩnh của phiến quân Abu Sayyaf và Maute.

Binh sĩ Philippines ở Marawi.

 

Tuy nhiên, bất chấp tuyên bố giải phóng của ông Duterte, những cuộc giao tranh nhỏ lẻ trên thực tế vẫn diễn ra. Chiến dịch cuối cùng nhằm càn quét chủ nghĩa khủng bố tại thành phố vẫn tiếp diễn. Chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là sự ảnh hưởng của lực lượng Hồi giáo cực đoan IS vẫn là một thách thức tiềm ẩn mà các quốc gia Đông Nam Á phải đối mặt.

Dù những nỗi lo về IS ở Đông Nam Á đã tồn tại từ nhiều năm trước đó, nhưng khủng hoảng tại Marawi thực sự là một hồi chuông cảnh báo với toàn bộ khu vực. Nó làm gia tăng nỗi sợ về việc IS thành lập một thành trì ở Đông Nam Á đồng thời phơi bày những hạn chế nghiêm trọng trong khả năng của quân đội Philippines trong quá trình diệt trừ khủng bố.

Khi Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) cho hay họ đã sắp chạm mốc kết thúc cuộc chiến tại Marawi, cái chết của hai tên thủ lĩnh cao nhất của nhóm phiến quân mang lại nhiều ý nghĩa.

Isnilon Hapilon, thủ lĩnh khu vực phía Nam Philippines của nhóm Abu Sayyaf, kẻ từng được phong làm “vua” của IS ở Đông Nam Á và Omarkhayam Maute là lãnh đạo của nhóm Maute, đều đã cam kết sẽ trung thành với IS và tập hợp lực lượng chiến đấu cùng nhau tại Marawi.

Bất kỳ thái độ hân hoan nào ở thời điểm hiện tại – gồm cả tuyên bố của ông Duterte về “giải phóng Marawi”, cũng đều gây hoài nghi.

Những thủ lĩnh khủng bố đã chết nhưng sẽ có những kẻ khác sớm thay thế vị trí đó trong hệ thống phân cấp của IS. Trong số đó, đáng chú ý là Mahmud Ahmad, một tiến sĩ đại học Malaysia bị cực đoan hóa và từng cung cấp nguồn tiền cho các tay súng trong cuộc chiến ở Marawi.

Dù chính quyền Tổng thống Duterte hy vọng cuộc chiến Marawi sẽ kết thúc trong vài ngày tới nhưng nguy cơ tái bùng phát bạo lực ở miền Nam Philippines vẫn còn. Một trong số đó là nỗi lo về sự cực đoan hóa của hàng trăm trong số hàng ngàn người dân đã rời khỏi khu vực.

Do vậy, giới phân tích cho rằng phương pháp tái thiết của giới cầm quyền Philippines là nhân tố quyết định cho cái nhìn của thế hệ Hồi giáo tiếp theo ở Mindanao với Chính phủ nước này.

 Một cứ điểm của IS tại Marawi khi còn giao tranh.

 

Nhà phân tích chính trị Richard Heydarian từ Manila nói: “Marawi trở nên hoang tàn, khiến người ta liên tưởng tới Mosul (Iraq) và Raqqa (Syria). Chúng ta đang nói tới 600.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Việc tái thiết không được tiến hành hợp lý sẽ khiến người dân thất vọng, phiến quân có thể lợi dụng điều đó để tuyển dụng nhân lực”.

Hơn nữa, trong bối cảnh lo ngại về các cuộc tấn công trả đũa và sự xuất hiện của các nhóm phiến quân mới, Chính phủ Philippines cần tập trung nhiều hơn vào công tác củng cố các cơ sở quốc phòng và lấp những lỗ hổng trong khả năng chiến đấu của lực lượng quân đội nước này, trong đó đáng lưu ý là tăng cường đào tạo tình báo và kỹ năng tác chiến đô thị.

Đó sẽ là những nội dung tốn kém đối với quân đội Philippines và lúc này họ còn nên tập trung vào việc phát hiện và đối phó với những mối họa trong tương lai trước khi phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thực sự.

Chính phủ Philippines cho hay, họ đã tiêu diệt được ít nhất 800 tên khủng bố ở Marawi sau 5 tháng giao tranh, nhưng nhiều khả năng các tay súng vẫn trốn thoát được trong khoảng thời gian ấy.

Theo Scott Stewart, Phó Chủ tịch công ty Phân tích Tình báo Địa chính trị Mỹ, một trong những vấn đề là “phiến quân có nguồn gốc Abu Sayyaf là những kẻ có kỹ năng đi biển và khả năng di chuyển linh hoạt qua các địa hình, nên rất khó khống chế chúng.

Chúng có thể trốn trong những hòn đảo khác, nơi có rừng rậm, hay thậm chí ở Mindanao”.

An ninh trong thời gian tới sẽ tiếp tục được thắt chặt trước lo ngại tàn quân IS sẽ chuyển đổi sang hình thức tấn công khủng bố mới.

“Philippines đã chuẩn bị cho một giai đoạn mới: Giai đoạn xuất hiện nhiều âm mưu tấn công khủng bố. Lực lượng cực đoan sẽ cố gắng hết mình nhằm chứng tỏ rằng chúng đang tồn tại. Ta có thể hình dung cách mà chúng đang tính toán để truyền tải thông điệp ấy”, nhà phân tích chính trị Richard Heydarian cho hay.

Giải quyết khủng bố không chỉ là vấn đề của riêng Philippines mà cần có sự nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước Đông Nam Á.

Những nỗ lực đó là rất cần thiết trong bối cảnh IS tìm cách tái thiết lập tổ chức, tìm một chỗ trú chân mới khi đang “giãy chết” ở Trung Đông, nhằm tập hợp những phần tử khủng bố trở về từ nước ngoài và những kẻ ủng hộ trong nước.

Tóm lại, dù cuộc chiến ở Marawi đã dần hạ nhiệt, thì một cuộc chiến lớn hơn nhằm chống lại IS và liên minh vẫn phải tiếp tục được tiến hành một cách hiệu quả và quyết đoán với sự đồng lòng của các quốc gia trong cộng đồng quốc tế.

Tin nổi bật