Thời gian vừa qua trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do người chưa thành niên gây ra. Trong nhiều vụ, đối tượng phạm tội rất manh động, liều lĩnh...
Vấn đề cực nóng
Trong những năm gần đây, tình trạng tội phạm do người dưới 18 tuổi thực hiện có chiều hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ phạm tội.
Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng này không còn đơn giản do bồng bột, thiếu suy nghĩ, mà đã có sự tính toán, chuẩn bị kỹ càng và khá tinh vi, thậm chí đã hình thành các băng nhóm tội phạm có tính nguy hiểm cao. Số lượng các vụ án tăng nhanh, nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, cùng với tính chất phức tạp của từng vụ án là những thủ đoạn tinh vi, do đó tính nguy hiểm ngày càng cao để lại những hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, làm xôn xao dư luận xã hội.
Việc gia tăng các vụ án có bị cáo là người dưới 18 tuổi phạm tội không chỉ tăng về số lượng bị cáo, mà tuổi đời cũng được trẻ hoá. Có nhiều vụ án các bị cáo là người dưới 18 tuổi thực hiện thuộc trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù chung thân hoặc tử hình như tội Cố ý gây thương tích, Giết người, Cướp tài sản, Trộm cắp tài sản.
Những vụ thảm án gây chấn động như vụ cướp tiệm vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang do Lê Văn Luyện gây ra khi chưa tròn 18 tuổi hay vụ nữ sinh Nguyễn Thị Giang sát hại bạn học ở Hưng Yên lúc mới 15 tuổi đã gióng hồi chuông cảnh báo về sự gia tăng tỉ lệ phạm tội ở lứa tuổi này, buộc các cấp, các ngành phải có những giải pháp hữu hiệu nhất nhằm phòng ngừa sự gia tăng của tình trạng phạm tội ở lứa tuổi chưa trưởng thành.
Thực tiễn xét xử thời gian qua thì thấy, tội phạm do người dưới 18 tuổi thực hiện vẫn có chiều hướng gia tăng, cơ cấu, tổ chức, tính chất tội phạm ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Có không ít trường hợp đã bị Tòa án xét xử, áp dụng mức phạt nghiêm khắc nhưng tác dụng phòng ngừa, cảnh báo chưa cao, tỉ lệ người dưới 18 tuổi tái phạm còn nhiều.
Đáng chú ý là số lượng các bị can, bị cáo vị thành niên phạm tội và bị bắt tạm giam trong mỗi vụ án lên hàng chục đối tượng. Điều này đã phản ánh thực trạng công tác quản lý giáo dục của các gia đình đối với con, em còn buông lỏng và sự ảnh hưởng của mạng xã hội đối với tâm lý trẻ vị thành niên là thực tế rất đáng báo động.
Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"
Sắp tới đây, TAND TP.Hà Nội sẽ đưa ra xét xử 28 bị cáo, trong đó có 22 bị cáo Giết người và 6 bị cáo Gây rối trật tự công cộng. Trong số 22 bị cáo phạm tội Giết người thì phần lớn là các bị cáo ở lứa tuổi dưới 18 tuổi và dưới 16 tuổi. Một số cháu khi phạm tội đang là học sinh cấp 3 và một số cháu đã nghỉ học.
Cuối năm 2020, cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội cũng đã khởi tố hơn 10 bị can trong đó có 07 đối tượng phần lớn là vị thành niên phạm tội Giết người.
Ngay sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, vào ngày 24/2/2021 đã xảy ra vụ án Giết người, Gây rối trật tự công cộng ngay trước bệnh viện Quân y 108. Hiện vụ án đã được cơ quan CSĐT khởi tố 17 bị can về tội Giết người (13 bị can) và Gây rối trật tự công cộng (04 bị can). Các bị can chủ yếu là người dưới 18 tuổi.
Mê game, mới gần 15 tuổi, Mộng Thế Xương đã phạm tội Giết người, Cướp tài sản. |
Phần lớn các vụ án trên đều bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa các nhóm thanh thiếu niên điều khiển xe máy đi chơi đêm trên đường phố Hà Nội hoặc trong sinh hoạt và sau đó lên mạng xã hội chửi thách thức nhau. Sau đó các đối tượng rủ rê lôi kéo nhau, chuẩn bị hung khí dao, kiếm, gậy gỗ, tuýp gắn dao,...để đi tìm nhóm bên kia giải quyết mâu thuẫn. Hậu quả đã có người chết, trọng thương và cá biệt là còn chém chết nhầm thanh niên mâu thuẫn. Nhóm gây án chém người thì bị khởi tố về tội Giết người và nhóm bị hại cũng bị khởi tố về tội Gây rối trật tự công cộng.
Nhiều gia đình có con bị khởi tố về tội Giết người đã rất ân hận khi không dạy bảo được con để rồi dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Các bậc phụ huynh cũng ý thức được việc con em mình tham gia hoặc đồng phạm giết người là hành vi sai trái, mong được sự khoan hồng của pháp luật và sự tha thứ của gia đình bị hại.
Với chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, pháp luật hình sự sẽ không kết án chung thân hay tử hình đối với người phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi nhưng với hành vi ngang nhiên tước đoạt tính mạng của người khác, các cháu cũng sẽ phải trả giá bằng cả tuổi trẻ của chính mình...
Để kiềm chế sự gia tăng tình trạng người chưa thành niên phạm tội cần có sự chung tay của cả xã hội. Về phía gia đình thì phải quan tâm, giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho các xem ngay từ khi còn nhỏ. Gia đình nên giới thiệu các kiến thức pháp luật một cách có lựa chọn, có hệ thống nhằm giúp cho các em hiểu được đâu là hành vi hợp pháp, đâu là hành vi vi phạm pháp luật, biết mình nên làm gì và không nên làm gì. Như vậy, sẽ hình thành cho các em ý thức tránh xa hành vi vi phạm pháp luật và phạm tội sau này.
Bên cạnh đó, nhà trường cần tổ chức các biện pháp quản lý khoa học, chặt chẽ đối với học sinh. Làm tốt công tác này sẽ tạo điều kiện cho các em chấp hành kỷ luật với ý thức từ thấp đến cao, tạo thành ý thức tự giác cho các em ngay từ khi còn nhỏ, giúp các em hình thành thói quen, chấp hành nghiêm nội quy của nhà trường. Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyên tuyền, giáo dục pháp luật trong nhà trường và phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà trường với gia đình trong việc trao đổi thông tin để cùng quản lý giáo dục các em phát triển toàn diện...
Để phòng ngừa tội phạm do người chưa thành niên gây ra, ngoài trách nhiệm của gia đình và nhà trường, công an các phường, xã cần tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về cư trú và các hoạt động dịch vụ. Tăng cường công tác quản lý khai báo tạm trú nhất là tại các khu vực nhà nghỉ, nhà trọ, nhà cho thuê... |