Lo lắng trước các vấn đề về gia tăng ly hôn, ly thân gia tăng; tỷ lệ trẻ mất bố (hoặc mẹ) lên tới gần 20%; tỷ suất sinh ở mức thấp nhất cả nước, đồng thời liên tục giảm dần qua từng năm, chính quyền TP. HCM dự kiến thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” trong những năm tiếp theo để xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển xã hội bền vững.
Từ những lo ngại...
Thực tế cho thấy, theo một khảo sát mới đây của VKSND Tối cao cho thấy, trung bình mỗi năm có khoảng 10.000 vụ phạm pháp hình sự do người vị thành niên thực hiện. Điều đáng lo ngại là tình trạng người phạm tội có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Người phạm tội từ 18 - 30 tuổi chiếm khoảng 70%, dưới 18 tuổi chiếm 8%, và tỉ lệ này cũng đang có chiều hướng gia tăng. Đa số (chiếm 82%) người phạm tội lần đầu, chưa có tiền án, tiền sự.
Tại TP.HCM, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP cũng cho biết: “Số người thực hiện hành vi phạm tội dưới 30 tuổi chiếm tỉ lệ hơn 68%. Đồng thời, 70% số vụ phạm pháp hình sự được gây ra bởi các cá nhân, nhóm nhỏ lẻ, còn 30% do băng nhóm chuyên nghiệp thực hiện. Thực tế này đặt ra vấn đề trách nhiệm trong quản lý dân cư là cần có những giải pháp hiệu quả để không xảy ra tội phạm trong cộng đồng và ngăn chặn được tội phạm từ nơi khác tới. Có như vậy thì mới giải quyết được vấn đề tội phạm một cách căn cơ”.
Theo báo cáo tình hình phạm tội trong lứa tuổi chưa thành niên, từ năm 2006 đến 2010 cả nước phát hiện gần 500 nghìn vụ với gần 76.000 người vi phạm pháp luật, tăng hơn 3.000 vụ so với 5 năm trước đó. Trong đó, đối tượng nam giới chiếm 73.000 em (96,4%), nữ giới chiếm hơn 2.700 em (3,6%). Địa phương xảy ra nhiều nhất là TP.HCM, với hơn 3.300 vụ, Đồng Nai là hơn 2.200 vụ, tiếp đến là các tỉnh Khánh Hoà, Đắk Lắk...
Một nguyên nhân quan trọng cho tình trạng trên là tình trạng ly hôn, ly thân ngày càng nhiều, đặc biệt là ở độ tuổi trẻ. Từ đây, dẫn tới hệ luỵ là con cái sống thiếu thốn tình cảm của cha mẹ, không có sự quan tâm, chăm sóc... nên dễ sa ngã, rơi vào vóng xoáy phạm tội.
Trong khi đó, theo nghiên cứu của TS Nguyễn Minh Hòa, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) thì tỷ lệ ly hôn/kết hôn ở Việt Nam là 31,4%, tức là cứ ba cặp kết hôn lại có một cặp ly hôn, trong đó, TP.HCM là một điển hình. Đây là một thực trạng đáng báo động trong thời gian vừa qua tại đô thị lớn nhất cả nước.
Anh Nguyễn Văn Thắng, đang nuôi hai con nhỏ (6 tuổi và 3 tuổi) trong một căn phòng trọ khá chật hẹp ở quận Thủ Đức cho biết: “Chúng tôi kết hôn được khoảng gần 8 năm thì ly hôn. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng do thu nhập của tôi không nhiều để có thể trang trải cuộc sống hàng ngày. Trong khi đó, vợ lại thu nhập tốt hơn và có nhiều mối quan hệ bên ngoài nên dẫn đến chúng tôi thường xuyên tranh cãi và không thể tiếp tục. Cô ấy cũng ra đi và để lại cho tôi hai đứa con, nói là cấp dưỡng nhưng rất ít, hầu như không có. Vì thế tôi phải đi làm cả ngày, rất ít có thời gian ở bên con, chỉ có ngày Chủ Nhật là được nghỉ. Còn lại phải gửi 2 đưa nhỏ ở nhà trẻ, dù vậy, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục cố gắng”.
Một thực trạng khác chính là tỉ lệ sinh con của TP.HCM đang ở mức thấp đáng báo động. Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó Chi cục trưởng chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM cho biết: “Tổng tỉ suất sinh ở TP.HCM năm 2018 là 1,33 con/người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, thấp hơn rất nhiều so với mức sinh thay thế của cả nước, đang là 2,1 con”.
Tội phạm vị thành niên có dấu hiệu gia tăng. Ảnh minh họa |
Cũng theo bà Lệ thì: “Nếu như năm 2000 tỉ suất sinh con tại TP.HCM là 1,76 con thì đến năm 2018 giảm xuống còn 1,33 con. Hiện TP.HCM đang được xếp trong nhóm 17 tỉnh có mức sinh thấp, do vậy, tương lai tỉ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm, trong khi tỉ lệ người cao tuổi ngày càng tăng, điều này càng làm gia tăng tốc độ già hóa dân số tại TP.HCM, gây nhiều hệ lụy”.
Theo các cơ quan chức năng thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng phạm tội ở người vị thành niên gia tăng, nhưng phần lớn các vụ xảy ra ở những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Điển hình như: Bố mẹ ly hôn hoặc bỏ mặc con cái, thiếu sự quan tâm, thiếu tình thương yêu của gia đình, có lối sống lệch lạc, thường tụ tập thành băng nhóm...
Nỗi lo ám ảnh xã hội
BàTriệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết: “Hiện TP.HCM đang có những bất ổn và diễn biến phức tạp trong các gia đình hiện đại. Biểu hiện cho sự phức tạp này là tình trạng ly hôn, ly thân gia tăng, trẻ em thiếu thốn tình cảm gia đình, tình trạng vi phạm pháp luật cũng theo đó mà tăng lên... Đồng thời, sự gắn bó trong các thành viên gia đình và trách nhiệm của họ có biểu hiện ngày càng lỏng lẻo”. Cũng theo bà Khánh thì: “Chính sự bất ổn trong các tế bào nhỏ của xã hội đã tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội chung của TP.HCM. Vì vậy, cần phải có các giải pháp để TP.HCM phát triển bền vững, lâu dài, đặc biệt là trong tình hình mới”.
“Rõ ràng là quá trình đô thị hóa và áp lực về mặt kinh tế đã khiến cho các hạt nhân là gia đình đứng trước một sóng gió vô cùng lớn. Nó ập tới tứ phía, khiến cho nhiều gia đình trẻ không thể chịu đựng nổi, mà nhiều người hay nói vui là cuộc sống không dành cho những người yếu tim. Trong khi đó, các dịch vụ, tiện ích, chế độ phúc lợi... lại không thể cân bằng được các sức ép đó nên rất dễ đưa họ đến bờ vực của trầm cảm, stress, lo lâu... Tôi cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân cực kỳ lớn và quan trọng dẫn tới tình trạng ly hôn, ly thân. Trong khi đó, giới trẻ lại rất ít được trang bị về các kỹ năng, kiến thức về cuộc sống trong gia đình, dẫn tới sức chống chọi và chịu đựng trước các vấn đề của xã hội hiện đại kém đi. Từ đó hạt nhân là gia đình dễ đổ vỡ, kéo theo tình trạng trẻ không được quan tâm, giáo dục, chăm sóc... rơi vào con đường sa ngã, phạm tội”, TS Trương Đình Thắng, đại học Công nghệ TP.HCM chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia này thì: “Cái này là kết quả tồi tệ của hàng loạt vấn đề nêu trên. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm sút hiệu quả đóng góp của các cá nhân trong sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và của TP.HCM nói riêng. Trong khi đó, lực lượng người trẻ đang tập trung tại đô thị này là rất lớn, tuy nhiên, nếu như không phát huy hiệu quả sức lao động thì TP.HCM sẽ đối mặt với nguy cơ không tận dụng được nguồn lao động và bỏ qua cơ hội vàng hiện nay và đối mặt với nguy cơ dân số già trong thời gian tới”.
Để giảm thiểu tình trạng này, bà Võ Thị Phương Uyên, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam quận Bình Thạnh, TP.HCM cho rằng: “TP.HCM nên khuyến khích các hoạt động phát huy giá trị tốt đẹp của các mối quan hệ trong gia đình bằng việc xã hội hóa. Phải phát triển gia đình lồng ghép với việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu liên quan đến lĩnh vực gia đình. Song song đó, cần phải có sự tham gia của cộng đồng dân cư, các tổ chức, dòng họ... nhằm tạo điều kiện cơ hội để các thành viên trong gia đình nâng cao nhận thức và thực hiện các quyền cơ bản của họ”.
Đồng quan điểm, TS Hoàng Trọng Vân, nhà nghiên cứu xã hội học khuyến nghị: “Cần phải có hệ thống các giải pháp và có lộ trình để thực hiện cụ thể. Tôi cho rằng, trong ngày một ngày hai sẽ rất khó- giải quyết được tình trạng này, mà phải từng bước một. Nhưng nếu không làm thì hệ quả sẽ là rất lớn và TP.HCM phải đau đầu đi giải quyết. Thực trạng nêu trên là một dích dắc vấn đề, cái này xen lẫn cái kia, nó vừa vô hình nhưng vừa hữu hình... Vì vậy, cần phải nắm bắt và nhận diện, có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và chính cả người dân. Có ý kiến cho rằng, đây là vấn đề nhỏ, đó là vì họ không nhìn thấy được những hệ lụy lớn lao, tiềm ẩn đe dọa đến sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM và đất nước. Thực sự đây là một trong những nguồn lực quan trọng để TP.HCM phát triển, cạnh tranh trong thời gian tới, đặc biệt là ở khu vực và bối cảnh của thế giới”.
Bài đăng trên Báo giấy Đời sống và Pháp luật số 5 – ngày 8/1/2020