Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giải ngân vốn đầu tư công: Bộ Tài chính chỉ ra 5 nguyên nhân gây chậm, nêu giải pháp tháo gỡ

  • Nguyễn Lâm
(DS&PL) -

Bộ Tài chính cho biết, trong 4 tháng đầu năm, còn nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa giải ngân hoặc giải ngân rất thấp.

Những điểm sáng

Thông tin về giải ngân vốn kế hoạch năm 2025, Bộ Tài chính cho biết, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến ngày 31/3/2025 là 80.306,8 tỷ đồng, đạt 8,95% kế hoạch, đạt 9,72% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) là 2.986,6 tỷ đồng (đạt 13,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Ước giải ngân từ đầu năm đến ngày 30/4/2025 là 128.512,9 tỷ đồng, đạt 14,32% kế hoạch, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2024 đạt 15,64% kế hoạch và đạt 16,64% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, CTMTQG là 4.707,3 tỷ đồng (đạt 21,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Ảnh minh hoạ

Kết quả trong 4 tháng năm 2025, có 10/47 Bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đạt trên mức bình quân chung của cả nước.

Một số Bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân trên 20% như: Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (86,43%); Đài Tiếng nói Việt Nam (73,82%); Ngân hàng Chính sách xã hội (41,16%); Bộ Công an (27,24%); Hội Liên hiệp phụ nữ (20,66%) và các địa phương giải ngân trên 30% như: Phú Thọ (44,39%); Lào Cai (43,45%); Thanh Hóa (39,147%); Hà Nam (38,44%); Bắc Kạn (32,61%); Hà Tĩnh (31,88%); Tuyên Quang (31,08%), Hà Giang (30,64%), Lâm Đồng (30,08%).

Bên cạnh đó, trong 4 tháng đầu năm, nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa giải ngân (9 bộ, cơ quan trung ương. Ví dụ: Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Kiểm toán nhà nước,...) hoặc giải ngân rất thấp (15 bộ, cơ quan trung ương giải ngân dưới 5% như: Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế; Đại học quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh,... và 12 địa phương giải ngân dưới 10% như: Khánh Hòa; Cao Bằng; Bình Dương, Đồng Nai; An Giang, Sóc Trăng; Quảng Trị...).

Bộ Tài chính cũng chỉ ra 5 nguyên nhân chính:

Thứ nhất là các vướng mắc về cơ chế, chính sách. Luật Đất đai năm 2024 mới có hiệu lực với nhiều nội dung thay đổi, ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng. Nhiều lĩnh vực cũng thiếu quy định cụ thể về định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn.

Thứ hai là tình trạng phân bổ vốn chậm. Tính đến ngày 26/4, vẫn còn khoảng 27.861,8 tỷ đồng (tương đương 3,37% kế hoạch Thủ tướng giao) chưa được phân bổ, chủ yếu do các dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư. Ngoài ra, một phần vốn không có nhu cầu sử dụng đang được đề nghị trả lại hoặc điều chuyển sang các dự án khác.

Thứ ba là những khó khăn trong tổ chức thực hiện. Việc sắp xếp lại bộ máy hành chính khiến nhiều dự án tạm dừng, kéo dài thời gian thẩm định. Công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng gặp trở ngại do chưa đạt thỏa thuận với người dân, giá vật liệu tăng cao, nguồn cung hạn chế và các vướng mắc về quy hoạch khoáng sản. Một số dự án cũng bị chậm do điều chỉnh chủ trương đầu tư khi vượt tổng mức đầu tư hoặc tăng chi phí đền bù.

Thứ tư là nguồn thu ngân sách địa phương từ sử dụng đất chưa đạt kỳ vọng, gây khó khăn cho việc phân bổ và giải ngân.

Thứ năm là những hạn chế trong triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia. Việc phân bổ vốn chậm và năng lực quản lý hạn chế ở cấp địa phương tiếp tục ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, đặc biệt tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Các dự án trọng điểm quốc gia đang giải ngân thế nào? 

Bộ Tài chính cho biết, đến nay, các bộ, cơ quan, địa phương đã phân bổ chi tiết toàn bộ 11 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải với tổng số vốn là hơn 87.533,1 tỷ đồng. Thời gian qua, các địa phương, các chủ đầu tư đã nỗ lực cố gắng, chủ động triển khai, khắc phục các khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án.

Tuy nhiên, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của các dự án này vẫn đang chậm. Tính đến hết ngày 31/3, tổng số vốn giải ngân của 11 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là 4.812,7 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 5,5% kế hoạch được giao. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 3.950,3 tỷ đồng, đạt 5,3%; vốn ngân sách địa phương là 862,5 tỷ đồng, đạt 6,6%.

Đến hết 3 tháng đầu năm, kết quả giải ngân các dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải tiếp tục thấp hơn so với tỉ lệ giải ngân bình quân của cả nước (9,72%). Các dự án này vẫn còn gặp các khó khăn liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng và vật liệu xây dựng. Do đó, cần tiếp tục tập trung tháo gỡ trong thời gian tới.

Công trường thi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại huyện Mê Linh

Các dự án này gồm: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Vành đai 3 - TP.HCM; Đường Hồ Chí Minh; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Bên cạnh đó là một số khó khăn vướng mắc liên quan đến mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, nhất là thiếu nguồn vật liệu đắp nền trong một thời gian dài trước đây (đến nay đã được giải quyết), cùng với thời tiết bất lợi đã ảnh hưởng đến tiến độ chung, nên một số dự án có nguy cơ không hoàn thành như kế hoạch đề ra.

Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, Bộ Tài chính đã đề xuất loạt giải pháp trọng tâm nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn cả về thể chế lẫn thực thi. Trong đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản liên quan để hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư công. Qua đó, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thủ tục, đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa các luật và các văn bản dưới luật.

Đồng thời, xây dựng cơ chế điều chỉnh kế hoạch đầu tư công linh hoạt trong năm, cho phép điều chuyển sớm vốn từ các dự án không có khả năng giải ngân sang dự án có tiến độ tốt, đáp ứng đủ điều kiện.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị cho phép thanh toán tạm ứng đối với khối lượng chưa hoàn thành thủ tục đầu tư trong một số trường hợp đặc thù như: Nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, lập quy hoạch, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí hỗ trợ ổn định đời sống người dân… Các khoản tạm ứng này sẽ được quyết toán sau khi hoàn tất thủ tục đầu tư theo quy định, nhằm tránh ách tắc vốn ở những bước đầu triển khai.

Cơ quan này kiến nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương trong việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư, điều chỉnh kế hoạch vốn... đồng thời siết chặt công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong quá trình thực hiện đầu tư công.

Tin nổi bật