Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết khiến nhiều người lầm tưởng đã khỏi bệnh

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Không ít người lầm tưởng hết sốt là khỏi sốt xuất huyết nhưng đây mới chính là giai đoạn nguy hiểm của bệnh.

Đến bệnh viện muộn, người bệnh có bệnh lý nền tử vong do sốt xuất huyết

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết hiện dịch sốt xuất huyết đang diễn biến rất phức tạp trên địa bàn thành phố. Thống kê trong tuần 36, Hà Nội ghi nhận 547 ca mắc sốt xuất huyết, số ca mắc tăng 46,3% so với tuần trước (374 ca).

Tính từ đầu năm đến ngày 16/9, Hà Nội ghi nhận 3.023 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Từ đầu năm đến nay, thành phố phát hiện 240 ổ dịch ở 27 quận, huyện, hiện còn 80 ổ dịch đang hoạt động. CDC Hà Nội nhận định số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch.

Biểu đồ phân bố số ca mắc/nghi mắc sốt xuất huyết theo tuần, năm 2021 - 2022 ở Hà Nội. Ảnh: VietNamNet

Ngày 19/9, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho hay từ tháng 8 đến ngày 16/9, Hà Nội ghi nhận 4 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, theo VietNamNet. Riêng trong tuần từ 10-16/9, trên địa bàn ghi nhận 1 ca tử vong.

Ba bệnh nhân tử vong trước đó có địa chỉ tại quận Long Biên, huyện Đan Phương và huyện Thanh Trì. Sở Y tế Hà Nội thông tin, hầu hết trường hợp đều được phát hiện bệnh muộn, đến viện muộn, bên cạnh đó còn có các bệnh lý nền kèm theo tương đối nặng như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường...

Liên quan đến tình hình bệnh, TS Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay từ tháng 8 đến nay, có khoảng 10 bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong tại bệnh viện này, trong đó có một số ca ở Hà Nội.

Đơn cử là trường hợp nữ bệnh nhân 42 tuổi, được chuyển đến bệnh viện này vào ngày thứ 6 khởi phát bệnh. Người bệnh bị tiểu đường, tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà trước đó. Khi được đưa vào bệnh viện, bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn, rối loạn đông máu nặng, suy gan, suy thận, suy hô hấp. Mặc dù được cấp cứu và điều trị tích cực nhưng bệnh nhân giảm tiểu cầu, xuất huyết tiêu hoá, kèm xuất huyết trong cơ, vô niệu hoàn toàn, sau đó tử vong.

Tính đến sáng ngày 19/9, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, có 8 bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại khoa, hầu hết là bệnh nhân có địa chỉ ở Hà Nội. So với hồi đầu tháng 9, hiện số bệnh nhân nguy kịch giảm, không có bệnh nhân thở máy tại khoa. Một số bệnh nhân tràn dịch màng phổi, rối loạn đông máu và một số dấu hiệu cảnh báo như nôn nhiều, đau bụng..., còn một số ca suy hô hấp phải thở oxy.

Trong khi đó, từ đầu dịch đến nay, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiếp nhận khoảng 300 ca sốt xuất huyết, không ít trường hợp nhập viện trong tình trạng nặng, biến chứng cô đặc máu, thoát dịch, tràn dịch màng bụng, màng phổi, giảm tiểu cầu, tăng men gan.

Giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết

CDC Hà Nội thông tin, virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau là Dengue 1, Dengue 2, Dengue 3 và Dengue 4. Trong đó, Dengue 1 và Dengue được phát hiện gây bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội trong năm 2022.

Sau khi một người bị muỗi vằn có mang virus Dengue đốt, virus xâm nhập vào máu. Virus “chu du” trong máu người từ 2 – 7 ngày và người bệnh chưa có biểu hiện nào đáng chú ý trong giai đoạn này.

Thời gian ủ bệnh không triệu chứng kéo dài từ 3 - 14 ngày (trung bình là 4-7 ngày). Thời gian ủ bệnh ngắn hay dài tùy vào cơ địa và sức đề kháng của mỗi người. Hầu hết tất cả bệnh nhân sẽ không biết mình mắc bệnh do trong giai đoạn này không có triệu chứng rõ và đặc trưng.

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Phụ Nữ Việt Nam

Chia sẻ với báo Phụ Nữ Việt Nam, bác sĩ CKI Trương Trọng Tuấn - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh nói giai đoạn sốt là giai đoạn có những triệu chứng đầu tiên của bệnh sau thời gian ủ bệnh.

Bệnh nhân bắt đầu sốt 39 – 40 độ C, uống thuốc hạ sốt nhưng không giảm, ngoài ra còn có các triệu chứng mệt mỏi rũ rượi, đau họng, đau vùng thượng vị và tiêu chảy, đau đầu, nhức hai bên hốc mắt, da sung huyết, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi, phát ban, chán ăn, buồn nôn, đau nhức các cơ khớp,…

Ở trẻ em bị sốt xuất huyết, triệu chứng phổ biến là sốt kèm theo đau họng và đau bụng. Sau 3 ngày, trẻ sẽ hạ sốt, đến ngày thứ 8 có thể xuất huyết nhẹ biểu hiện rõ như: Chấm xuất huyết dưới da, chảy máu mũi. Khi hạ sốt, trẻ có thể nổi các nốt ban ở thân mình, sau đó lan đến mặt, tay, chân, lòng bàn tay và gây ngứa.

Giai đoạn nguy hiểm là từ 3-7 ngày sau khi bị sốt ngày đầu tiên. Bệnh nhân có thể đã giảm sốt hoặc sốt cao, khi đó xuất hiện một số trường hợp nhiễm trùng thứ phát có biểu hiện hạ tiểu cầu và cô đặc máu. Các biểu hiện xuất huyết có thể có hoặc không.

Người bệnh có thể đối mặt với những triệu chứng nặng trong giai đoạn nguy hiểm:

- Thoát huyết tương do bị tăng tính thấm thành mạch.

- Tràn dịch phổi có các triệu chứng như: Đau ngực khi thay đổi tư thế, căng tức nặng ngực và khó thở.

- Bị tràn dịch màng bụng với các triệu chứng như: Chướng bụng, bụng to nhanh.

- Đau tức vùng dưới sườn hoặc vùng thượng vị do gan phình to, vật vã, li bì, lạnh chân tay, da lạnh ẩm toàn thân, tiểu ít.

- Dấu hiệu xuất huyết dưới da: Xuất hiện các nốt xuất huyết hoặc các mảng xuất huyết đỏ dưới da, thường có ở mu bàn chân, lòng bàn tay, đùi, mạng sườn, bụng.

Người bệnh có thể gặp các trường hợp nguy hiểm hơn khi bị xuất huyết nội tạng đường tiêu hóa, xuất huyết ở phổi và não với các triệu chứng như: Nôn ra máu, ho ra máu, đi tiểu ra máu, ra máu bất thường ở âm đạo, rong kinh,…

Viêm gan nặng, viêm cơ tim, viêm não và suy thận là những biến chứng nguy hiểm nhất mà bệnh nhân sốt xuất uyết có thể phải đối mặt. Nhìn chung, trong giai đoạn này, bệnh nhân cần được chăm sóc tốt, quan sát kỹ các triệu chứng của bệnh, nếu có các triệu chứng trở nặng thì cần đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Bệnh sốt xuất huyết được chia ra 3 mức độ là nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Nhiều người thường chủ quan không đi khám khi bị ở mức độ nhẹ. Trên thực tế, dù chỉ có triệu chứng nhẹ, bệnh nhân cũng cần được thăm khám chẩn đoán, đặc biệt là theo dõi bệnh có thể tiến triển sang nặng không.

Bên cạnh đó, không ít người lầm tưởng hết sốt là khỏi sốt xuất huyết. Sau 2 – 7 ngày mắc bệnh, đa số bệnh nhân đã hết sốt và thấy sức khỏe ổn định hơn nhưng thực ra đây là giai đoạn tiểu cầu giảm nặng và thoát huyết tương.

Các triệu chứng xuất hiện rõ như xuất huyết dưới da, chảy máu cam… Tùy biến chứng và mức độ của bệnh có thể dẫn đến tình trạng nặng như chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, sốc Dengue, hay có thể tử vong.

Vì thế, người bệnh không nên chủ quan mà cần được chăm sóc chu đáo và nghỉ ngơi, ăn uống điều độ, đặc biệt là theo dõi những thay đổi của cơ thể. Nếu thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào, cần nhập bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật