Theo báo Lao động, Trung tá Vương Quốc Huy – Trưởng Công an phường Việt Hưng, Hà Nội cho biết, vào khoảng 16h ngày 23/7, ông Đ. (46 tuổi, trú tại phường Việt Hưng) bất ngờ nhận được tin nhắn Zalo từ tài khoản của con gái là cháu X. (sinh năm 2007), yêu cầu chuyển ngay 300 triệu đồng. Tin nhắn đi kèm đoạn video ghi lại cảnh cháu X.
Lo sợ, ông Đ. lập tức gọi lại cho con thì đầu dây bên kia là giọng một người đàn ông lạ. Khi yêu cầu được nói chuyện với con gái, ông chỉ nghe thấy tiếng cháu X nhỏ, đứt quãng, như đang bị cưỡng ép. Linh cảm có chuyện nghiêm trọng, ông Đ. đã đến Công an phường Việt Hưng trình báo.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Công an phường Việt Hưng chỉ đạo các tổ trinh sát hình sự triển khai phương án giải cứu, đồng thời báo cáo Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội để phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự tiến hành điều tra.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã xác định vị trí của cháu X – lúc đó đang ở một mình trong nhà nghỉ trên phố Tạ Quang Bửu, phường Bách Khoa, Hà Nội. Ngay lập tức, tổ công tác tiếp cận hiện trường, đảm bảo an toàn và đưa cháu X về trụ sở công an.
Tại đây, sau khi ổn định tâm lý, cháu X đã kể lại toàn bộ sự việc. Hai ngày trước, cháu nhận được cuộc gọi từ một người đàn ông tự xưng là cán bộ công an, thông báo rằng căn cước công dân của cháu đã bị “mua” để sử dụng trong đường dây rửa tiền liên quan đến quan chức cấp cao. Đối tượng yêu cầu cháu hợp tác điều tra.
Sau vài cuộc gọi gián đoạn, các đối tượng yêu cầu cháu X cung cấp toàn bộ thông tin đăng nhập các tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo rồi xóa tất cả các ứng dụng đó trên điện thoại, chỉ để lại phần mềm Zoom để tiếp tục liên lạc. Thông qua Zoom, cháu được kết nối video với một người cũng tự xưng là công an. Sau cuộc gọi, cháu X bắt đầu chuyển tiền, khai báo thông tin tài sản, thậm chí bị dụ dỗ quay lại clip nhạy cảm để “chứng minh không giấu ma túy”.
“Các chú ấy bảo cháu cởi hết đồ để kiểm tra xem có hình xăm hay đặc điểm nhận dạng giống đối tượng phạm tội mà các chú đang truy tìm không” – cháu X bật khóc kể lại.
Ảnh: Lao động
Nguồn tin cho hay, thực tế, cháu X không bị bắt cóc, cũng không chịu ép buộc về thể chất, nhưng đã hoàn toàn bị thao túng về mặt tinh thần. Tâm lý sợ hãi, hoảng loạn khiến một nữ sinh trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo tinh vi. Rất may, sự tỉnh táo của người cha và phản ứng kịp thời của lực lượng công an đã kịp thời giải cứu cháu X khỏi vòng nguy hiểm.
Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử Công an TP. Hà Nội, thời gian qua, nhiều học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội bị sập bẫy thủ đoạn “bắt cóc online”. Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh cơ quan Công an gọi điện đe dọa, nhằm thao túng tâm lý nạn nhân, buộc họ gọi điện thông báo gia đình để chuyển tiền để “chuộc”.
Công an TP. Hà Nội khuyến cáo người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, đồng thời chủ động tuyên truyền cho người thân, bạn bè về phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này. Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương; tuyệt đối không gọi điện yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng hoặc cài đặt phần mềm để phục vụ điều tra. Nhà trường cần thường xuyên đẩy mạnh, tuyên truyền cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo cho học sinh, sinh viên để nâng cao nhận thức phòng chống lừa đảo. Đặc biệt là các học sinh, sinh viên, người trẻ cần tự trang bị cho mình kỹ năng nhận diện chiêu trò lừa đảo.
Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.