Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giải bài toán kích cầu du lịch lần 2

(DS&PL) -

Sau gần 2 tháng không có ca mắc mới trong cộng động, các địa phương đang tính toán phương án để kích thích du lịch.

Sau gần 2 tháng không có ca mắc mới trong cộng động, các địa phương đang tính toán phương án để kích thích du lịch. Bài toán được các nhà chức trách đặt ra làm sao để vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh thế giới còn nhiều phức tạp.

TP.HCM là đầu tàu du lịch của cả nước. Ảnh minh hoạ

Đẩy mạnh du lịch nội địa

Mới đây, với sự chủ trì của UBND TP.HCM và sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, hội nghị Kích cầu du lịch nội địa đã thu hút sự tham dự của nhiều doanh nghiệp, đại diện cơ quan quản lý du lịch các địa phương.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa -Giám đốc sở Du lịch TP.HCM - cho biết, chương trình kích cầu lần này nhận được sự hưởng ứng của gần 100 doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực như: Lữ hành, vận chuyển, cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh ăn uống, mua sắm, cung ứng dịch vụ và các điểm tham quan trên địa bàn TP.HCM với gần 200 chương trình du lịch giảm giá từ 10 - 50%.

“Chương trình kích cầu lần này sẽ tập trung vào các sản phẩm du lịch tại chỗ với giá cả hợp lý, ưu đãi, nhiều dịch vụ hấp dẫn. Gồm nhóm các sản phẩm làm mới những điểm đến đặc trưng của TP.HCM như: Chương trình tham quan Thành phố này trong nửa ngày, một ngày, hai ngày,...”, bà Ánh Hoa cho hay.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp lữ hành cũng đã tung các gói sản phẩm để du khách trải nghiệm những nét đẹp của chương trình du lịch liên tuyến giữa TP.HCM với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, cùng các tour liên tuyến đến Lâm Đồng, Bình Thuận, Tây Nguyên, miền Trung các tỉnh phía Bắc với nhiều khuyến mãi hấp dẫn.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Thanh Liêm -Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM - khẳng định, Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh thành phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa nhằm hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và chương trình kích cầu nội địa “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”.

Đây là nỗ lực nhằm góp phần khôi phục du lịch trong trạng thái mới. Các chương trình kích cầu du lịch là nhiệm vụ quan trọng của TP.HCM trong việc khôi phục nền kinh tế trong mùa dịch bệnh. Bởi, ngành du lịch đóng góp trên dưới 10% GRDP của thành phố, khoảng trên dưới 130 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Để hoạt động du lịch phục hồi nhanh chóng, lãnh đạo TP.HCM yêu cầu tiếp tục khởi động các chương trình kích cầu du lịch cuối năm.

“Tuy nhiên, để chương trình đạt hiệu quả cao, các Sở ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ đồng bộ. Trong đó, sở Du lịch phối hợp với hiệp hội Doanh nghiệp du lịch, có vai trò chủ đạo trong việc kết nối các tỉnh, các doanh nghiệp trong việc xây dựng các tour tuyến du lịch tại chỗ, tham quan thành phố; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá”, ông Liêm nhấn mạnh.

Phát huy vai trò đầu tàu của TP.HCM

Đánh giá về chương trình của TP.HCM, ông Nguyễn Trùng Khánh -Tổng Cục trưởng tổng cục Du lịch - hoan nghênh sự nhiệt tình, sáng tạo của chính quyền Thành phố này. “Hiện nay, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự nỗ lực, quyết tâm của các Bộ, ban, ngành và địa phương, tình hình dịch bệnh trên cả nước đã được kiểm soát. Hầu hết các khu, điểm du lịch đã mở cửa đón khách”, ông Khánh nhận định.

Các đường bay nội địa trở lại hoạt động bình thường, một số chuyến bay thương mại quốc tế bình thường được nối lại, nhiều doanh nghiệp du lịch sẵn sàng giới thiệu các sản phẩm mới, với những chính sách khuyến mãi hấp dẫn...

Với sự chỉ đạo của bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, hoạt động kích cầu du lịch thời gian tới sẽ mở rộng phạm vi đối tượng, không chỉ hướng tới người Việt Nam mà còn bao gồm người nước ngoài đang làm việc, sinh sống tại Việt Nam.

Thời điểm này, ngành du lịch chú trọng các sản phẩm phù hợp nhu cầu tham quan, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ngắn ngày, chăm sóc sức khỏe, du lịch golf và du lịch MICE (hội nghị, công việc)... để phát huy vai trò của các liên minh kích cầu giữa các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các hãng hàng không.

Ông Khánh cũng nhấn mạnh: “Để du khách an tâm tham gia các chương trình du lịch, chúng ta cần nghiêm túc thực hiện các hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn tại các điểm đến du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ du lịch, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về tiêu chí, điều kiện an toàn phòng chống dịch bệnh”.

Bên cạnh yếu tố an toàn, cần có sự chủ động của cơ quan quản lý, doanh nghiệp. Từ đó, hình thành sự liên kết chuỗi cung ứng dịch vụ và các sản phẩm mới với chất lượng, giá cả hấp dẫn. Tổng cục Du lịch đánh giá cao sự chủ động, tích cực của UBND TP.HCM và sở Du lịch trong việc đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch do ảnh hưởng của Covid-19.

“Đề nghị TP.HCM tiếp tục phát huy vai trò là trọng điểm du lịch, vừa là một điểm đến, vừa là thị trường nguồn khách quan trọng của cả nước. Sự hồi phục du lịch TP.HCM sẽ có tác động lan tỏa, kích thích du lịch của các tỉnh, thành phố lân cận cũng như các liên minh, liên kết vùng đã hình thành”, Tổng Cục trưởng tổng cục Du lịch nêu yêu cầu.

Bởi vậy, TP.HCM cần khẳng định vị thế trung tâm phân phối khách và phát huy các liên minh, liên kết du lịch an toàn, tạo ra các chuỗi sản phẩm đặc sắc góp phần quan trọng trong quá trình hồi phục du lịch Việt Nam.

Về phía mình, tổng cục Du lịch cũng đưa ra cam kết sẽ luôn đồng hành chặt chẽ với các địa phương, điểm đến, doanh nghiệp trong kết nối phát triển du lịch, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh, cũng như phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh truyền thông kích cầu du lịch nội địa. Cùng với đó là tiếp tục những bước chuẩn bị để du lịch Việt Nam thực sự an toàn và hấp dẫn, sẵn sàng chào đón khách quốc tế trở lại Việt Nam khi các điều kiện cho phép trong thời gian sớm nhất.

An toàn là trên hết

Chương trình kích cầu lần này phải đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu, kết hợp song song với việc xây dựng sản phẩm mới, thay đổi tác phong làm dịch vụ, ứng xử văn minh để tăng tính hấp dẫn, thu hút du khách trở lại. Có an toàn thì khách mới đi du lịch. Những kế hoạch xây dựng sản phẩm, dịch vụ mới phải bảo đảm an toàn cho du khách thì mới thực hiện.

Thành Nhân

Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 3 (172)

Tin nổi bật