(ĐSPL) - Theo nghiên cứu viên cao cấp người Phần Lan Jyrki Kallio, “giấc mơ Trung Hoa” có thể trở thành “ác mộng” của những nước khác.
Nghiên cứu viên cao cấp Jyrki Kallio của Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Phần Lan (FIIA) nhận định việc hiện thực hóa “giấc mơ Trung Hoa” có nghĩa là Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận chơi trò chơi trong quan hệ quốc tế theo luật do Mỹ áp đặt. Như vậy, những “giấc mơ” có vẻ như sẽ trở thành những “cơn ác mộng”.
|
Nghiên cứu viên cao cấp Jyrki Kallio: “Giấc mơ Trung Hoa” có thể biến thành “ác mộng” của những nước khác. |
Ông Kallio cho rằng phản ứng của Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng ở Ukraina được coi như là một bài kiểm tra về vai trò, vị trí của Trung Quốc trong hệ thống quốc tế. Trong khi Trung Quốc nhanh chóng chớp thời cơ tố cáo phương Tây gây mất ổn định ở Ukraina, những tuyên bố chính thức của Trung Quốc lại được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Trung Quốc không tán thành và cũng không lên án việc sáp nhập Crimea.
Xem ra, Trung Quốc đã rút ra được bài học quan trọng từ những sự kiện ở Crimea và đó là các cường quốc thường sử dụng địa chính trị để gây ảnh hưởng. Một số nước Đông Á và Đông Nam Á tỏ ra quan ngại về những ý đồ của các nước lớn làm thay đổi hiện trạng (đặc biệt là hiện trạng ở Biển Đông) bằng vũ lực. Điều này đã được kiểm chứng qua việc bỏ phiếu và các tuyên bố tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 27/3 vừa qua. Các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Nhật, Philippines và Malaysia đều bỏ phiếu tán thành thông qua nghị quyết kêu gọi không công nhận sự thay đổi thể chế của Crimea. Người ta còn nhớ những căng thẳng giữa người Hoa và người Mã Lai trong những năm 1960 và họ cũng có thể tự hỏi rằng: Liệu Trung Quốc có thể dùng chiêu bài “bảo vệ công dân” để can thiệp vào công việc nội bộ Malaysia hay không?
Hiện nay, người ta nói nhiều về sự nổi lên của Trung Quốc vốn được coi như một nguy cơ đối với sự ổn định của trật tự quốc tế và liên tưởng đến câu ngạn ngữ “Nói đến quỷ, quỷ xuất hiện”. Ở Trung Quốc, cũng có câu ngạn ngữ tương tự “Vừa nói đến Tào Tháo, Tào Tháo đến liền” nhưng không phải là nói về quỷ mà là nói về một chiến lược gia quân sự “quỉ quyệt” sống trong thời kỳ giữa thế kỷ thứ 2 và thứ 3. Các nhà quân sự kinh điển của Trung Quốc coi việc “đánh lừa đối thủ” là một trong những chiến lược cơ bản và là “bảo bối” trong chính sách đối ngoại.
Liệu “giấc mơ Trung Hoa” có đến liền như trong câu ngạn ngữ? Có nhiều tình tiết cho thấy “giấc mơ Trung Hoa” không sớm trở thành hiện thực.
Thứ nhất, người ta đang có ảo giác là Tập Cận Bình đang trở thành một nhà lãnh đạo đầy quyền lực, hoặc thậm chí là một nhà lãnh đạo có khả năng đưa ra những quyết định vô lý. Trong 2 thập kỷ trước, ban lãnh đạo Trung Quốc ngày càng trở nên có tính tập thể và đấu tranh giữa những quan điểm khác biệt được thể hiện qua ngôn ngữ chứa đựng những sự nhân nhượng trong nhiều tài liệu quan trọng. Theo nhà nghiên cứu Jyrki Kallio, quan điểm khác nhau cũng được thể hiện qua thành phần của Ban Thường vụ Bộ Chính trị và chỉ có một nửa thành viên Thường vụ Bộ Chính trị được cho là cùng phe với Tổng bí thư Tập Cận Bình. Thực ra, ông Tập được đưa lên thành biểu tượng như là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ chỉ là một biểu hiện nhằm che đậy khả năng yếu kém của ông ta.
Thứ hai, các phương tiện truyền thông thường thổi phồng về sự gia tăng ngân sách quốc phòng và sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Mục tiêu phát triển quân sự của Trung Quốc không có gì thay đổi. Trung Quốc còn lâu mới đủ khả năng thách thức Mỹ trên các vấn đề toàn cầu. Một nghiên cứu của Adam P.Liff và Andrew S. Erickson kết luận rằng tăng chi phí quốc phòng của Trung Quốc cũng chỉ tương đương với mức tăng GDP. Theo báo cáo gần đây của SIPRI, gánh nặng chi phí quốc phòng của Trung Quốc chỉ chiếm từ 2 đến 2,1\% GDP, còn thấp hơn so với tỷ lệ của Mỹ, Nga, Anh, Pháp hay Ấn Độ.
Thứ ba, nội bộ Trung Quốc còn nhiều vấn đề cả về kinh tế, môi trường, xã hội và hòa hợp dân tộc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường phải hô hào muốn phát triển kinh tế thì phải ổn định, cả bên trong lẫn bên ngoài.
Nhưng có điều hiển nhiên là Trung Quốc có thể là mối đe dọa cho khu vực. Việc tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là tình hình Biển Đông, có thể dẫn đến khủng hoảng. Trung Quốc coi vấn đề chủ quyền quốc gia là quan trọng. Vấn đề mấu chốt là quy chế của Đài Loan. Theo quan điểm của Bắc Kinh, tái thống nhất là mục tiêu duy nhất chấp nhận được và do đó, những bài học ở Crimea sẽ được nghiên cứu kỹ. Nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc sẽ biến những bài học đó thành hiện thực.
Tóm lại, Crimea không phải là Senkaku mà cũng chẳng phải là Đài Loan. Trung Quốc và Nga có những điểm tương đồng và cũng có những điểm khác nhau trong mục tiêu toàn cầu. Người ta sẽ biết rõ thêm sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin, bắt đầu từ ngày 20/5 này.