Vé máy bay Tết ngày càng đắt
Theo khảo sát giá vé máy bay trong các ngày từ 5/2 đến 15/2 (từ 26 Tết đến 6 Tết) trên báo Dân trí, lấy Hà Nội là điểm xuất phát, vé đi Phú Quốc dao động 5,6-10 triệu đồng/khứ hồi. Chặng này ngày thường giá vé dao động 3,5-5 triệu đồng/khứ hồi.
Không riêng chặng Phú Quốc, các địa điểm du lịch khác trong nước như Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang, Phú Yên… giá vé đều có xu hướng tăng. Càng cận Tết Nguyên đán 2024 càng tăng mạnh hơn, dao động khoảng 6-7 triệu đồng/khứ hồi.
Các chặng xuất phát từ Hà Nội giá vé máy bay thường đắt ở chiều đi. Chiều về từ các địa phương du lịch, trong các ngày 10-17/2 (tức ngày mùng 1 - mùng 8/1 Tết), giá vé tương đối rẻ, khoảng 1,5-2 triệu đồng/chiều.
Giá vé máy bay từ Hà Nội đi Nha Trang 7-11/2, giờ bay đẹp, khoảng 6,7 triệu đồng/khứ hồi. Ảnh: Dân trí
Với khách từ TP.HCM, vé máy bay đến Hà Nội ngày 12/2 (mùng 3 Tết), về 17/2 (mùng 8 Tết) có giá 3,2-5 triệu đồng/người, giờ bay xấu.
Theo các đơn vị lữ hành, khách từ Nam ra Bắc khi du lịch vào Tết có xu hướng chọn những tour liên tuyến, những địa điểm có mùa đông lạnh đặc trưng như Hà Nội, Hà Giang, Mộc Châu (Sơn La), Sa Pa (Lào Cai).
Nếu đi theo tour, 4 ngày 3 đêm hoặc 5 ngày 5 đêm, du khách phải chi trả khoảng 9-13 triệu đồng/người. Trong đó, tiền vé máy bay chiếm 40% nên giá tour miền Bắc dịp Tết Giáp Thìn cũng tăng khoảng 20% so với ngày thường.
Cũng theo khảo sát, từ giờ đến hết tháng 2, các đợt khuyến mại hay giảm giá vé bay nội địa rất ít, kể cả giai đoạn nhu cầu đi lại thấp điểm.
Trong khi đó, giá vé máy bay quốc tế có thời điểm bằng hoặc thậm chí thấp hơn vé nội địa. Chẳng hạn, trong giai đoạn 7/2- 12/2 (28 tháng Chạp đến mùng 8 Tết) giá vé bay chặng Hà Nội - Singapore của Vietjet rẻ nhất khoảng 3,2 triệu đồng/khứ hồi.
Hay, giá vé bay quốc tế từ Hà Nội, TP.HCM đến Bangkok (Thái Lan) cùng thời điểm nêu trên của hãng bay Vietjet, dao động 2,7-4,2 triệu đồng/khứ hồi, Vietnam Airlines khoảng 3,7 triệu đồng/khứ hồi và Vietravel Airlines 6,4 triệu đồng/khứ hồi…
Nếu đi theo tour, khách Việt có một số lựa chọn như: Hà Nội/TP.HCM - Thái Lan 5 ngày 4 đêm giá 11 triệu đồng, Hà nội/TP.HCM - Singapore - Malaysia 5 ngày 4 đêm giá khoảng 14 triệu đồng hay Hà Nội/TP.HCM - Singapore 3 ngày 2 đêm khoảng 13 triệu đồng.
Bên cạnh đó, tour Trung Quốc đường bộ cũng đang là điểm đến được yêu thích. Một số hành trình như: Hà Khẩu - Di Lặc - Bình Biên - Kiến Thủy - Khai Viễn - Mông tự, 4 ngày 3 đêm, giá khoảng 6,8 triệu đồng; Hà Khẩu - Côn Minh - Núi tuyết Kiệu Tử - Hồ Điền Trì, 4 ngày 3 đêm, giá khoảng 5,7 triệu đồng…
Giá của các tour này thậm chí rẻ hơn tiền vé máy bay du lịch nội địa trong dịp Tết Giáp Thìn.
Du lịch nội địa giảm cạnh tranh
Chia sẻ trên báo VnExpress, bà Trần Phương Linh, Giám đốc Tiếp thị và Công nghệ Thông tin của BenThanh Tourist, cho biết vé máy bay trong nước thường cao hơn đi quốc tế các dịp cao điểm như Tết Âm lịch, nghỉ lễ. Lý do là chặng quốc tế thường có khách từ cả hai đầu, trong khi đó, chặng nội địa thường chỉ đông khách một đầu khiến tỷ lệ lấp đầy không nhiều, buộc hàng không phải đẩy giá vé cao. Đây chỉ là một trong số nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến việc tăng, giảm giá vé máy bay như giá xăng dầu, thuế hay chính sách giá của từng hãng bay.
Ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc Marketing Công ty CP Truyền thông Du Lịch Việt, nói có thể thấy rõ giá tour sử dụng máy bay đi nước ngoài có tính cạnh tranh với tour nội địa hơn nhờ giá vé máy bay hợp lý. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ của ngành du lịch ở những điểm đến lân cận như Thái Lan, Đài Loan như kết hợp mua sắm để giảm giá chung; kích thích tặng tiền mặt cho du khách; nới thời gian lưu trú cũng khiến khách Việt dần thích đi một số tuyến châu Á thay vì trong nước.
Đầm Vân Long ở Ninh Bình. Ảnh: Shutterstock
Trong năm qua, ông Vũ nhận thấy sự so sánh giữa du lịch trong nước và du lịch Thái Lan xuất hiện nhiều, kèm theo các bình luận về giá cả, chất lượng dịch vụ hay sức hút điểm đến. Nếu để tình trạng này tiếp diễn, du lịch nội địa sẽ bị giảm cạnh tranh đáng kể với du lịch quốc tế.
Tuy nhiên, ông Vũ nói không thể "đổ hoàn toàn trách nhiệm" cho việc tăng giá vé máy bay. Đại diện công ty này gợi ý cần đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng như đường sá, sân bay, khách sạn để thuận tiện cho du khách và giảm chi phí vận chuyển. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần sớm tìm ra "nhạc trưởng" điều phối liên kết giữa hàng không, lữ hành và địa phương. Bản thân doanh nghiệp cũng đang liên kết với các đối tác để đem đến mức giá tốt nhất nhưng vẫn cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ, kích cầu diện rộng từ cấp cao hơn.
Bà Linh cũng đồng tình còn nhiều yếu tố tác động đến ngành du lịch nội địa. "Nếu không thể điều chỉnh giá vé máy bay, tôi nghĩ nên nâng cấp dịch vụ để khách thấy thỏa mãn với số tiền bỏ ra", bà Linh nói.
Trong khi đó, đại diện Best Price cho biết dù vấp phải sự cạnh tranh, các tour trong nước khởi hành từ TP.HCM vẫn bán chạy, đặc biệt với nhóm khách trung tuổi hoặc Việt kiều. Ông Tú nói nhóm này có thu nhập, không tính toán nhiều về chi phí và thích khám phá trong nước.
Ông Minh Anh, khách hàng thân thiết của công ty, sống tại Thủ Đức, năm nào cũng đưa cả gia đình bốn người đi du lịch miền bắc vì thích trải nghiệm không khí mùa xuân và phong cảnh núi rừng. Ông cho biết không có nhu cầu du lịch nước ngoài và chi phí chưa bao giờ là vấn đề cần cân nhắc.
Vân Anh (T/h)