Theo chuyên trang Sài Gòn Giải Phóng Đầu Tư Tài Chính, sáng nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn(SJC) niêm yết giá mua vào vàng miếng SJC ở mức 84,8 triệu đồng/lượng, giá bán ra lên đến 87 triệu đồng/lượng. Mức giá này tăng 500.000 đồng chiều mua và 400.000 đồng chiều bán so với chốt phiên trước.
Giá vàng miếng SJC lập đỉnh mới 87 triệu đồng/lượng
Tuy nhiên trên thị trường chỉ có SJC đẩy giá vàng lên gần 87 triệu đồng, các doanh nghiệp khác vẫn đang giữ khoảng cách khá xa. PNJ niêm yết giá mua - bán vàng miếng ở mức 84,3 - 86,5 triệu đồng/lượng. DOJI cũng tăng 300.000 đồng trong sáng nay nhưng chỉ ở mức 84,6 - 86,1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tại SJC cũng tăng thêm 150.000 đồng mỗi lượng vào sáng nay, lên mức 73,5 - 75,2 triệu đồng/lượng. Nhẫn DOJI mua bán ở mức 74,05 - 75,55 triệu đồng/lượng.
Theo báo An ninh Thủ đô, tại các doanh nghiệp khác, vàng SJC cũng phổ biến diễn biến theo chiều hướng tăng khá mạnh. Bảo Tín Minh Châu tăng 400 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào, tăng 200 nghìn đồng/lượng chiều bán ra, mở cửa phiên giao dịch ở mức giá 84,75 – 86,65 triệu đồng/lượng;
Phú Quý SJC sáng nay cũng tăng 400 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 200 nghìn đồng/lượng chiều bán ra, lên mức 84,70 – 86,70 triệu đồng/lượng;
Tại DOJI, mức tăng đầu giờ sáng nay là 300 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua lẫn chiều bán, lên 84,60 – 86,10 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn các doanh nghiệp sáng nay cũng tiếp tục xu hướng tăng với mức tăng khoảng 100 – 200 nghìn đồng mỗi lượng so với chốt phiên hôm qua. Theo đó, nhẫn 9999 của SJC đang được niêm yết giá mua - bán tại 73,50 – 75,20 triệu đồng/lượng;
Nhẫn DOJI Hưng Thịnh Vượng 9999 74,55 – 75,55 triệu đồng/lượng; nhẫn tròn Bảo Tín Minh Châu 74,08 – 75,58 triệu đồng/lượng; nhẫn tròn Phú Quý 74,10– 75,60 triệu đồng/lượng…
Theo báo VTC News, chuyên gia Trần Duy Phương cho rằng, giá vàng liên tục lập đỉnh lịch sử chứng tỏ các biện pháp của NHNN chưa hiệu quả, có bất cập. Chẳng hạn như việc doanh nghiệp phải đặt mua tối thiểu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng là điều kiện quá khó cho các doanh nghiệp.
“Trong lúc giá vàng biến động khó lường như thời điểm hiện tại, tích trữ vàng là một việc mạo hiểm, do đó doanh nghiệp chỉ có nhu cầu mua vào số lượng vàng đã bán để cân bằng. Ép họ mua 1.400 lượng vàng thì không khác nào bắt họ đầu cơ”, ông nói.
Chính vì thế, ông Phương cho rằng, nếu NHNN vẫn giữ phương án đấu thầu, để việc cung vàng ra thị trường đạt được hiệu quả thì nên giảm khối lượng đấu thầu tối thiểu chỉ còn khoảng 4-5 lô. Lúc đó, sẽ kích thích các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng tham gia hơn.
“NHNN nên cân nhắc sửa điều kiện này. Vì nếu không, không thể đấu thầu vàng thành công đồng nghĩa với việc không thể cung vàng ra thị trường, lại tiếp tục tạo áp lực kéo giãn khoảng cách giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, đi ngược với mục tiêu bình ổn giá vàng đã đề ra", ông nhận định.
Theo ông, chỉ cần cung ứng ra thị trường khoảng 10.000 - 15.000 lượng vàng thì chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới sẽ được thu hẹp.