Phát hiện tình trạng thu gom, mua bán rễ tiêu chết vì già cỗi và bị nhiễm bệnh tại huyện Chư Pưh, các cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai đã vào cuộc kiểm tra.
Sau khi nhận được thông tin về tình trạng thương lái thu gom, mua bán rễ tiêu chết do bị bệnh và già cỗi, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với các sở, ban ngành liên quan và UBND huyện Chư Pưh kiểm tra, xác minh và có báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 30/7/2018.
Trước đó, theo kết quả kiểm tra vừa được công bố của Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, việc thu mua rễ tiêu tại huyện Chư Pưh là có nhưng chưa xác định được thương lái mua để làm gì.
Tiêu chết người dân đào rễ bán
Cụ thể, thời điểm kiểm tra, tại hộ ông Đào Ngọc Thịnh (thôn Hòa Tín, thị trấn Nhơn Hòa) lực lượng chức năng phát hiện có khoảng 500kg gốc, rễ hồ tiêu đang được phân loại, đóng bao. Theo khai báo của gia đình, việc mua số gốc và rễ chỉ để làm phân vi sinh bón cây.
Còn hộ ông Nguyễn Trọng Sinh (thôn Thủy Phú, xã Ia Le) bắt đầu thu mua rễ tiêu từ tháng 4/2018. Ông Sinh đã mua được 300kg rễ tiêu khô từ người dân. Mua xong, ông Sinh bán lại cho ông Nguyễn Văn Toàn (ở tỉnh Bình Định) với giá 30.000 - 35.000đ/1kg rễ khô. Việc ông Toàn mua rễ tiêu để làm gì, ông Sinh không hề hay biết.
Tiêu chết người dân đào rễ bán
Ngoài ra, tại vườn tiêu của hộ ông Lê Văn Phương và Nguyễn Văn Quảng (đều ngụ tại thôn Thiên An, xã Ia Blứ) đều xảy ra tình trạng đào rễ tiêu.
Thông tin thương lái mua rễ tiêu để băm nhỏ trộn vào gia vị và làm phân bón chỉ là người dân phỏng đoán. Một số hộ dân tại xã Ia Le và Ia Blứ còn cho biết, việc thu gom gốc, rễ chủ yếu từ các vườn tiêu bị chết rồi. Thương lái ở địa phương đứng ra thu mua và bán lại cho một số người ở tỉnh Kon Tum. Việc mua bán rễ tiêu của thương lái để làm gì người dân không nắm được.
Trong báo cáo, Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo công an tiến hành điều tra, làm rõ mục đích thu gom rễ, gốc hồ tiêu, và kịp thời có biên pháp ngăn chặn khi có nguy cơ làm mất an ninh trật tự trên địa bàn, lây lan nguồn sâu, bệnh hại.
Sau khi có kết quả kiểm tra của lực lượng chức năng, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị liên quan cảnh báo cho người dân về việc thu gom gốc, rễ cây hồ tiêu có thể làm lây lan dịch bệnh. Đồng thời, hướng dẫn người dân chủ động xử lý, vệ sinh sạch sẽ vườn cây để hạn chế dịch bệnh.
Thủ phủ hồ tiêu đang điêu đứng vì dịch bệnh
Trước đó, người dân huyện Chư Pưh rất bất ngờ khi thấy thương lái sẵn sàng bỏ tiền mua rễ tiêu bị bệnh. Huyện Chư Pưh có rất nhiều diện tích hồ tiêu bị chết do nhiễm bệnh nên người dân tranh thủ đào lấy rễ bán. Thương lái ở địa phương mua với giá khoảng 10.000đ/1kg rễ tươi, sau đó bán lại cho những người ở nơi khác đến.
Theo cảnh báo của các ngành chức năng, việc sử dụng phế phẩm từ cây tiêu được cho là rất nguy hiểm vì trong thân, gốc và rễ tiêu nông dân bỏ đi đều có thể tồn dư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mầm mống dịch bệnh.
Mộng Thường