VietNamNet dẫn nguồn tin từ tờ HK01 đưa tin, tại Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), một gia đình đã phải đối mặt với bi kịch kinh hoàng khi có tới 9 người trong ba thế hệ mắc ung thư, trong đó 8 người đã qua đời. Câu chuyện này khiến nhiều người không khỏi sợ hãi và đặt câu hỏi về nguyên nhân đằng sau.
Theo truyền thông Trung Quốc, người đàn ông họ Tần, một thành viên trong gia đình này, gần đây đến bệnh viện kiểm tra vì ho dai dẳng kèm theo hiện tượng khạc ra máu. Kết quả chẩn đoán cho thấy ông bị ung thư phổi. Trong quá trình ông Tần điều trị, bi kịch tiếp tục ập đến khi người em trai cũng được xác nhận mắc đồng thời ung thư phổi và ung thư gan và không lâu sau đó đã qua đời.
Hình ảnh một người đàn ông được điều trị ung thư tại bệnh viện ở Trung Quốc. Ảnh: NPR
Khi tìm hiểu sâu hơn, bác sĩ phát hiện ra một sự thật: Trong gia đình của ông Tần, qua ba thế hệ, có tới 9 người từng bị chẩn đoán ung thư. Cụ thể, ở thế hệ ông bà, 1 người mắc ung thư thực quản, 2 người bị ung thư dạ dày; cha của ông Tần qua đời vì ung thư phổi, chú thứ nhất mất vì ung thư dạ dày, chú thứ hai cũng mắc ung thư dạ dày; anh cả của ông Tần qua đời vì ung thư dạ dày, người anh thứ hai cũng không thoát khỏi ung thư gan và ung thư phổi.
Bác sĩ cho biết, nguyên nhân bệnh tật của gia đình ông Tần rất phức tạp, có thể liên quan đến môi trường độc hại. Đặc biệt, gia đình này có tiền sử hút thuốc lâu dài. Bản thân ông Tần đã hút thuốc suốt 50 năm, với mức độ "2-3 bao mỗi ngày - một thói quen đáng báo động.
Kết quả xét nghiệm cho thấy gia đình anh Tần mang đột biến gene hiếm gặp, đây có thể là nguyên nhân chính khiến bệnh ung thư di truyền suốt ba thế hệ. Tuy nhiên, các bác sĩ không tiết lộ đây là loại gene nào. Dù không thể thay đổi gene, bác sĩ cho biết các thành viên có thể giảm nguy cơ ung thư bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh, chẳng hạn cai thuốc lá.
Vnexpress dẫn lời tiến sĩ Trương Khải, Giáo sư khoa Phòng chống Ung thư, Bệnh viện Ung bướu, Viện Khoa học Y học Trung Quốc cho biết, chỉ 5% bệnh nhân ung thư là do di truyền, khoảng 20% liên quan đột biến gene, còn lại là do các yếu tố khách quan.
Theo tiến sĩ Trương Khải, việc có người thân mắc ung thư không có nghĩa toàn bộ gia đình đều nguy cơ cao. Để đánh giá nguy cơ ung thư của bản thân, cần xem xét 4 yếu tố: số lượng người mắc, độ tuổi mắc bệnh, loại ung thư hiếm gặp và gene.
Về số lượng người mắc, nếu chỉ một người trong gia đình mắc ung thư, bạn không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu có 2-3 người trong gia đình (bố mẹ, anh chị em ruột, con cái) mắc cùng một loại ung thư, chuyên gia khuyến nghị xem xét yếu tố di truyền và xét nghiệm gene nếu cần thiết.
Mọi người cần xem xét độ tuổi mắc bệnh của các thành viên trong gia đình. Ví dụ, độ tuổi trung bình mắc ung thư vú ở các nước Đông Á là 45-49 tuổi, cổ tử cung là 51 tuổi, ung thư tủy xương là khoảng 65 tuổi, buồng trứng thường gặp ở phụ nữ 40-60 tuổi. Nếu người thân mắc bệnh ở độ tuổi 30, đây là một dấu hiệu đáng lo ngại.
Nếu người thân mắc phải loại ung thư hiếm gặp, chẳng hạn nam giới bị ung thư vú, nguy cơ di truyền cũng cao hơn.
Về yếu tố gene, những người có tiền sử gia đình mắc ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng, đặc biệt là mẹ và chị em gái, nên xét nghiệm gene BRCA. Nếu phát hiện đột biến gene BRCA1/2, nguy cơ mắc ung thư vú ở phụ nữ châu Á lên tới 56%, buồng trứng là 23%-54%, trong khi nguy cơ mắc ở người bình thường là 1%.