Chiều 9/11, báo Người lao động dẫn thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, mức giá bán lẻ điện bình quân điều chỉnh tăng từ 1.920,37 đồng/kWh lên mức giá mới là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT), tương ứng mức tăng 4,5%.
Việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân hơn 86,42 đồng/kWh áp dụng từ ngày 9/11. Quyết định về điều chỉnh giá điện được ban hành ngày 8/11.
Giá điện tăng lên hơn 2.000 đồng/kWh từ hôm nay (9/11).
Với việc điều chỉnh giá điện ngày 9/11, giá điện sinh hoạt cho khách hàng là:
Bậc 1 (0-50kWh) có mức giá là 1.806 đồng/kWh.
Bậc 2 từ 51-100kWh có mức giá là 1.866 đồng/kWh.
Bậc 3 từ 101-200kWh có mức giá là 2.167 đồng/kWh.
Bậc 4 từ 301-400kWh là 3.050 đồng/kWh.
Bậc 5 từ 401 kWh trở lên là 3.151 đồng/kWh.
EVN cho rằng, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Theo số liệu thống kê, năm 2022 cả nước có trên 1,27 triệu hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo chủ trương của Chính phủ.
Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng, thông tin trên tạp chí Đầu tư tài chính.
Được biết, đây là lần thứ 2 liên tiếp trong năm 2023 giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng.
Lần điều chỉnh giá điện gần nhất là vào ngày 4/5, khi đó giá giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1.864,44 đồng/KWh lên 1.920,3732 đồng/KWh (chưa bao gồm thuế GTGT). Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% (hơn 55,9 đồng/KWh).
Tại lần điều chỉnh giá điện đầu tháng 5/2023, lãnh đạo EVN đã cho biết với mức tăng giá 3% thì khó khăn tài chính với EVN vẫn còn.
Theo báo Tuổi trẻ, trước đó hồi tháng 3/2023, Bộ Công Thương đã họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN.
Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện các năm: 2021 là trên 419.031 tỷ đồng; năm 2022 là trên 493.265 tỷ đồng.
Chi phí này bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành.
Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,90 đồng/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.
Tuy vậy, mức tăng 3% hồi tháng 5 của tập đoàn chỉ mang lại doanh thu tăng thêm cho EVN là 8.000 tỷ đồng, nên chưa đủ bù đắp chi phí giá, khiến tập đoàn này gặp nhiều khó khăn về tài chính và tiếp tục gặp lỗ.
Thông tin gần đây nhất, tính toán của EVN cho thấy giá thành sản xuất điện năm 2023 ước tính khoảng 2.098 đồng/kWh, cao hơn giá bán lẻ điện bình quân khoảng 178 đồng/kWh. Như vậy, mức tăng giá trên có thể vẫn chưa bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh của tập đoàn này.
Vân Anh (T/h)