Quy mô tài sản hơn 9 nghìn tỷ đồng, giá cổ phiếu lập kỷ lục chưa từng có
Lý giải về việc tạm hoãn công bố BCTC kiểm toán năm 2022, VNG cho rằng mô hình doanh nghiệp tập đoàn hoạt động đa quốc gia. Cụ thể, VNG hiện có hiện có 33 công ty con và công ty liên kết, trong đó 18 công ty và quỹ từ thiện tại Việt Nam và 14 công ty ở nước ngoài (gồm thị trường Đông Nam Á, Hong Kong, Trung Quốc và Australia) với các quy định về kế toán và pháp lý khác nhau.
Do đó, hiện VNG đang thực hiện song song báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS). Trong BCTC tự lập mới nhất, tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của VNG giảm 1,6% so với đầu năm về còn hơn 9 nghìn tỷ đồng. Tuy vậy so với quy mô trong khoảng 5 năm qua, tổng tài sản của VNG đã tăng tới gần 50% từ con số 4,8 nghìn tỷ đồng được ghi nhận vào năm 2018.
Kết quả kinh doanh của CTCP VNG những năm gần đây
Vào hồi tháng 2 vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến kỷ lục giá cổ phiếu vượt trên 1 triệu đồng của VNG. Trước khi đạt mốc lịch sử nói trên, cổ phiếu của doanh nghiệp đã có chuỗi tăng liên tiếp 9 phiên, tương ứng mức 390%.
Tuy vậy, số lượng cổ phiếu giao dịch của VNG chỉ ở mức trung bình khoảng 1 nghìn cổ phiếu/phiên. Hiện tại, giá cổ phiếu của đơn vị này đã có dấu hiện hạ nhiệt khi kết phiên ngày 31/3, giá cổ phiếu VNZ đóng cửa ở mức 750 nghìn đồng/cổ phiếu, tăng 0,81% so với phiên giao dịch trước đó.
Lợi nhuận chuyển âm nặng nhất trong nhiều năm
Về tình hình tài chính của VNG, trong báo cáo tự lập quý IV/2022, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của VNG ở mức 2 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Tuy vậy, lỗ sau thuế lên tới 547 tỷ đồng, tăng hơn 50% cùng kỳ.
Luỹ kế cả năm 2022, CTCP VNG ghi nhận doanh thu 7,8 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ chuyển âm nặng 858,35 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ, doanh nghiệp lãi 414 tỷ đồng.
Trong gần 20 năm qua, VNG được biết đến với tư cách là một trong những “ông lớn” ngành game của Việt Nam. Quy mô tài sản và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp liên tục tăng mạnh qua từng năm.
Giai đoạn 5 năm (2018 – 2022) vừa qua, tổng tài sản của VNG đã tăng gần 2 lần. Trong đó, vốn chủ sở hữu tăng gần 30% từ 3,8 nghìn tỷ đồng lên 5,3 nghìn tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, trong năm tài chính 2018, doanh thu thuần của VNG đạt 4,3 nghìn tỷ. So với năm 2022, chỉ số này cũng tăng gần 50%. Về lợi nhuận sau thuế, theo báo cáo hợp nhất, 2020 là năm gần nhất VNG kinh doanh có lãi đạt 200 tỷ đồng. Năm 2021, tuy doanh thu thuần của VNG tăng mạnh hơn 20% so với năm trước lên 7,6 nghìn tỷ nhưng lợi nhuận sau thuế bất ngờ chuyển âm hơn 70 tỷ.
Được biết, trong năm 2022, VNG đã mạnh tay đầu tư hơn 1 nghìn tỷ đồng vào các dự án khởi nghiệp nhưng đa phần ghi nhận kết quả lỗ. Lũy kế cả năm 2022, VNG đã lỗ 643 tỷ đồng từ hoạt động đầu tư này.
Thanh Phong