(ĐSPL) - Từ nhỏ đã gắn bó với rừng, khi về già bà Hà Thị Hồng lại nhận nhiệm vụ giữ rừng của xóm Lấp. Băng rừng, vượt suối, đối mặt với nhiều nguy hiểm nhưng bà vẫn không lùi bước để giữ cho được màu xanh của rừng. Những ngày cuối năm, PV báo ĐS&PL được nghe “nữ tướng” kể lại những kỷ niệm khi đi bảo vệ rừng.
Diện kiến người giữ rừng
Mất gần 1 tiếng, từ trung tâm huyện Tân Sơn, vượt qua con dốc cao hun hút, những dòng suối róc rách chảy giữa khu rừng hoang dại, cuối cùng chúng tôi cũng đến được bản Lấp, Xuân Sơn, nơi xa xôi nhất của huyện miền núi Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ để diện kiến “nữ tướng” Hà Thị Hồng (60 tuổi), người phụ nữ tâm huyết, ngày đêm giữ rừng.
Với cái bắt tay nồng nhiệt, nở nụ cười tươi rói, bà Hà Thị Hồng bảo với chúng tôi: “Người ta cứ gọi là “nữ tướng” tôi thấy ngại lắm. Mình đã làm được gì nhiều đâu. Công việc mà tôi đảm nhiệm chỉ là bảo vệ thật tốt “lá phổi xanh” nơi đây. Ngoài tôi ra còn có bà Tuyết ở xóm Lạng, bà Ước ở xóm Thang, họ cũng là những người quyết tâm bảo vệ rừng”.
Bà Hồng trò chuyện với PV. |
Người phụ nữ chất phác, chân thật nhưng cũng đầy dí dỏm này bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời bà, những chuyến đi giữ rừng hơn chục năm qua. Ở vùng đất Xuân Sơn này, mùa đông có thể xuống tới 00C khiến cho không một loại rau nào có thể sống nổi. Nhưng dù thời tiết có khắc nghiệt đến đâu cũng không thể ngăn được những bước chân của người phụ nữ vùng sơn cước đến với rừng xanh.
Tôi hỏi “nữ tướng”, sao lại chọn cái nghề gian khổ này khi đã bước vào tuổi 60, bà băng rừng nhiều không mỏi chân sao? Bà chỉ cười: “Từ nhỏ, tôi đã gắn với rừng núi, cây cỏ, rừng là cuộc sống của chúng tôi. Hơn hết, dân giao trọng trách, cán bộ tin tưởng thì mình phải hoàn thành nhiệm vụ chứ”.
“Cuộc đời tôi đã gắn quá nhiều với những cơ cực. Chồng mất sớm, tôi một mình chăm lo cho các con nên người. Ngày trước, cuộc sống còn cực hơn bây giờ nhiều. Mẹ con tôi khoai sắn nuôi nhau vậy màâ cũng qua ngày. Khi lớn lên, đứa đi làm ăn xa, đứa lập gia đình, tôi thấy buồn lắm. Mà hơn nữa, từ khi sinh ra, lớn lên, bao đời nay người dân bản tôi đã sống dựa vào rừng. Chúng tôi luôn coi việc bảo vệ chính là bảo vệ ngôi nhà của mình. Vì thế, ngay sau khi có tổ tuần tra bảo vệ rừng của xóm Lấp được thành lập, tôi xung phong tham gia. Vì chúng tôi nghĩ, việc chúng tôi bảo vệ rừng chính là bảo vệ “phổi xanh” của chính mình”, bà Hồng tâm sự.
Vì thế, hàng chục năm qua, những bước chân của bà Hồng cùng tổ tuần tra bảo vệ rừng cộng đồng của xóm Lấp đã in khắp những cánh rừng, ngọn núi. Dù cho nắng gắt, mưa rừng nhưng những bước chân ấy không bao giờ lùi.
“Đàn ông đi rừng đã vất vả rồi, nữ đi càng cực nhọc hơn. Nhất là việc phải bám thật chặt trên những phiến đá để sang ngọn đồi bên kia. Đôi khi thấy cũng vất vả vì ở cái tuổi này rồi. Nhưng thời con gái, hay khi một nách ba con, đã từng lội qua nhiều con suối, vượt bao cánh rừng để mưu sinh thì bây giờ việc giữ rừng khổ mấy cũng có thể chịu được. Từ ngày làm tổ trưởng tổ tuần tra bảo vệ rừng cộng đồng của xóm Lấp, tôi thấy trách nhiệm của mình càng nặng hơn. Không chỉ phải đi tuần rừng, mà còn tuyên truyền, vận động những người trong thôn bản chung tay bảo vệ rừng”, bà Hồng chia sẻ.
Gian khổ, vất vả và coi việc giữ rừng như một “cuộc chiến” nên trung bình đội bảo vệ rừng của xóm đi mỗi một lần. Có những chuyến đi phải lên lịch trước, nhưng cũng có chuyến đi đột xuất cùng đội kiểm lâm. 53 hộ của xóm lần lượt cắt cử nhau đi. Họ chia thành những tốp từ 5-10 người, cả nam và nữ. Khi đi dao cầm tay, nước và cơm nắm giắt lưng để tiện luồn rừng.
Canh giữ màu xanh cho rừng
Nhấp chén trà nóng trong ngày mưa lạnh, bà Hồng kể cho chúng tôi nghe những chuyến đi, sự khắc nghiệt của cuộc chiến giữ rừng trên mảnh đất Mường này. Những lần đi, vắt bám đầy người, thậm chí, vì không để ý để nó thành sẹo trên cánh tay, cổ. Nhưng với bà đó cũng chính là sự vinh quang, là tấm huy chương mà cả đời bà giành được.
Một góc rừng xóm Lấp. |
Không những vậy, việc nắm bắt thời tiết trong rừng cũng vô cùng quan trọng. Là người dân bản, nên bà cũng am hiểu, nhiều lần tránh được mưa lũ khi đi rừng. Bà Hồng nhớ, có lần đi gặp mưa, đường trơn, nghe thấy tiếng đá bên trên đổ xuống. Hoảng loạn, bà cố bám vào một cành cây, đu mình né sang hướng khác và may mắn tránh được. Nếu không nhanh trí thì đá từ hang Rơi có thể lăn xuống và đè vào người bất cứ lúc nào.
“Mùa hè đi vào rừng thì mát mẻ nhưng vắt nhiều lắm. Nó bám đầy người. Dù có quần áo, bịt kín người nhưng cũng không tránh khỏi. Vắt nó cắn thì ngứa, khó chịu nhưng vẫn phải bước tiếp. Có chuyến đi, về nhà gỡ vắt ra nhìn chúng căng tròn cái bụng mà thấy rùng mình, sợ hãi. Trên tay tôi chi chít những vết cắn của lũ vắt. Còn mùa đông đi thì lạnh, có mặc bao nhiêu lớp áo cũng không tránh được cái lạnh như cắt da cắt thịt giữa núi rừng. Nhất là gặp mưa rừng thì chỉ biết nắm vững tay nhau để đi tuần thôi”, bà Hồng kể.
Bà Hồng cũng nhớ lại, năm 2013, bà được cử đi tuần tra ở bản Suối Gà, xã Mường Bang nơi có một xóm người Dao nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Thọ và Sơn La. Từ xa bà cùng đoàn của mình nghe thấy tiếng cưa xẻ trên núi. Bà cùng tổ bàn tính rất kỹ, di chuyển thật nhanh nhưng không gây ra tiếng động để những kẻ đang phá rừng kia chạy mất. Nhưng phải mất gần 2 tiếng bà và đồng đội mới tiếp cận được họ.
“Họ chỉ có hai người nhưng chúng tôi cũng phải rất cẩn thận. Bởi, thấy có người lạ là họ sẽ manh động, liều lĩnh để tẩu thoát. Nhưng chúng tôi bao vây tứ phía khiến họ không kịp trở tay phải chịu trói, đầu hàng. Chúng tôi nhanh tay thu dọn mọi thứ và đi trong đêm tối, dùng đèn pin, những dụng cụ có thể phát ra ánh sáng để đưa họ về trạm kiểm lâm giao cho các cán bộ xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Mỗi cuộc vây bắt nảy lửa như vậy cũng cho chúng tôi rất nhiều kinh nghiệm, khiến cho lâm tặc sợ hãi, không dám bén mảng đến vùng này nữa.
Hay có những lần, nhận được thông tin sẽ có người đi vào rừng dù bất cứ lý do gì thì chúng tôi phải cử người theo chân họ. Nếu họ có ý định chặt phá rừng là ngay lập tức chúng tôi sẽ có hướng triển khai để ngăn chặn, không cho họ có cơ hội mang bất cứ cây gỗ quý nào trên rừng đi”, bà Hồng chia sẻ.
Tâm sự với chúng tôi, bà Hồng cũng cho biết, những ngày cuối năm là thời điểm “nóng” lâm tặc hoành hành. Vì thế, tổ của bà phải tăng cường lực lượng cũng như thời gian để hoàn thành nhiệm vụ. Mới đây, quần thể 20 cây của bản Lấp được vinh danh là cây di sản bởi tập trung nhất, ưu thế nhất và già nhất, nên tuần nào tổ của bà cũng phải ghé thăm một lần.
Thành quả lớn nhất của những người đang hàng ngày âm thầm bảo vệ rừng nơi đây chính là không còn thấy người dân vào rừng đốn cây, lấy củi. Không còn sự xuất hiện của người lạ mang theo gỗ ra khỏi bản. Với họ, dù mồ hôi, máu, nước mắt có rơi xuống thì họ vẫn kiên cường làm nghề giữ rừng để những mầm xanh đâm chồi, nảy lộc.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Triệu Văn Tuấn, Trưởng xóm Lấp cho biết: “Bà Hồng là người có trách nhiệm trong công việc, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Và chính cái tâm vì rừng của bà Hồng đã giữ cho rừng của xóm Lấp luôn xanh và có thêm niềm tin”. |
Mai Hằng