Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Gặp cựu tù binh từng bị giặc dùng đinh đóng ngang khớp gối

(DS&PL) -

(ĐSPL) - “Biết không thể khai thác gì thêm từ tôi, thế là chúng dùng đinh đóng ngang qua khớp gối, ép tôi khai. Không ngừng ở đó, chúng còn dùng dao xẻo thịt...”, ông Cờ kể, mặt đanh lại.

(ĐS&PL) - “Biết không thể khai thác gì thêm từ tôi, chúng nghiến răng “tên cộng sản cứng đầu” và thế là chúng dùng đinh đóng ngang qua khớp gối, ép tôi khai. Không dừng ở đó, chúng còn dùng dao xẻo thịt...” -  kể đến đây khuôn mặt ông Cờ như đanh lại.
Sau hơn 40 năm hòa bình lập lại trên đất nước dải hình chữ S, trong niềm vui ngày đoàn tụ, còn đâu đó là nỗi đau vẫn còn ám ảnh những cựu tù binh. Giấc ngủ với họ đã không còn trọn vẹn, người ta gọi đó là “nỗi đau phía sau tiếng súng”, ám ảnh bởi những đòn tra tấn đóng đinh, róc thịt như thời Trung cổ vẫn còn hiện về hàng đêm…
Kịp mang về cho nhà gái 1 bó củi rồi nhập ngũ
Cách Thủ đô Hà Nội hơn 500km, từ trung tâm xã Hương Sơn (huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) một ngày giữa tháng 4, chúng tôi tìm về bản Nghè khi ở đây vừa mới dứt cơn mưa rừng, con đường trở nên trơn trượt, quật ngã con ngựa sắt đến lấm lem bùn đất với ngay cả chủ nhân của nó. Có mặt tại nhà cụ ông Hoàng Văn Cờ (SN 1944), khi ông đang tấp tểnh xua đàn gà vào chuồng, có con hãy còn sợ mưa núp dưới tán lá cây lông ướt sũng. Thấy chúng tôi, ông mời vào nhà, rót ly nước trà mời khách.
Nhấp ly nước trà lá xanh ngát, bốc mùi hương nồng nồng như xua tan đi mệt nhọc sau chuyến đi dài, tôi giới thiệu là phóng viên đến hỏi chuyện xưa. Nét mặt ông Cờ như chùng xuống suy tư, lần mò theo trí nhớ về miền ký ức những ngày đã xa. Người cựu tù binh cất giọng trầm ấm vang lên giữa núi rừng, kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện về đời mình.
Là con trai út trong gia đình có đến 9 anh chị em, lớn lên trong cái khó, cái nghèo nên cậu thanh niên Cờ ngày ấy thấm thía nỗi vất vả. Không phải là người điển trai, nhưng bù lại anh có sức vóc hơn người và chăm việc, người già trong bản vẫn thường rỉ tai nhau nhà nào mà có được thằng Cờ làm rể khác nào có được con trâu tốt trong nhà. Cờ lọt vào tầm ngắm của bà ngoại cô thôn nữ Hoàng Thị Cận (SN 1945, là người cùng địa phương). Cận cũng có hoàn cảnh đặc biệt, bố mẹ đều mất sớm và cô ở với bà ngoại. Rồi hai bên gia đình thuận ý cho đôi trẻ kết duyên cùng nhau.
Một đám cưới đơn giản được tổ chức vào cuối năm 1963, đôi trẻ hãy còn chưa kịp biết mùi vị của tình yêu, thì Cờ nhận nhiệm vụ lên đường nhập ngũ. Sau ngày cưới 4 ngày, chàng trai Tày ngày ấy kiếm về cho hai bà cháu nhà vợ một bó củi và phát quang bờ rào phía sau nhà.
Hôm tiễn anh lên đường, cô Cận hãy còn bẽn lẽn cứ mải miết với suy nghĩ chỉ sau 3 năm ngày nhập ngũ anh sẽ về. Nào ngờ kể từ sau ngày đó thời gian cứ kéo dài dần khoảng cách, nhập ngũ vào ngày 10/4/1963, tại C10 thuộc tỉnh đội Hà Giang. Đến năm 1967, Hoàng Văn Cờ nhận nhiệm vụ xông pha chiến trường miền nam, cuộc hành quân kéo dài 3 tháng ròng với bao khó khăn gian khổ, lúc ấy ông Cờ giữ vai trò là lính thông tin. Còn nhớ người đi cùng đợt với ông là Dương Đức Sằn (năm nay đã 70 tuổi), Hoàng Đình Tăng A (xã Việt Hồng), Hoàng Đình Tăng B (xã Tiên Kiều) huyện Bắc Quang.
Năm 1968, ông tham gia vào chiến dịch mậu thân Thừa Thiên Huế rồi bị bắt, lúc ấy một quả bom rơi gần vị trí ông phục kích, khiến ông ngất đi. Sau một liều thuốc của địch, ông tỉnh dậy mới biết mình đã bị bắt. Đó cũng chính là lúc ông bắt đầu phải cắn răng chịu đựng những đòn tra tấn tàn bạo như thời kỳ Trung cổ của giặc.
Toát mồ hôi khi nhớ về...ký ức đòn thù của giặc
“Khi tôi tỉnh lại là lúc chỉ nhìn thấy mờ mờ, cứ lúc tỉnh lúc mê, rồi chúng hỏi tên? Quê quán? Chức vụ? Quân đoàn? Nhưng tôi chỉ khai có một điều là tôi tên Phạm Văn Quý, còn lại đều không biết, tôi chỉ là lính mà thôi. Chưa để tôi kịp nói hết lời, là chúng lại bắt đầu một màn tra tấn kinh khủng bằng giầy khủng bố, dao búa, đinh và kìm sắt…”, ông Cờ nhớ lại.
“Biết không thể khai thác gì thêm từ tôi, chúng nghiến răng “Tên cộng sản cứng đầu” và thế là chúng dùng đinh đóng ngang qua khớp gối, ép tôi khai. Không ngừng ở đó, chúng còn dùng dao xẻo thịt, róc xương ở cánh tay trái và đùi chân trái của tôi…” kể đến đây khuôn mặt ông Cờ như đanh lại, trầm ngâm, trán toát mồ hôi.

Vết tích còn lại của những đòn tra tấn sau hơn 40 năm vẫn còn hằn lên cơ thể ông Cờ.

Đòn tra tấn khiến cho cựu tù binh lúc đó chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi ngất lịm, chúng lại dội nước rồi lôi vào nhà ngục tối tăm. ông Cờ phải 4 lần chuyển trại, từ nhà tù sân bay Phú Bài, đến phòng nhì nhà tù Plâyku và ở lại 1 tuần, chuyển đi Biên Hòa và bị đẩy ra đảo Phú Quốc cùng nhiều đồng chí cộng sản cùng thời. Vào trại, ông được chúng dẫn đi xem hàng loạt các dụng cụ tra tấn như dùi cui dã gạo; cá đuối; xông xương và bình quay điện… hòng dọa nạt tâm lý. Địch còn cho một nhóm các đối tượng của chúng nhập vào nhà tù, vận động anh em cộng sản khai thật rồi được về nhà với vợ con, gia đình… “Anh em chiến hữu lúc ấy người cụt chân, người cụt tay còn có người bị móc mắt… cảnh tượng thảm thương lắm…!” ông Cờ nhớ lại.
Vẫn còn một cuộc chiến thầm lặng phía sau tiếng súng
Năm 1973, sau hiệp định Paris, ông được trao trả tù binh. Hạnh phúc vỡ òa sau ngày ông Cờ được trở về đoàn tụ cùng gia đình và người vợ trẻ. Trở về, nhưng không được về ngay, mà ông phải điều trị tại Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa), sau một thời gian ông viết lá thư đầu tiên sau 10 năm xa cách gửi về cho vợ báo về việc mình còn sống nhưng vẫn chưa thể về ngay được.
Bà Cận bùi ngùi kể lại: Kể từ sau ngày ông đi, gia đình cứ nghĩ ông đã hy sinh mà không có một hồi âm hay lá thư nào trở về. Thời điểm ông Cờ được trở về cũng là lúc bà đang là y tá ở Bệnh viện đa khoa Bắc Quang, nhận được thư bà vừa mừng vừa tủi, rồi xin đăng ký được nghỉ phép để khăn gói vào Thanh Hóa thăm chồng…
Được một năm sau, đến cuối năm 1974 bà sinh được người con trai đầu, rồi 5 người con (4 trai, 1 gái) lần lượt ra đời. Trong số 5 người con của ông bà, có 2 người bị ảnh hưởng chất độc hóa học từ ông. Người con trai đầu không thể sinh con, còn người con trai thứ 3 thì bị dị tật bẩm sinh, còn bản thân ông thì bệnh tật hành hạ suốt hơn 40 năm qua. Từ ngày trở về cùng gia đình, ông Cờ phải đương đầu với một cuộc chiến mới, cuộc chiến với bệnh tật và những ám ảnh thời hậu chiến tranh với những trận đòn roi còn in hằn lên cơ thể, mỗi ngày lại đau nhức.
Bà Cận chia sẻ: “Nhiều hôm trở trời cả hai vợ chồng chỉ còn biết ôm nhau mà khóc, ông ấy thì đau đớn ở trong người ấy, tôi cũng không biết làm sao được. Có ai đi lấy thuốc ở đâu tôi cũng đến lấy, nhưng mà không thể làm giảm đi được cơn đau của chồng. Khổ lắm chú à…!”.
Như thân cây già trải qua gần thế kỷ với với nhiều vết trầy xước, bão giông và sấp nổi của cuộc đời. Giờ đây, hàng ngày người đàn ông ấy phải chống chọi lại với nỗi đau thể xác và tinh thần. Một cuộc chiến thầm lặng nhưng giai giẳng và bền bỉ hơn cả cuộc chiến với những tiếng súng mà ông đã từng nếm trải. Trong chiến tranh, “Lý tưởng cách mạng đã giúp cho người tù cộng sản thêm nghị lực vượt qua những đòn tra tấn. Thì giờ đây, gia đình và nụ cười con trẻ lại là sức mạnh để ông có thể vượt qua những cơn đau về thể xác và nỗi ám ảnh hằng đêm…”, đó là những lời gan ruột của người cựu tù binh năm xưa…!

Tin nổi bật