(ĐSPL) - Không chỉ thương lái, trạm trung chuyển như PV đã đề cập ở kỳ trước mà theo ghi nhận vẫn còn tình trạng gắn mắc ngoại cho gạo Việt ở các đại lý, cửa hàng và nhà cung cấp, đặc biệt là trong đóng gói sản phẩm. Miễn sao họ có nhiều loại gạo, phong phú về mẫu mã và đa dạng về chất lượng, đặc biệt là giá, để người tiêu dùng ở cấp nào cũng có thể mua được.
Ngoài các loại gạo cân ký, không rõ nguồn gốc, hiện có rất nhiều loại gạo đóng gói sẵn: 5kg, 10kg, 25kg... được bày bán la liệt tại các cửa hàng, đại lý và trong các siêu thị. Về chủng loại, cũng giống như gạo cân ký, người tiêu dùng không khỏi hoa mắt trước hàng trăm sản phẩm với các loại bao bì, nhãn mác khác nhau, từ các loại gạo Việt tới các tên gạo nước ngoài: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia...
Nhan nhản các loại gạo được gắn mác nước ngoài trên thị trường. |
Để rõ hơn về các loại gạo đóng sẵn này, PV báo ĐS&PL đã vào một vài siêu thị trên địa bàn TP.HCM và thật bất ngờ trước nhiều tên gọi. Điển hình, tại siêu thị V.C. (quận Gò Vấp), PV quan sát có tới hàng chục loại gạo khác nhau, trong đó, tên gạo nước ngoài chiếm đa phần. Điển hình như Thái Hồng, Nasiam, Gạo dẻo Băng Cốc, Thái Lan đặc biệt, Gạo Sóc Miên... Trong số đó, chỉ một loại duy nhất là Nasiam là có nhãn phụ, ghi bằng tiếng Việt.
Theo đó, trên nhãn này ghi sản phẩm có nhà sản xuất là Phalang Thai Inter Rice (Thái Lan) được nhập khẩu và phân phối bởi công ty TNHH TM-SX V.T. Số còn lại đều sản xuất tại Việt Nam. Thế nhưng, tên của nó khiến cho người tiêu dùng cứ ngỡ rằng, đó là của nước ngoài và ít ai biết, đây thực chất là gạo nội. “Đi mua gạo thì chỉ coi cái tên gọi gạo (in to nhất) trên bao bì, chứ ít ai quan tâm đến công ty sản xuất, nhà phân phối.
Ví như nghe tên Gạo dẻo Băng Cốc thì nghĩ chắc đó là gạo Thái Lan. Vì gạo Việt Nam sao phải lấy tên đó làm gì”, chị Lê Thị Kim, quận Gò Vấp chia sẻ với PV ngay tại gian hàng gạo của siêu thị V.C. Bên cạnh chiêu thức gắn mác ngoại cho gạo, PV còn ghi nhận ở cách đóng bao bì. Hiện nay, có rất nhiều cơ sở cung cấp gạo cho các đại lý nhận luôn việc đóng gói (bao nilon) với trọng lượng 5kg, 10kg, 25kg... Tuy nhiên, thực tế thì khó ai có thể biết được bên trong chính xác là gạo gì.
Điển hình, PV tìm đến công ty TNHH Gạo V.T và được một người tên Ngà cho biết: “Ở đây nhận luôn việc đóng gói bao bì gạo. Anh muốn lấy tên gì, cho thông tin sản phẩm, bên em sẽ cung cấp, không có vấn đề gì cả”. Với cách làm này, chỉ cần có nhu cầu, đơn vị đóng gói có thể biến gạo nội thành gạo nhập khẩu hoặc tha hồ gắn thêm tên nước ngoài, tên gì cũng được.
Để xác minh, PV đã liên lạc và làm việc với cơ sở cung cấp gạo G.H tại quận Tân Phú, TP.HCM. Sau khi trao đổi, thống nhất phương án lấy 1 tấn gạo và yêu cầu đóng gói thành loại 5kg, 10kg, 25kg, PV đề nghị người tên Mến làm theo yêu cầu là lấy một loại gạo nào đó, giống gạo Thái Lan nhất có giá 12 ngàn đồng/kg để đóng gói thành tên gạo “Thái nhập khẩu” và được Mến đồng ý ngay. Để thuận lợi, Mến yêu cầu gửi qua email và báo giá, đồng thời, Mến cũng nói: “Anh nhớ ghi rõ thông tin yêu cầu làm như thế nào nhưng nếu đóng gói và thiết kế bao bì thì bên em sẽ tính thêm phí, vì cái này không nằm trong giá gạo. Còn chuyện anh làm thế nào bên em cũng sẽ OK cho anh”.
Sau khi biết yêu cầu của PV, Mến báo lại: “Gạo mà anh yêu cầu giống như gạo Thái Lan để đóng bao bì và lấy tên “Thái nhập khẩu” thì có loại Thái Lan dẻo là 12 ngàn/kg, đúng giá đó anh ạ. Giá này là chưa có bao bì, vì phía cơ sở in bao bì chưa báo giá lại cho em, nên chưa thể báo cho anh được. Gạo này là của Việt Nam nhưng chuẩn luôn: Gạo ngon, thơm, dẻo, nhìn như hàng Thái vậy. Chúng em giao cho các đại lý cũng như vậy mà”.
PV hỏi thêm, nếu đóng bao bì vào nhưng khi người ta ăn có biết là gạo Việt không, Mến trả lời: “Không đâu anh ơi. Đóng bao bì đã khác rồi, với lại ai ăn cũng thấy thơm, dẻo, ngon mà. Còn về bao bì phải thiết kế tên công ty và logo nữa nên hơi lâu, vì phải làm theo yêu cầu của bên anh. Em đang xem lại, người ta có hỗ trợ cho tiền đó (thiết kế bao bì) để đỡ tốn hơn không, còn không thì anh phải chịu đó. Như anh đặt thì chắc tầm 3 – 4 ngàn đồng/bao. Như vậy, giá gạo sẽ đội lên chút nhưng đổi lại, anh sẽ bán ra với giá hai mươi mấy ngàn rồi”.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo chỉ giao đến cảng mà không quan tâm nó được tiêu thụ như thế nào. |
Bên cạnh phải chịu kiếp “hồn Trương Ba da hàng thịt”, gạo Việt còn bị đánh lận con đen khi phải khoác lên mình gạo Trung Quốc. Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch hiệp hội Lương thực Việt Nam kiêm Tổng Giám đốc công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood2) cho biết: “Có tình trạng thương nhân Trung Quốc mua gạo Việt về không bán ngay mà tiến hành trà trộn với các loại gạo của họ. Sau đó đóng bao bì, in nhãn mác của Trung Quốc để bán ra thị trường.
Thực tế, tại thị trường bán lẻ ở Trung Quốc rất khó có thể tìm được gạo có xuất xứ từ Việt Nam, dù chúng ta xuất khẩu sang nước này rất nhiều”. Ông Năng cho biết thêm: “Tình trạng phổ biến nhất chính là các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu các loại gạo của Việt Nam gần giống với chủng loại có ở nước họ, sau đó đánh bóng và đóng bao bì, in nhãn mác phân phối ra thị trường”. Để tìm hiểu thêm về thông tin này, trong vai một doanh nghiệp cần xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, PV liên hệ với người tên A. Chín (người Trung Quốc) tại khu vực chợ Lớn (quận 5), người này cho biết: “Hiện giờ đang có nhiều đơn hàng từ Việt Nam, tất cả đều là mối quen, họ xuất đều đặn với giá rẻ nên không cần nguồn cung nữa”. A.Chín cũng nói về việc mua gạo về Trung Quốc rồi bán ra thị trường nhưng khi đề cập đến việc có hay không thay tên gạo Việt bằng gạo Trung Quốc, người này nói: “Cái đó anh quan tâm làm gì” và cáo bận không có nhu cầu giao dịch nữa. Theo quan sát của giới chuyên gia, hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang Trung Quốc nói riêng và nhiều nước khác nói chung đang nhằm mục đích là bán được hàng mà không quan tâm nó sẽ đi đâu, về đâu.
Ông Nguyễn Tấn Minh, Giám đốc một công ty phân phối gạo tại TP.HCM cho biết: “Thực tế, khi xuất khẩu gạo cho doanh nghiệp Trung Quốc, ít người để ý đến mục đích mà họ mua, chỉ biết là hoàn thành các đơn hàng theo yêu cầu. Các công ty của Việt Nam chỉ đóng bao bì, in tên gạo, tên công ty xuất khẩu... sau đó giao cho đối tác ở cảng xuất khẩu là xong mà không cần quan tâm tới việc gạo sẽ đi đâu, về đâu. Đây là điều cần phải xem lại”.
Nỗi buồn cho gạo Việt Trao đổi với PV, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao cho rằng: “Người tiêu dùng đang tin và sử dụng các loại gạo nội địa nhưng in tên của nước ngoài là điều hết sức đáng buồn, khi chúng ta luôn nằm trong số các quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu gạo. Tình hình thị trường cho thấy, ngày càng có nhiều loại gạo được trồng tại Việt Nam nhưng lại gắn mác Thái Lan, Campuchia… để bán, đây là mối đe dọa cho gạo Việt. Trong tháng 10 này, chúng tôi sẽ tổ chức phiên chợ hàng Việt ra khu vực phía Bắc, trong đó, có giới thiệu mặt hàng là gạo sạch, ngon của Việt Nam để người tiêu dùng nhận diện và tiếp cận”. |
THANH TÙNG
Xem thêm video:
[mecloud]M2Xgfk49aX[/mecloud]