Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Gần 6.000 người thi hát nhạc “sến”: Âm nhạc chẳng có hèn, sang

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Mới đây nhất, có khoảng 6.000 người đổ về trung tâm Hội nghị Queen Hall (TP.HCM) trong ngày 6/11 để đăng ký tham gia cuộc thi Solo cùng Bolero.

(ĐSPL) - Tình trạng chen lấn, xô đẩy, “ăn chực nằm chờ” tại điểm dự thi các chương trình truyền hình thực tế liên quan đến nghệ thuật, không còn quá xa lạ với nhiều người. Mới đây nhất, có khoảng 6.000 người đổ về trung tâm Hội nghị Queen Hall (TP.HCM) trong ngày 6/11 để đăng ký tham gia cuộc thi Solo cùng Bolero. Vì sao dòng nhạc luôn bị coi là bình dân lại có sức hút đến vậy?

Chờ cả ngày để được hát... 10 giây

Solo cùng Bolero là chương trình truyền hình thực tế thuần Việt đầu tiên, dành cho những ai yêu thích dòng nhạc trữ tình, ngọt ngào này. Vòng sơ tuyển diễn ra tại TP. Cần Thơ (ngày 2/11) và tại TP.HCM (ngày 6/11). Theo ghi nhận của chúng tôi, từ sáng sớm ngày 6/11, có rất đông thí sinh tìm đến địa điểm dự thi tại TP.HCM, mong có một cơ hội đứng trên sân khấu. Khác với các cuộc thi ca nhạc loại khác, chương trình này thu hút một lượng thí sinh đa dạng, từ anh nông dân, bác xe ôm, cô giáo, doanh nhân, cho đến các em học sinh nhỏ tuổi. Không ít thí sinh lặn lội từ Bình Định, Quảng Ngãi, thậm chí các tỉnh miền Bắc cũng có mặt trong ngày sơ tuyển.

Ước tính, có khoảng 6.000 người tham gia thử giọng trong vòng sơ tuyển. Trong đó, có cả những thí sinh là người nước ngoài, đang sống tại Việt Nam. Đa phần, những gương mặt đến với chương trình này đều khá bình dị. Trong số gần 6.000 thí sinh tại TP.HCM, ngoài phần thí sinh đi thi góp vui là chính, không ít thí sinh đã có chút kinh nghiệm biểu diễn. Chủ yếu, họ hát trong những câu lạc bộ quận/huyện, hát với nhau, hát trong đám cưới. Ngoài ra, có một vài gương mặt ca sỹ chưa nổi tiếng trong dòng nhạc này, cũng tham gia thi tuyển. Không thiếu những thí sinh tới tham gia cuộc thi, chỉ đơn giản là để gặp mặt thần tượng của mình là ca sỹ, giám khảo Phi Nhung.

Theo nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc, Bolero khởi đầu là loại nhạc khiêu vũ của đất nước Tây Ban Nha, du nhập vào nước ta khoảng những năm 1950. Lúc này, phong trào tân nhạc của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, được mọi người gọi một cách bình dân là nhạc “sến”. Đỉnh cao của dòng nhạc này là thập niên 1960 – 1970, với rất nhiều ca khúc được thu âm, có sức sống mãnh liệt cho đến tận ngày nay. Có thể kể ra một vài ca khúc như: Giọt lệ đài trang, Về đâu mái tóc người thương, Không bao giờ quên anh, Mùa mưa đi qua, Đường xưa lối cũ, Em đi trên cỏ non... Theo ghi nhận của chúng tôi tại điểm thi TP.HCM, vì số lượng đăng ký dự thi quá đông, nên rơi vào tình trạng quá tải. Nhiều thí sinh phải chờ đợi từ sáng tới chiều tối.

Điều này cho thấy, dù những dòng nhạc trẻ, sôi động tưởng như đang thống lĩnh thị trường âm nhạc Việt Nam, nhưng dòng nhạc Bolero vẫn có chỗ đứng riêng, chiếm được cảm tình của nhiều người, ở mọi lứa tuổi, địa vị xã hội khác nhau. Tuy nhiên, trong tâm thức của không ít người, đây chỉ là một dòng nhạc bình dân, kể lể sướt mướt và nhiều muộn phiền. Bỏ qua việc đổ xô tham gia các cuộc thi ca nhạc là một cách để không ít người tìm kiếm cơ hội trở thành ca sỹ chuyên nghiệp, dấn thân vào showbiz, bộ phận còn lại đều coi việc được hát giữa ngàn người, như một niềm vui, một cơ may không phải lúc nào cũng có.

Theo ban tổ chức chương trình Solo cùng Bolero, ban đầu có quy định độ tuổi dự thi từ 15 – 45, nhưng nhiều thí sinh nhỏ tuổi và lớn tuổi hơn cũng đăng ký dự thi, nên đành linh động cho thi hết. Một số thí sinh bức xúc vì chờ từ sáng tới tối mà chỉ được hát 10 giây. Nhưng, nhiều thí sinh khác mỏi mòn chờ đợi, bị rớt vòng hai vẫn vui vẻ ra về. Bởi, họ chỉ vì thấy vui nên... tham gia thi. Không ít người mong muốn có nhiều cuộc thi tương tự thế này để góp vui. Đó cũng chính là tinh thần rất bình dân của dòng nhạc “sến sẩm” này.

Âm nhạc không có ranh giới

Nhạc sỹ Vinh Sử, người được mệnh danh là ông “vua” nhạc “sến”.

Nhạc sỹ Vinh Sử, ông “vua” nhạc “sến” chia sẻ: "Nhạc Bolero dễ đi vào lòng người, bởi chính sự gần gũi và thân quen của dòng nhạc này đã khiến cho khán giả yêu mến. Còn việc nhạc sang và nhạc “sến”, tôi nghĩ, đã là âm nhạc không nên có sự phân chia, trong âm nhạc không có ranh giới".

Một dòng chảy sống mãi với thời gian

So với những dòng nhạc khác, Bolero dễ dàng đi vào lòng người bởi sự truyền cảm của chính nó. Ca sỹ Đào Phi Dương, người có nhiều năm theo đuổi dòng nhạc này chia sẻ: "Trong đời sống âm nhạc sôi động ngày nay, dòng nhạc trữ tình Bolero vẫn có vị trí riêng của nó. Không sôi động như nhạc trẻ, nhưng khi khán giả nghe thì dễ bị dòng nhạc Bolero thu hút. Hiện nay, số lượng người yêu chuộng dòng nhạc này khá đông. Không chỉ có những người lớn tuổi, mà còn có những khán giả trẻ. Thậm chí, có những em 12-13 tuổi đã hát rất mượt mà dòng nhạc Bolero".

Tuy nhiên, để chinh phục khán giả của dòng nhạc này không phải là điều dễ dàng, ca sỹ Đào Phi Dương chia sẻ thêm: "Theo tôi đây là một tín hiệu khá tốt để người trẻ có dịp suy ngẫm về mình, không sống vội vã gấp gáp trong nhịp sống công nghiệp như hiện nay. Khán giả của dòng nhạc Bolero cũng khá khó tính. Họ đa phần là những khán giả lớn tuổi, có sự trải nghiệm sâu sắc trong cuộc sống. Thế nên để chinh phục những khán giả này người ca sỹ luôn phải thể hiện mình một cách tốt nhất. Vì là nhạc trữ tình, nên phải hát từ trái tim mới có thể lay động được khán giả".

So với những bài hát hiện nay, nhạc Bolero mang lại khá nhiều cảm xúc cho khán giả. Ca sỹ Lê Sang, giọng hát chuyên hát dòng nhạc Bolero cho rằng: "So với những dòng nhạc khác, nhạc Bolero cũng có nhiều thiệt thòi, chưa được nhiều người nhìn nhận đúng với vai trò và vị trí của nó trong đời sống âm nhạc. Tuy nhiên, nếu so sánh thì sẽ thấy ca từ, giai điệu, câu chuyện trong bài hát rất hay và có ý nghĩa. Điều mà có nhiều bài hát mới ra hiện nay không có được".

Tuy nhiên, hiện nay số lượng các bài hát mới dành cho dòng nhạc Bolero không nhiều. Bên cạnh đó, do hát những bài hát đã sáng tác từ trước rất lâu, nên nghệ sỹ luôn phải tạo ra sự khác biệt để tránh sự nhàm chán cho khán giả. Theo ca sỹ Đào Phi Dương, nhạc trữ tình là dòng nhạc dễ đi vào lòng người, vì vậy có khá nhiều ca sỹ theo đuổi dòng nhạc này. Mỗi ca sỹ sẽ có sự đột phá, xử lý bài, hòa âm phối khí khác nhau để tạo ra sự riêng biệt cho mình.

Dòng nhạc Bolero có những giá trị của riêng nó. Song để dòng nhạc này thực sự phát triển và có những thành công rực rỡ hơn nữa, đòi hỏi phải có sự quan tâm phù hợp và đúng đắn. Nhận định về vấn đề này, ca sỹ Lê Sang cho biết: "Hiện, các giá trị về âm nhạc chưa thực sự rõ ràng. Chưa thật sự có nhiều giải thưởng về âm nhạc dành cho những ca khúc hay về dòng nhạc Bolero. Chính vì điều này khiến cho dòng nhạc Bolero bị lấn áp bởi dòng nhạc trẻ. Thiết nghĩ, nếu có sự quan tâm nhiều hơn nữa đối với dòng nhạc Bolero chắc chắn sự phát triển của nó sẽ ngày càng vươn xa hơn".

Không chỉ có nhiều cuộc thi, sân chơi thuộc dòng nhạc Bolero nhằm phát triển dòng nhạc này. Quan trọng hơn cả, sự phát triển của dòng nhạc Bolero cần dựa trên sự công bằng bằng việc đánh giá từ các giải thưởng. Các giải thưởng âm nhạc về Bolero cũng ngày càng được nâng cao hơn, với đội ngũ giới phê bình, những người thẩm định âm nhạc, các chuyên gia có uy tín phân tích và thẩm định để tạo sự phong phú trong đời sống âm nhạc. Những yếu tố về cơ chế thị trường, nhà tài trợ... là điều thường thấy trong các giải thưởng âm nhạc Việt cũng cần được tiết chế để tạo ra một sân chơi lành mạnh, nhằm phát triển hơn nữa dòng nhạc trữ tình này.

Vui mừng vì khán giả đến đông

Ca sỹ Phi Nhung vui mừng khi thấy nhiều người yêu mến dòng nhạc Bolero.

Ca sỹ, giám khảo Phi Nhung chia sẻ: "Những ngày tổ chức cuộc thi về dòng nhạc Bolero, tôi cảm thấy rất vui khi số lượng thí sinh đến đông đảo. Điều này chứng tỏ, dòng nhạc Bolero đi vào lòng người và được nhiều khán giả quan tâm yêu mến. Theo tôi, đây là một tín hiệu đáng mừng".

Tin nổi bật