Theo thống kê trên tạp chí Mekong Asean từ dữ liệu Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến ngày 29/2/2024, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 5.465 tỷ đồng, với 2 đợt phát hành ra công chúng trị giá 2.650 tỷ đồng, chiếm 49,5% tổng giá trị phát hành và 5 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 2.815 tỷ đồng, chiếm 51,5% tổng số giá trị phát hành.
Gần 5.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 2 tháng đầu năm. Ảnh minh họa
Về hoạt động mua lại, theo dữ liệu mới nhất do Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), các doanh nghiệp đã mua lại 1.595 tỷ đồng trái phiếu tính đến ngày 23/2.
Tính từ đầu năm, tổng giá trị trái phiếu đã được mua lại trước hạn đạt 9.130 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2023. Bất động sản là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 59% tổng giá trị mua lại trước hạn, tương ứng khoảng 4.473 tỷ đồng.
Cũng theo dữ liệu của VBMA, tính đến ngày công bố thông tin 23/02/2024, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trong phần còn lại của năm là 258.239 tỷ đồng.
Trong đó có 38% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với khoảng 99.234 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với gần 54.496 tỷ đồng, chiếm 21%.
Theo dữ liệu được công bố trên HNX, năm 2024 sẽ có hàng loạt lô trái phiếu nghìn tỷ đồng đáo hạn. Trong đó có rất nhiều lô trái phiếu giá trị lớn được phát hành bởi các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết hoặc mới thành lập.
Lô trái phiếu mã GHICB2124001, trị giá phát hành 5.760 tỷ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư Golden Hill đáo hạn vào ngày 15/4/2024. Lô trái phiếu mã NAN12301 với giá trị phát hành 4.700 tỷ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nam An đáo hạn vào tháng 9/2024.
Công ty cổ phần Đại Phú Hoà cũng có một lô trái phiếu trị giá 3.560 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào tháng 12/2024.
Hai lô trái phiếu mã HYD22301 và HYD22302 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển Đô thị Hưng Yên với giá trị phát hành lần lượt là 4.450 tỷ đồng và 2.750 tỷ đồng đáo hạn vào tháng 3 năm nay.
Công ty cổ phần Đại Phú Hoà cũng có một lô trái phiếu trị giá 3.560 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào tháng 12/2024.
Theo chuyên trang Đầu tư chứng khoán, báo cáo của VIS Rating cho biết, giá trị trái phiếu có rủi ro cao sẽ chậm trả gốc/lãi trong năm 2024 là 40.000 tỷ đồng, chiếm 19% lượng trái phiếu đáo hạn trong năm 2024, con số này thấp hơn đáng kể so với 147.000 tỷ đồng trái phiếu chậm trả gốc/lãi phát sinh trong năm 2023.
Xu hướng giảm này là do dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cải thiện và khả năng tiếp cận các nguồn tài chính mới tăng lên, đặc biệt là đối với nhóm ngành có tỷ lệ chậm trả cao như Bất động sản, Xây dựng và Năng lượng nhờ vào các chính sách hỗ trợ và môi trường lãi suất thấp.
Khoảng 40.000 tỷ đồng trái phiếu có rủi ro cao đến từ 35 tổ chức phát hành, phần lớn là các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng. Nhìn chung, các doanh nghiệp này có khả năng trả nợ ở mức rất yếu, thể hiện bởi tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu ở mức rất cao, nguồn lực tiền mặt/giá trị trái phiếu đáo hạn thiếu hụt, biên lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) ở mức thấp so với các tổ chức phát hành khác.
“Ngoài ra, chúng tôi cũng xác định được có 17 trong 35 tổ chức phát hành có rủi ro cao (chiếm khoảng 61% giá trị trái phiếu rủi ro chậm trả gốc/lãi) là các SPEs (công ty phục vụ mục đích đặc biệt) được thành lập chỉ cho mục đích huy động vốn, trong khi hầu như không có doanh thu và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Những SPEs này có liên quan đến 6 nhóm công ty lớn, trong đó có 3 nhóm đã gặp tình trạng chậm trả gốc/lãi ở các đối với các trái phiếu khác”, VIS Rating cho biết.
Vân Anh (T/h)