Vụ việc gần 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần tại cơ sở giết mổ Xuyên Á, huyện Củ Chi - cơ sở giết mổ lớn nhất ở TP.HCM gây phẫn nộ trong dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, cán bộ thú y được giao nhiệm vụ giám sát 24/24 tại lò mổ nhưng tại sao hàng nghìn con heo vẫn bị tiêm chất cấm.
Lẽ nào họ đã bị "bịt mắt" hết rồi chăng?
Cán bộ thú y “mũ ni che tai”- lỗ hổng giám sát giết mổ? Như báo ĐS&PL đã phản ánh, mới đây, đoàn công tác liên ngành gồm Thanh tra Bộ, cục Thú y (bộ NN&PTNT), cục C49 (bộ Công an), chi cục Thú y TP.HCM đã bắt quả tang 2 nhân viên của cơ sở giết mổ Xuyên Á, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM đang bơm thuốc an thần vào heo để giết mổ.
Trước sự việc nghiêm trọng này, trao đổi với PV báo ĐS&PL, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho hay, chấp thuận đề nghị của ban Quản lý An toàn thực phẩm, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã có công văn yêu cầu sở NN&PTNT phối hợp với đoàn Thanh tra khẩn trương tiêu hủy toàn bộ số lợn xác định bị tiêm thuốc an thần đã được cơ quan chức năng phát hiện tại cơ sở giết mổ Xuyên Á.
Đại diện lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu sở NN&PTNT và ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố công khai danh sách 13 thương lái (chủ lò) vi phạm và có biện pháp kiểm soát chặt sản phẩm thịt lợn từ nguồn các thương lái trên khi vào địa bàn thành phố trong thời gian tới.
Số heo bị tiêm thuốc an thần |
Trước dấu hỏi của dư luận liệu có sự “bắt tay” của cán bộ thú y với chủ lò mổ, trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng cục Chăn nuôi (bộ NN&PTNT) nhận định: “Theo quy trình kiểm soát giết mổ, các cán bộ kiểm soát, nhất là cán bộ thú y phải giám sát từ chuồng trại đến kiểm dịch. Trong quá trình vận chuyển hoặc lúc tập trung heo để giết mổ đều có thể xảy ra việc tiêm thuốc. Vì thế, chúng ta sẽ phải kiểm tra mẫu bằng cách lấy 1 mẫu thịt, 1 mẫu nội tạng từ các lò mổ. Nếu sản phẩm có tồn dư chất cấm thì ta sẽ truy xuất lại xem nó bắt nguồn từ khâu nào, sai phạm ở đâu ta xử lý ở khâu đó. Nếu cơ quan thú y kiểm tra, giám sát chặt chẽ, làm “tròn vai” thì không có lỗ hổng để lò mổ trục lợi. 17 cán bộ thú y liên quan đến việc giám sát lò mổ đang phải làm giải trình và sẽ bị xử lý nghiêm”.
Vị Phó cục trưởng cục Chăn nuôi cho rằng: “Việc tiêm thuốc an thần vào heo hay vật nuôi trước khi giết mổ là vi phạm pháp luật. Xét về pháp lý và đạo lý đều không thể chấp nhận được”. Với sai phạm trên của chủ lò mổ, theo ông Dương, chúng ta cần kiến nghị sửa các luật về xử lý vi phạm hành chính, nâng mức phạt bằng tiền lên. Có thể không phải phạt theo hành vi vi phạm mà còn phạt theo quy mô vi phạm. Ví dụ hàng nghìn con heo nếu nhân lên sẽ bị phạt rất nhiều tiền để răn đe chủ hàng.
Về hành vi sử dụng thuốc an thần tiêm vào heo trước khi giết mổ, đại diện cục Thú y (bộ NN&PTNT) cho biết, tồn dư chất Acepromazine trong thuốc an thần chủ yếu nhằm mục đích làm cho gia súc ngủ li bì, không đi tiểu để hạn chế hao hụt trọng lượng và gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi kiểm tra chất cấm trước khi giết mổ. Thuốc an thần còn làm màu sắc thịt đẹp hơn để lừa dối người tiêu dùng hoặc làm con vật không kêu, không giãy giụa, giảm đau đớn để thương lái dễ dàng vận chuyển và thực hiện hành vi bơm nước vào con vật. Đây là hành vi vi phạm pháp luật về thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng do thuốc chưa bài thải hết, gây tồn dư trong thịt.
Gắn vòng truy xuất có “tóm” được heo bẩn?
Theo tìm hiểu của PV, trong đợt kiểm tra vừa rồi, hơn 3.730 con heo gắn vòng truy xuất nguồn gốc được nhập về cơ sở giết mổ Xuyên Á. Điều đáng nói, không ít con trong số đó bị phát hiện có tiêm thuốc an thần. Đây cũng là vấn đề khiến dư luận nghi ngờ không phải heo nào được truy xuất nguồn gốc cũng an toàn?
Trước băn khoăn này của người dân, ông Dương khẳng định: “Đeo vòng truy xuất cho heo, tiến hành theo chuỗi từ khâu chăn nuôi đến thu mua, giết mổ và bán ra thị trường là cách làm khoa học. Trong chuỗi liên kết đó, vai trò của những người tham gia vào quá trình này là phải tự kiểm soát lẫn nhau. Nhà nước chỉ phát hiện và kiểm tra, thanh tra, xử lý như vụ vi phạm vừa rồi. Khi heo được đeo vòng thì cơ quan chức năng có thể giám sát, truy ngược lại được rủi ro ở khâu nào, giai đoạn nào (ở trại hay ở lò mổ). Cán bộ kiểm dịch không làm tròn nhiệm vụ thì phải chịu trách nhiệm”.
Tuy vậy, theo bà Phạm Khánh Phong Lan, chỉ khi giai đoạn giết mổ rồi cung ứng ra thị trường đều quy về một mối mới chặn đứng tình trạng heo bị tiêm thuốc an thần. Bà Lan cho hay, việc quản lý ATTP tại thành phố hiện có sự phân cấp. Ở giai đoạn heo giết mổ, trách nhiệm quản lý thuộc chi cục Thú y (sở NN&PTNT). Còn khi thịt heo ra đến chợ đầu mối, đến bếp ăn của người dân thì thuộc trách nhiệm của ban ATTP. “Thời gian tới nếu thấy bất cập, UBND TP có thể giao luôn trách nhiệm quản lý việc giết mổ cho chúng tôi. Đúng là đảm nhiệm nhiệm vụ từ đầu đến cuối sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, nếu Ban làm hết việc đó thì sở NN&PTNT tồn tại làm gì nữa”, bà Lan thẳng thắn nêu quan điểm.
Bà Lan cũng kiến nghị, bộ NN&PTNT cần kiểm soát chặt thuốc thú y, để kịp phát hiện ý đồ dùng sai mục đích. Bộ nên thống kê lại số thuốc an thần cho heo đã nhập và kể cả sản xuất trong nước. So sánh số lượng nhập trong những năm gần đây có tăng đột biến hay không? Tất cả các thuốc nhập khẩu đều có đơn hàng, nên thống kê ra sẽ biết ngay.
Sẽ xử lý cán bộ thú y sai phạm Trao đổi với báo chí, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng chi cục Thú y TP.HCM cho hay, bình quân mỗi ngày cơ sở Xuyên Á giết mổ khoảng 5.000 con heo, chiếm 50% lượng heo tiêu thụ trên địa bàn TP.HCM. Vụ phát hiện tiêm thuốc an thần cho heo nói trên là rất nghiêm trọng, Chi cục đã yêu cầu các cán bộ thú y làm việc tại cơ sở giết mổ cũng như lãnh đạo có liên quan giải trình, báo cáo sự việc. Nếu phát hiện cán bộ nào nhận tiền để bỏ qua sai phạm hay bảo kê cho thương lái vi phạm sẽ xử lý theo quy định. |
Ngân Giang