(ĐSPL)- Mổ sỏi thận, nhiều lần khám lại và điều trị những biến chứng tiếp sau cho bệnh nhân nhưng các bác sỹ ở bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vẫn không hề phát hiện ra “dị vật” còn sót lại trong cơ thể bệnh nhân sau khi phẫu thuật.
Gần hai năm sau, khi bệnh nhân thấy bệnh tình không giảm, liên tục đau đớn, sức khỏe yếu, hốt hoảng và đi khám ở bệnh viện khác (bệnh viện Trung ương Quân đội 108), được bác sỹ ở đây thông báo trong cơ thể vẫn còn sót lại “dị vật” từ ca phẫu thuật trước đó.
Gánh nợ đi chữa bệnh...
“Chúng tôi ở quê ra, chẳng biết chia sẻ những nỗi lo, sự sợ hãi với ai. May mắn được người nhà một bệnh nhân khác trong viện, khi biết chuyện đã đưa cho tờ báo Đời sống và Pháp luật rồi bảo tôi gọi tới Đường dây nóng, có thể nhờ quý báo giúp đỡ”, đó là những lời nói của ông Phạm Như Tỉnh (SN 1966, trú tại xã Xuân Phong, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) khi tiếp xúc với PV.
Vừa dứt lời nói, ông Tỉnh tiếp tục giới thiệu: “Tôi không phải là bệnh nhân, chú ấy là em rể của tôi và chính chú ấy mới là bệnh nhân đang mang trong mình cái ống xông mà các bác sỹ ở bệnh viện Bạch Mai bỏ quên gần hai năm nay,...”. Lúc này người đàn ông đen đúa, gầy gò mới cố gắng nhúc nhích tấm lưng ra khỏi thành ghế, lập cập giơ cánh tay yếu ớt ra bắt, giọng thều thào chào hỏi PV và cho biết anh tên là Lê Đức Quế (SN 1973, HKTT tại xã Xuân Phong, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa – là bệnh nhân, nạn nhân của ca phẫu thuật tại bệnh viện Bạch Mai). Trong suốt cuộc nói chuyện, phần nhiều những thông tin chia sẻ với PV là do ông Tỉnh cung cấp, anh Quế vì sức khỏe hạn chế nên chỉ ngồi nghe, xác nhận và thêm vào những thông tin về nỗi đau đớn của thể xác, tinh thần do bệnh tật hành hạ.
Chia sẻ với PV về hoàn cảnh khổ cực cũng như những bất hạnh trong cuộc sống của mình, anh Quế cho biết: “Gia đình được liệt vào diện hộ nghèo, vợ chồng anh vốn là những người nông dân, sự hiểu biết và nghề nghiệp để làm ăn kinh tế có hạn. Kinh tế của gia đình nghèo, bản thân anh vì sức khỏe yếu lại thêm bệnh tật nên chẳng thể làm gì hơn. Vợ chồng anh sinh được hai đứa con (một trai, một gái) nhưng nỗi bất hạnh lại đổ lên số phận anh thêm một lần nữa khi đứa con trai (SN 2007) bị câm, điếc bẩm sinh. Do sức khỏe yếu, không thể làm được ruộng nữa nên cách đây mấy năm vợ chồng anh bàn nhau để lại bốn sào ruộng cho anh em ở quê làm để chuyển lên thị trấn Chờ (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) thuê nhà và mở quán cháo dinh dưỡng. Vậy là vợ chồng anh đành để cô con gái lớn (SN 1998) ở quê học tập và chăm nuôi bà nội đã ngoài 90 tuổi, chỉ mang theo đứa con trai tật nguyền lên ở cùng và chữa trị bệnh tật.
Trong lúc cuộc sống với muôn vàn những lo âu về tiền bạc, bệnh tật của con cái, số phận lại một lần nữa giáng xuống đầu anh thêm một nỗi bất hạnh. Năm 2009, anh Quế cảm thấy sức khỏe mình yếu một cách trầm trọng, anh thường xuyên cảm thấy đau buốt ở bụng dưới (khu vực thắt lưng), đi tiểu tắc không ra, rồi sau đó anh phát hiện mình tiểu ra một viên sỏi. Lúc này, bản thân anh cũng manh nha biết được bệnh tình và những ảnh hưởng tới sức khỏe trong tương lai nhưng vì gia cảnh khó khăn nên anh gắng chịu.
Mãi tới năm 2012, khi những cơn đau không thể chịu đựng thêm được, anh mới bàn bạc với vợ và gia đình gom góp tiền bạc, vay mượn thêm anh em để vào viện khám. Tại bệnh viện Bạch Mai, anh được các bác sỹ đưa đi làm mọi thủ tục khám, xét nghiệm và chỉ định phải mổ vì bị sỏi thận.
“Vì chữa bệnh cho con trai, nuôi con gái ăn học, cộng thêm chi phí chữa bệnh cho mình nên từ đó đến nay vợ chồng tôi vay mượn khắp các anh chị em ở quê và chế độ được vay của ngân hàng đã lên tới hơn 30 triệu đồng. Số tiền đó quả là lớn với chúng tôi và chẳng biết đến bao giờ mới có thể trả hết nợ trong khi sức khỏe mình ngày một yếu và lần này còn phải vào viện mổ lấy ống xông ra nữa. Các bác sỹ nói, nếu thận có sỏi, muốn lấy sỏi ra thì còn phải mất thêm chi phí”, anh Quế lo lắng nói.
|
Vết mổ của bệnh nhân Quế với chiếc ống xông “bỏ quên” gần 2 năm trong cơ thể. |
... lại chuốc thêm họa vì cẩu thả của bác sỹ?
Thông tin về ca phẫu thuật và những lần điều trị của mình sau đó, anh Quế cho biết: Sau khi được các bác sỹ của bệnh viện Bạch Mai chỉ định cần phải mổ sỏi thận, gia đình đã đưa anh vào viện, anh không thể nhớ chính xác lần vào viện đầu tiên là ngày nào vì hồ sơ giấy tờ bệnh nhân không được giữ. Ngay sau đó anh được bác sỹ Vinh, Phó Chủ nhiệm khoa Ngoại, bệnh viện Bạch Mai mổ và theo dõi điều trị. Anh Quế nhớ lại: “Tôi nhớ sau mổ chỉ khoảng từ 7 – 10 ngày thì được các bác sỹ cho xuất viện. Vì gia đình tôi lúc đó thuộc diện hộ nghèo nên tiền viện phí được giảm 30\%, tổng số tiền phải nộp lúc đó hết gần 10 triệu đồng”.
Thật không may, khi chỉ vừa về nhà (thị trấn Chờ) được hai ngày, anh Quế lại có hiện tượng cơ thể bị sốt cao lên tới hơn 400C nên gia đình vội vàng phải thuê taxi chở đến Bạch Mai, đưa lên gặp bác sỹ Vinh (người trực tiếp mổ và điều trị) để thăm khám. Lần này, anh phải điều trị mất khoảng 3 – 4 ngày tại viện, được bác sỹ kê đơn thuốc. Số tiền điều trị hết khoảng 5 – 6 triệu đồng.
Về nhà tưởng chừng bệnh tình sẽ khỏi sau khi được điều trị và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sỹ Vinh. Tuy nhiên, chỉ sau đó hai ngày, anh Quế lại tiếp tục có hiện tượng cơ thể sốt cao trở lại (41 – 420C) và buộc phải vào viện. Lần này, sau khi được đưa đi làm các xét nghiệm, anh Quế được xác định bị nhiễm trùng đường máu và phải tiếp tục điều trị tại viện khoảng 5 – 7 ngày (từ ngày 28/8 – 4/9/2012) với khoảng chi phí gần 10 triệu đồng mới có thể về nhà.
|
Anh Quế cho biết: Giấy ra viện là thứ duy nhất anh nhận được trong quá trình khám và điều trị. |
Suốt từ đó đến nay, dù đã được phẫu thuật và uống thuốc theo chỉ định điều trị của bác sỹ, dù đã đến tới hai lần được đưa vào viện để cấp cứu, khám lại do sốt cao nhưng sức khỏe của anh Quế không có chiều hướng tiến triển tốt. Anh vẫn liên tục bị đau buốt, khó đi tiểu, mỗi lần tiểu được cũng cần đến hơn chục phút để cho cơn đau dứt... Không có tiền, không dám tới bệnh viện khám và điều trị bằng phương pháp y học phương Tây, anh được gia đình, bạn bè mách bốc thuốc Nam khắp nơi nhưng bệnh tình cũng chẳng thuyên chuyển.
Quá lo sợ, không thể chịu đựng được những cơn đau giằng xé, dù biết phải tốn tiền nhưng anh vẫn đến viện khám. Ngày 02/7/2014, anh phải cậy nhờ người thân đưa đến bệnh viện Bạch Mai khám tiếp. Một lần nữa, anh được các nhân viên bệnh viện đưa lên gặp bác sỹ Vinh khám. Sau khi anh Quế được chẩn đoán, đưa đi làm các thủ tục xét nghiệm, chụp chiếu, bác sỹ Vinh đã chỉ định, anh bị sỏi cả hai bên thận và phải mổ thêm lần nữa để lấy sỏi ra...
Trái ngược với những lần làm theo chỉ định và điều trị của bác sỹ Vinh, lần này anh cùng gia đình cảm thấy không được yên tâm, không tin tưởng vào trình độ, tâm huyết cũng như đạo đức nghề nghiệp của bác sỹ Vinh, cảm thấy có vấn đề bất thường nên đã không đồng ý mổ theo chỉ định. Để có được câu trả lời cho cảm giác về sự bất bình thường khi được bác sỹ Vinh chỉ định mổ, anh Quế đã được gia đình đưa đến bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để khám vào ngày 28/7/2014. Qua các bước xét nghiệm và phương pháp siêu âm, chẩn đoán hình ảnh, các bác sỹ tại bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã cho biết, anh Quế bị sỏi cả hai bên thận và điều khiến anh cùng gia đình sững sờ, lo sợ hơn nữa là kết luận “niệu quản T còn sondle (ống xông – PV) do bệnh viện Bạch Mai mổ, đề nghị bệnh nhân quay lại bệnh viện Bạch Mai”.
Lo sợ cho những “biến chứng xấu” tiếp theo có thể xảy ra, ảnh hưởng tới sức khỏe của người em rể (anh Quế), ông Tỉnh tỏ rõ sự quan ngại, mong muốn: Nếu việc khám chữa bệnh mà bệnh nhân không được nhận những hồ sơ giấy tờ bệnh án của mình thì khi xảy ra sự việc ngoài mong muốn do bác sỹ gây ra chẳng có cơ sở nào làm bằng chứng cho mình; Sự ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần của em rể ông gần hai năm trời có được bệnh viện bù đắp như thế nào; Trách nhiệm của bác sỹ Vinh và kíp mổ khi “bỏ quên” cái ống xông trong cơ thể của anh Quế ra sao? Để làm rõ thông tin theo phản ánh của bệnh nhân, ngày 4/8 PV đã liên hệ làm việc với ban Giám đốc bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, PV chưa nhận được lịch làm việc cụ thể. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc. |