Được gặp người thân trước khi dẫn giải về lại trại tạm giam, Micheal IkeChukwu Leonard và đồng bọn đã khóc nức nở.
Theo thông tin đăng tải trên báo Giao thông, ngày 31/7, TAND TP Cần Thơ mở phiên toà sơ thẩm xét xử Micheal Ikechukwu Leonard (45 tuổi, quốc tịch Nigeria, chỗ ở chung cư Khang Nam, huyện Bình Chánh), Huỳnh Hạ Bình (27 tuổi), Huỳnh Hạ Uyển (25 tuổi, cùng ngụ quận 8) và Nguyễn Trần Quỳnh Nhi (26 tuổi, ngụ quận 4, cùng TP Hồ Chí Minh) thực hiện về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tham gia phiên tòa có đại diện lãnh sự quán Nigeria.
Sau phần kiểm tra danh sách những người người có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa vì vắng nhiều bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Micheal và vợ hờ tên Bình khóc nức nở tại phiên toà - Ảnh: báo Tri thức trực tuyến |
Trước khi dẫn giải về lại trại tạm giam Công an TP Cần Thơ, các bị cáo đã được giải quyết cho gặp mặt người thân. Cả bốn bị cáo Micheal, Bình, Uyển và Nhi đều khóc nức nở.
Báo Tri thức trực tuyến dẫn cáo trạng của TAND TP Cần Thơ, năm 2014, Bình quen và chung sống như vợ chồng với Micheal tại Campuchia. Cả hai mở cửa hàng thời trang. Thời gian này, bạn của Micheal thường tới chơi và lên kế hoạch lừa tiền phụ nữ ở khu vực Đông Nam Á.
Nhóm này giả là doanh nhân nước ngoài, kỹ sư, sĩ quan đang làm nhiệm vụ tại các nước có chiến tranh nhưng cuộc sống hôn nhân kém may mắn, vợ chết hoặc ly hôn để kết bạn với phụ nữ.
Sau đó, người đàn ông ngoại quốc vờ ngỏ lời yêu thương, muốn tiến tới hôn nhân và tặng những đồ vật có giá trị cho bạn gái. Sau khi Micheal có được thông tin của nạn nhân, Bình, Uyển và Nhi giả làm nhân viên hải quan ở sân bay gọi điện thoại cho bị hại, thông báo quà bị giữ lại do trong hộp có lượng lớn ngoại tệ.
Để nhận được quà, “nhân viên hải quan” yêu cầu nạn nhân đóng tiền phạt qua tài khoản ngân hàng có sẵn để lấy quà, rồi chiếm đoạt. Bằng phương thức này, nhóm trên đã lừa đảo nhiều phụ nữ ở Cần Thơ và các tỉnh, thành khác trên cả nước.
Viện KSND TP Cần Thơ cáo buộc, bằng các thủ đoạn trên, từ tháng 3/2015 đến ngày 31/3/2016 (ngày bị bắt giữ), nhóm 4 bị cáo này đã chiếm đoạt của 37 bị hại, với số tiền gần 5,3 tỷ đồng.
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009): 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)