Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

"Gã khổng lồ" Vingroup muốn chiếm lĩnh thị trường bán lẻ?

(DS&PL) -

Với OceanMart, FiviMart và Shop&Go..., "gã khổng lồ" Vingroup đang ngày càng chứng tỏ tham vọng thống lĩnh thị trường bán lẻ tại Việt Nam.

Giống như các thương vụ M&A trước đây, quyết định nhận chuyển nhượng hệ thống 87 cửa hàng Shop&Go trên cả nước với giá rẻ bất ngờ được Vingroup thực hiện âm thầm và chỉ công bố thông tin khi thương vụ đã ngã ngũ. Với OceanMart, FiviMart và Shop&Go..., "gã khổng lồ" đang ngày càng chứng tỏ tham vọng thống lĩnh thị trường bán lẻ tại Việt Nam.

Mua lại hệ thống Shop&Go chỉ với... 1USD

Ngày 2/4/2019, công ty VinCommerce - đơn vị thành viên của tập đoàn Vingroup đang quản lý hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ công bố việc sẽ nhận chuyển nhượng chuỗi 87 cửa hàng Shop&Go với giá 1USD.

Được biết, công ty Cổ phần Cửa hiệu và Sức sống - Chủ sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi Shop&Go - đã chủ động đề nghị được nhượng lại toàn bộ chuỗi gồm 87 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động cho công ty VinCommerce với giá 1USD.

Công ty Cửa hiệu và Sức sống thành lập năm 2015, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ hàng tiêu dùng. Cửa hàng đầu tiên của Shop&Go đi vào hoạt động năm 2006 tại TP.HCM. Sau 14 năm thành lập, hiện tại Shop&Go đang vận hành 87 cửa hàng, trong đó có 70 cửa hàng tại TP.HCM và 17 cửa hàng tại Hà Nội nằm tập trung ở trong các quận nội thành.

Shop&Go đi theo mô hình cửa hàng tiện lợi với đặc trưng hoạt động 24/24h mỗi ngày, kinh doanh hàng hóa tiêu dùng, đồ ăn nhanh, thức uống pha chế, các dịch vụ tiện ích như máy rút tiền tự động ATM, bán thẻ nạp điện thoại, thẻ gọi điện thoại đường dài IDD card...

Chia sẻ về thương vụ trị giá 1 USD này, đại diện công ty Cổ phần Cửa hiệu và Sức sống cho biết, tuy đã đầu tư vào hệ thống rất nhiều nhưng kết quả kinh doanh không như kỳ vọng. Thị trường bán lẻ Việt Nam rất tiềm năng nhưng cạnh tranh cũng vô cùng khốc liệt, vì vậy đơn vị quyết định rút lui.

Báo cáo tài chính của Shop&Go cho thấy năm 2016, hệ thống này đạt 267 tỷ đồng doanh thu và lỗ gần 40 tỷ đồng. Với việc một thời gian dài không có lãi, đến cuối năm 2016, Shop&Go đã lỗ lũy kế 205 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ có vỏn vẹn 1,27 tỷ đồng. Đến tháng 10/2018, vốn điều lệ của công ty này được tăng mạnh lên 207,27 tỷ đồng.

Các cửa hàng Shop&Go sau sáp nhập sẽ được chuyển đổi, nâng cấp mọi mặt từ cơ sở vật chất, hàng hoá, chất lượng nhân sự cũng như thống nhất cơ chế quản lý theo tiêu chuẩn của hệ thống siêu thị VinMart & VinMart+ hiện nay. Dự kiến toàn bộ công đoạn tiếp nhận và chuyển đổi sẽ được hoàn tất trong tháng 4/2019.

Sau khi nhận sáp nhập Shop&Go, VinCommerce tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu thị trường bán lẻ với 108 siêu thị VinMart và khoảng 1.900 cửa hàng tiện lợi VinMart+ trên toàn quốc.

Hệ thống trên 2.000 điểm bán, hệ thống của Vincommerce hiện vượt khá xa các doanh nghiệp cùng ngành như Saigon Co.op (khoảng 650 điểm), Bách Hóa Xanh của Thế giới Di động (gần 500 cửa hàng) hay Circle K (khoảng 300 cửa hàng)...

Những thương vụ M&A đình đám năm 2018

Năm 2018 được xem là năm diễn ra nhiều thương vụ M&A của tập đoàn Vingroup. Chưa kể các thương vụ trong lĩnh vực bất động sản, chỉ tính riêng việc mua lại các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái như bán lẻ, ô tô, dược phẩm, nhẩm tính Vingroup đã chi ra số tiền ít nhất là 3.200 tỷ đồng.

Đáng chú ý nhất là thương vụ mua lại công ty cổ phần Đầu tư Nhất Nam - doanh nghiệp sở hữu hệ thống siêu thị Fivimart và chuỗi bán điện thoại Viễn Thông A. Sau khi hoàn tất việc mua lại, hai doanh nghiệp này được sáp nhập vào hệ thống công ty con của Vingroup trong từng lĩnh vực, cụ thể Fivimart được sáp nhập vào Vincommerce, còn Viễn Thông A được sáp nhập vào VinPro.

Toàn bộ 23 siêu thị Fivimart đã được chuyển đổi thành VinMart, qua đó đưa Vinmart trở thành chuỗi siêu thị lớn nhất Việt Nam về số điểm bán.

Ở lĩnh vực dược phẩm, Vingroup chi ra 443 tỷ đồng sở hữu 96,4% cổ phần của công ty VinFA. Hoạt động chính của VinFa tại ngày sáp nhập vào Vingroup là nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh dược phẩm. Hệ thống cửa hàng thuốc VinFA ra mắt thị trường từ đầu tháng 11/2018 dưới hình thức "song hành" cùng các cửa hàng Vinmart+.

Không chỉ ở lĩnh vực bán lẻ, Vingroup còn tiến hành M&A với hàng loạt công ty khác ở lĩnh vực sản xuất ô tô hay mới đây nhất là lấn sân sang mảng công nghệ.

Vingroup mua lại 100% cổ phần của General Motors Việt Nam với giá hơn 900 tỷ đồng.

Một thương vụ được đặc biệt chú ý thời gian qua là Vingroup đã mua lại 100% cổ phần của General Motors Việt Nam (GM Việt Nam) với tổng giá trị hơn 900 tỷ đồng.

Trong một thỏa thuận được ký kết vào cuối tháng 6/2018, VinFast cho biết nhận chuyển nhượng, tiếp quản toàn bộ nhà máy GM tại Hà Nội và triển khai những hoạt động đầu tư tăng năng lực để sản xuất dòng ô tô cỡ nhỏ mới được mua bản quyền từ GM. Hệ thống 22 đại lý Chevrolet (gồm 8 ở miền Bắc, 3 miền Trung và 11 miền Nam) cũng là cơ sở để VinFast hình thành mạng lưới phân phối.

Trong lĩnh vực sản xuất thiết bị di động, Vingroup đã mua lại một doanh nghiệp nước ngoài là BQ - thương hiệu smartphone của Tây Ban Nha để rút ngắn thời gian thâm nhập lĩnh vực sản xuất điện thoại. Báo cáo tài chính của Vingroup cho biết vào tháng 2/2019, công ty VinTech đã mua 51% phần vốn góp của Mundo Reader - công ty chủ quản của BQ - Thông qua việc mua phần vốn góp phát hành thêm và mua lại từ các thành viên góp vốn khác với tổng giá trị chuyển nhượng là 35,7 triệu EUR (tương đương 40 triệu USD).

Không lâu sau khi ra mắt tại Việt Nam, Vingroup đã đưa điện thoại Vsmart sang phân phối tại thị trường Tây Ban Nha.

Đình Văn
Bài viết đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 55

Tin nổi bật