Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ga Hà Nội là minh chứng lịch sử, phải nghĩ đến bảo tồn

(DS&PL) -

Đề xuất di dời Ga Hà Nội đang gặp nhiều ý kiến phản đối từ các chuyên gia. TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội,

Đề xuất di dời Ga Hà Nội đang gặp nhiều ý kiến phản đối từ các chuyên gia. TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên KTS Trưởng TP. Hà Nội, đã có những phản biện thẳng thắn về đề xuất này.

PV: Tại hội nghị trật tự an toàn giao thông mới đây, có ý kiến đề xuất di dời Ga Hà Nội ra khỏi nội đô. Quan điểm của ông về đề xuất này ra sao?

Ga Hà Nội.

TS. Đào Ngọc Nghiêm: Trong một đô thị, việc bố trí các nhà ga, công trình đầu mối rất quan trọng. Nó tùy thuộc vào tình hình phát triển kinh tế xã hội từng giai đoạn, quy mô dân số. Ga Hà Nội là ga trung tâm của thành phố được xây dựng từ thời Pháp và đã phát huy giá trị của nó. Kể từ khi phát triển Hà Nội theo quy hoạch phê duyệt năm 1998 và đặc biệt mở rộng phát triển Hà Nội theo quy hoạch năm 2011, trong cấu trúc của đô thị trung tâm Hà Nội, Ga Hà Nội đã được xem xét là ga trung chuyển chứ không phải ga đầu mối.

Từ năm 1998, TP. Hà Nội đã có đề nghị chuyển đổi ga chính ra vị trí khác nhưng vẫn giữ Ga Hà Nội bởi vì nó cần thiết cho việc trung chuyển hành khách. Quy hoạch năm 2011 và gần đây nhất là quy hoạch hệ thống giao thông vận tải năm 2016 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vẫn giữ Ga Hà Nội là ga trung chuyển. Đây là ga kết nối một số tuyến đường sắt đô thị, tuyến đường bộ có vận tải hành khách công cộng. Vì vậy, việc di dời Ga Hà Nội là không phù hợp quy hoạch. Vấn đề là chỉ nên điều chỉnh lại chức năng Ga Hà Nội để không gây ách tắc thêm đối với Hà Nội. Quy hoạch này phải có tầm nhìn dài, chỉ khi nào đặt vấn đề xây dựng ga mới, lúc bấy giờ mới nêu chuyện giảm chức năng Ga Hà Nội.

Tôi nhấn mạnh lại là giảm chức năng, chứ không phải là di dời Ga Hà Nội.

PV: Ngoài lý do là không đúng quy hoạch, còn lý do nào nữa khiến ông không đồng tình với ý kiến đề xuất di dời Ga Hà Nội?

TS. Đào Ngọc Nghiêm: Bản thân Ga Hà Nội là công trình kiến trúc rất có giá trị. Ga Hà Nội đã được xác định là công trình di tích xây dựng trước năm 1954. Sau năm 1954 do chiến tranh phá hoại, chúng ta tiến hành cải tạo một số không gian, chỉnh trang mặt đứng Ga Hà Nội. Bản thân Ga Hà Nội là công trình có giá trị minh chứng cho thời kỳ phát triển sau Cách mạng tháng Tám gắn với kiến trúc từ thời Pháp xây dựng. Chính vì thế, chúng ta luôn phải đặt vấn đề bảo tồn. Khi làm quy hoạch chung cho Thủ đô Hà Nội năm 2011, nhiều đơn vị tư vấn, nhất là từ nước ngoài, đã đề xuất khôi phục lại Ga Hà Nội trở về nguyên trạng ban đầu thời Pháp nhưng các chuyên gia đã phản đối và đề nghị giữ nguyên như hiện nay. Vì nó là công trình di sản có giá trị nhưng được bảo quản, tích hợp với thời đại mới. Đấy là minh chứng cho chiến thắng Chiến tranh Phá hoại của đế quốc Mỹ nên phải được giữ lại. Tôi cho rằng không nên di dời Ga Hà Nội.

Hai là chức năng giao thông vận tải đã có của ga. Chỉ khi nào có ga đầu mối khác, chúng ta mới giảm chức năng của Ga Hà Nội được.

PV: Trước ý kiến đề xuất di dời Ga Hà Nội, nhiều người lo ngại sau khi thực hiện xong, đất ở đây có thể lại được cho xây nhà cao tầng, trung tâm thương mại. Lúc đó, mục tiêu giảm ách tắc như đề xuất có hiệu quả, thưa ông?

 TS. Đào Ngọc Nghiêm: Nếu di dời Ga Hà Nội mà lại cho xây nhà cao tầng vào thì sẽ không có hiệu quả giảm ách tắc cho thành phố. Tôi biết đã từng có những dự án nghiên cứu chức năng của khu vực xung quanh Ga Hà Nội gắn với toàn bộ khu vực dân cư Trần Quý Cáp, Hồ Văn. Các nhà tư vấn nước ngoài có tham gia, trong đó có cả các tổ chức nghiên cứu về giao thông có tính toán gắn kết, cải tạo, chuyển đổi chức năng để giảm bớt chức năng giao thông, gắn với cải tạo toàn bộ khu dân cư phía sau (khu Trần Quý Cáp, Hồ Văn). Tuy nhiên, dự án đó không được thành phố phê duyệt, vì có nhiều điểm bất cập so với quy hoạch, định hướng phát triển của Hà Nội. Nó sẽ làm ách tắc hơn. Các vấn đề này đã được đặt ra rồi.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
ĐỖ THƠM (thực hiện)
(ĐS&PL Chủ nhật, số 99)

Tin nổi bật