Ngày hoàn lương, gã giang hồ Cường “ba cu” chọn cuộc sống bình lặng với thu nhập ổn định từ quán cơm bình dân gần bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Chứng kiến những mảnh đời khốn khổ, Cường “ba cu” đều đặn phát cơm, sữa, tiền cho bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn hơn 4 ngày trong tuần. Những ngày giáp Tết, anh còn xoay xở cho bệnh nhân nghèo mua vé xe về quê vui xuân bên gia đình.
Đoạn tuyệt quá khứ
Gã giang hồ Cường “ba cu” (tức Nguyễn Thanh Cường, 48 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) mê câu cá giải trí và tính rất nghệ sĩ. Chứng kiến bệnh nhân nghèo chống chọi bệnh tật tại bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, gã giang hồ một thuở luôn tìm cách cho bệnh nhân những bữa cơm có thịt, có sữa uống, có tiền để đóng viện phí.
Gặp anh tại quán cơm, Cường “ba cu” chia sẻ: “Tôi đang mắc nhiều bệnh, ăn cơm không nổi phải uống sữa. Lúc trước chưa bệnh, tôi phát cơm nguyên tuần, bây giờ bệnh quá phải rút lại từ từ. Tết vừa rồi, tôi tính nghỉ không phát cơm nữa, mệt quá chịu không nổi nhưng thương bệnh nhân nên ráng nấu”.
Anh uống ngụm sữa, rồi nói tiếp: “Ngày xưa, tôi cũng cao lớn, tướng tá ngon lành mà giờ bệnh tật cũng teo tóp hẳn. Có vậy, mình mới biết thương những người nghèo mang bệnh, không tiền chạy chữa”. Rồi anh chậm rãi nhắc lại chuyện cũ: “Thời của tôi cùng thời với Bình Kiểm nhưng tôi không đâm chém mà chỉ cờ bạc, đề đóm. Tôi không dính vô gái gú nhưng lại vướng ma túy hơn 10 năm. Tôi bị buộc phải chơi thứ đó, chứ dính vào nó bán nhà bán cửa, khổ lắm. Sau này, tôi quyết tâm nếu không bỏ được ma túy thì chết thôi sống làm gì cho khổ. Thế rồi, tôi dùng rượu để cai ma túy. Mỗi lần lên cơn nghiện, tôi uống rượu cho bớt nhức xương. Không có thuốc nào cai được ma túy chỉ có lý trí của mình mới thắng được nó. Cứ thế, mỗi lần lên cơn, tôi lại uống rượu. Uống hết nổi, tôi lấy rượu tắm, giội lên đầu cho rượu thấm vào da. Có hôm, tôi rửa mặt cũng bằng rượu, nên lúc nào người cũng nồng nặc mùi rượu, thậm chí chưa uống đã say. 5h sáng mỗi ngày, tôi đi chợ, ghé quán cháo lòng đầu chợ uống 1 lít, trưa về làm nửa lít, tối làm thêm nửa lít. Khi cai ma túy thành công, tôi chuyển qua nghiện rượu nặng. Đến nay, tôi mắc nhiều bệnh, uống hết nổi mới bỏ rượu”.
Mỗi ngày, anh Cường lại đánh xe chở cơm ra trước Bệnh viện Ung Bướu để phát miễn phí cho người nghèo. Ảnh: Thanh niên |
“Hồi trước, tôi bị bắt đi tù hoài. Đi một thời gian về lại quen đường cũ rồi đi tiếp. Vào tù phải “nổ phòng”, giành giật cuộc sống dã man lắm. Tôi giang hồ thuộc dạng làm ăn đề đóm thôi, còn giang hồ bảo kê, đâm chém có số má lớn, mới đáng sợ. Lúc đó, tôi chỉ là cắc ké lôm côm, không phải dạng giang hồ chuyên nghiệp. Tôi đi tù 4 lần. Hai lần đầu, tôi cướp lặt vặt, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng nên bị bắt. Sau đó, tôi bị bắt liên quan đến tổ chức đánh bạc, đánh đề”, anh Cường nhớ lại.
Anh Cường hóm hỉnh, lúc còn nhỏ, mỗi lần đánh thắng người ta, anh thích lắm. Ban đầu đánh trong trường, lên cấp ba không đánh trong trường nữa mà ra ngoài đánh. Khi được 26 - 27 tuổi, anh còn hung hăng lắm, đàn em mình có, súng mình có, tiền mình cũng có nên đâu ngán ai. Từ 1994 – 1997, thời điểm đó, anh làm ăn cực thịnh. Khách sang cỡ mấy vào vũ trường Đại Nam cũng chỉ dám uống bia, mà anh lại dám uống rượu. Rượu thời đó rất đắt tiền, quán bán 1,9 triệu đồng/chai, 2 chai 3,8 triệu đồng. Một lượng vàng thời đó cũng chỉ mới 3,5 triệu đồng nhưng cứ một đêm, anh uống 2 chai rượu, xem như tiêu hết 1 lượng vàng. Lúc em vợ làm đám cưới, anh bỏ hẳn 10 lượng vàng mướn ban nhạc đánh cho vui.
“Thế nhưng, cái gì cũng có giá của nó. Xưa tiền nhiều nhưng phải đối phó với nhiều thứ, tù tội rình rập cứ một năm ngoài đời thì một năm trong tù. Còn giờ, tôi bán cơm tà tà, bán buôn lời lãi chỉ đủ sống mà vui, còn dư ra chút đỉnh thì đem đi cho bà con nghèo. Con cái lớn hết rồi nay còn gì đáng lo đâu. Cuộc sống của tôi bây giờ nhẹ nhàng, không phải lo lắng, nghĩ suy gì nhiều”, anh Cường cho biết.
Có gì phát nấy: Cơm, tiền, sữa, bánh mì...
Anh Cường tâm sự: “Biết chúng tôi nấu cơm phát cho bệnh nhân, những người bán nguyên liệu cho tôi cũng bớt lại chút tiền lời. Một ngày, chúng tôi phát khoảng 500 phần cơm có thịt. Nấu lai rai từ 12h trưa cho đến giờ phát. Hiện tại, tôi phát lúc 15h, trước đây phát lúc 15h chiều nhưng công an xuống nói phát đôn giờ lên, khoảng 16h đi. Tuy nhiên, phát lúc 16h vẫn gây kẹt xe nên tôi đôn lên thêm 1 tiếng thành ra phát lúc 15h.
Nhắc đến lý do phát tâm làm việc thiện, gã giang hồ có tính nghệ sĩ, đa cảm chợt trầm tư: “Nhà tôi có đến 4 người mắc bệnh ung thư. Mẹ ung thư, vợ ung thư, một người thân trong họ hàng cũng bị ung thư, chính tôi cũng không tránh khỏi. Vợ tôi bị ung thư phổi từ 2 năm trước, mẹ tôi thì bị mười mấy năm nay. Ung thư không chữa khỏi được đâu, mà chỉ kéo dài sự sống được năm nào thì hay năm ấy thôi. Tôi vô nằm viện mới thấy cám cảnh éo le. Rồi, mỗi lần đi thăm người thân nằm viện, chứng kiến nhiều mảnh đời khác, tôi cầm lòng không được. Nhìn thấy cảnh ấy, tôi thương lắm, chịu không nổi. Nhà mình có điều kiện còn thấy mệt mỏi, chứ nói chi những người nghèo khổ hơn. Vô đó, tiền ăn còn không có thì lấy tiền đâu mà mua thuốc”.
“Ban đầu, tôi phát cơm chay, chỉ phát 100 hộp mỗi ngày nhưng dần dà, người ta xin nhiều nên tôi phát thêm. Một hôm, có người bệnh tìm đến tôi xin cơm mặn, họ nói họ thèm ăn đùi gà, cá kho. Nghe họ xin mà tôi rớt nước mắt, đàn ông, giang hồ nữa, mà có kịp chặn nước mắt lại. Từ đó, tôi chuyển qua phát cơm có thịt, cũng được hơn 6 năm rồi”, anh Cường xúc động chia sẻ.
Trước đây, có thời gian, vợ chồng anh còn vô tận phòng bệnh cho tiền bệnh nhân và nhờ người tìm những trường hợp nặng để cho tiền. Sau này, anh không dám vô nữa, bởi vô đó cho tiền người này mà không cho tiền người khác, anh cầm lòng không nổi. Người bệnh nào cũng có hoàn cảnh bi đát, nhiều cảnh đời kể ra không ai tin được.
“Hôm rồi, một ông già đi rẫy bị gẫy xương sườn nằm liệt một chỗ. Ông có đứa con gái cũng hơn 50 tuổi, bị ung thư phổi nằm bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Tôi nghe tin về hoàn cảnh của gia đình nên cầm 10 triệu đồng vào thăm thì được biết bệnh viện trả chị ấy về, không biết hai cha con đi đâu về đâu”, anh Cường đặt tay lên ngực trái khi nhắc đến một hoàn cảnh đau lòng.