Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận về mức giá trần đối với dầu mỏ của Nga trong khoảng 65-70 USD/thùng. Theo đó, các quốc gia thành viên EU đang xem xét đề xuất của Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) nhằm đạt được sự đồng thuận về vấn đề trên, tuy nhiên nhiều nước EU hiện vẫn đang bất đồng quan điểm.
Theo nhà ngoại giao EU, các nước Ba Lan, Litva và Estonia cho rằng mức giá đề xuất từ 65-70 USD/thùng vẫn là quá cao và muốn giảm xuống bằng mức chi phí sản xuất, trong khi Cyprus, Hy Lạp và Malta cho rằng mức giá này quá thấp.
Theo Bloomberg, mức giá trần được nhóm G7 đưa ra cao hơn nhiều so với chi phí sản xuất dầu mỏ của Nga và cao hơn với một số quốc gia từng bị áp giá trần. Do Nga đã bán dầu thô của mình với giá chiết khấu, nên mức trần cao có thể tác động tối thiểu đến giao dịch.
EU xem xét áp giá trần dầu mỏ nhập khẩu từ Nga. Ảnh: Bloomberg.
Đại sứ của các nước thành viên EU có cuộc họp ngày 23/11 (giờ địa phương) với mục đích phê duyệt cơ chế giới hạn và mức giá đề xuất với dầu mỏ của Nga. Đề xuất cần sự ủng hộ của tất cả các quốc gia thành viên để được phê duyệt.
Simone Tagliapietra, một thành viên cấp cao tại viện nghiên cứu Bruegel ở Brussels (Bỉ), cho biết: "Dầu của Nga hiện đang được giao dịch ở mức chiết khấu đáng kể so với dầu Brent, khoảng 65 USD/thùng. Nếu mức giá trần G7 áp cho Nga ở mức tương tự, điều đó sẽ không gây thiệt hại nhiều cho Nga".
Giá trần sẽ ngăn cản các công ty cung cấp vận chuyển và dịch vụ, chẳng hạn như bảo hiểm, môi giới và hỗ trợ tài chính, cần thiết để vận chuyển dầu của Nga đến các nơi trên thế giới trừ khi dầu được bán dưới ngưỡng giá đã thỏa thuận.
Đề xuất được đề xuất bởi G7 có hai mục tiêu chính: giữ cho dầu của Nga lưu thông để tránh tăng giá toàn cầu, đồng thời hạn chế doanh thu của Moscow.
EU cũng đã đề xuất bổ sung một số thời gian ân hạn và thu hẹp đáng kể các hình phạt đối với điều khoản vận chuyển. Hầu hết các quốc gia G7 và EU có kế hoạch ngừng nhập khẩu dầu thô của Nga trong năm nay.
Bích Thảo (Theo Bloomberg)