Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin, chia sẻ với các phóng viên rằng những nỗ lực của phương Tây nhằm áp đặt giá trần khí đốt của Nga đã "vi phạm quy chế thị trường", hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin ngày 19/12 (giờ địa phương).
Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết: "Đây là sự vi phạm quy trình định giá thị trường và xâm phạm tiến trình thị trường. Bất kỳ đề cập nào đến giá trần đều không thể chấp nhận được".
Ông Dmitry Peskov lưu ý thêm rằng, Nga sẽ cần thời gian để cân nhắc những ưu, nhược điểm và chọn cách đáp trả các lệnh trừng phạt khí đốt mới.
"Quy trình phản ứng liên quan đến dầu mỏ hơi kéo dài. Tuy nhiên, Nga sẽ công bố phản ứng với động thái áp giá trần dầu mỏ và điều tương tự với khí đốt sẽ xảy ra", ông Peskov nói.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: TASS.
Trong ngày 19/12, các Bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) đã vượt qua nhiều tháng tranh cãi để thống nhất mức giá trần đối với khí đốt tự nhiên trong khối, AFP đưa tin.
Theo đó, giá trần được cố định ở mức 180 Euro (khoảng 191 USD) mỗi megawatt giờ. Tuy nhiên, mức giá này kèm theo các điều kiện và lời cảnh báo từ Uỷ ban châu Âu (EC) rằng họ có thể đình chỉ biện pháp này nếu "rủi ro lớn hơn lợi ích".
Mục đích của việc giới hạn giá khí đốt được giao dịch trong EU nhằm mục đích giảm thiểu tình trạng khủng hoảng năng lượng do chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine gây ra. Mức giá trần được EU áp với dầu của Nga dự kiến áp dụng từ ngày 15/2/2023 và kéo dài trong một năm.
Các nước EU lo ngại sẽ khó đổ đầy các bể chứa khí đốt kịp thời cho mùa đông tới.
Các thành viên EU chịu áp lực trong việc áp dụng mức trần giá khí đốt và thực hiện các biện pháp khác để giảm thiểu khủng hoảng năng lượng. Ảnh: AFP.
Châu Âu có nguồn cung cấp năng lượng cần thiết để có thể hoạt động trong suốt cả năm nhưng năm 2023 có thể là "một kịch bản khác". Đây là lời cảnh báo được đưa ra trong cuộc họp báo chung của Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, hôm 12/12.
Theo đó, một báo cáo mới từ IEA cho thấy châu Âu có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên, khoảng 27 tỷ mét khối vào năm 2023. Con số này tương đương với gần 7% mức tiêu thụ hàng năm của khu vực này.
Theo CNN, ba nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt năng lượng tại châu Âu bao gồm: Nga, quốc gia đã gửi khoảng 60 tỷ mét khối khí đốt tới EU trong năm 2022, có thể ngừng hoàn toàn dòng chảy vào năm tới; mùa đông lạnh giá đã bao trùm các quốc gia Bắc Âu; thị trường khí đốt tự nhiên có thể bị rung chuyển nếu nền kinh tế Trung Quốc tăng tốc trở lại khi các hạn chế COVID-19 được dỡ bỏ.
Trong đánh giá của mình, IEA nhận thấy việc thiếu hụt khoảng 57 tỷ mét khối khí đốt có thể sẽ xuất hiện vào năm 2023. Trong số đó, 30 tỷ mét khối có thể được bảo vệ do tích cực dự trữ và nỗ lực tự nguyện giảm 15% nhu cầu khí đốt trong khoảng thời gian từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023.
Tuy nhiên, điều này vẫn có thể để lại thâm hụt. Thử nghiệm của IEA giả định rằng dòng khí đốt qua đường ống của Nga đến châu Âu ngừng hoàn toàn từ đầu năm 2023, lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu của Trung Quốc trở lại mức của năm 2021 và các cơ sở lưu trữ của châu Âu chỉ đạt mức 30% vào cuối mùa đông này.
Bích Thảo (Theo TASS, AFP)