Bộ phim “Em bé Hà Nội” do đạo diễn Hải Ninh thực hiện, khởi quay từ mùa hè năm 1973 và công chiếu vào năm 1974. Phim xoay quanh câu chuyện của em bé Ngọc Hà (NSND Lan Hương) bị lạc gia đình trong một trận dội bom. Ngọc Hà đi tìm bố mẹ giữa khung cảnh hoang tàn của thành phố, được đoàn tụ em gái nhưng mẹ đã mãi mãi ra đi.
“Em bé Hà Nội” tái hiện sự tàn khốc của chiến tranh, đồng thời cho thấy tình người nồng hậu, đoàn kết giữa khó khăn. Bộ phim trở thành một trong những tác phẩm điện ảnh cách mạng kinh điển, tái hiện thành công nhất, xúc động nhất hình ảnh Thủ đô Hà Nội sau cuộc chiến 12 ngày đêm lịch sử.
Sự thể hiện chân thực của dàn diễn viên góp phần tạo nên sức sống cho tác phẩm. Bộ phim đã được nhận giải thưởng Bông sen vàng cho "Phim hay nhất" tại Liên hoan phim Việt Nam lần ba năm 1975, giải đặc biệt của ban giám khảo Liên hoan phim quốc tế Moscow cùng năm.
NSND Lan Hương vào vai Ngọc Hà trong bộ phim "Em bé Hà Nội" khi mới 10 tuổi. Ảnh: Dân Trí
Theo báo Dân Trí, thời điểm vào vai Ngọc Hà, NSND Lan Hương mới 10 tuổi. Từ những ký ức kinh hoàng chân thực về trận ném bom mùa đông năm 1972, khi được chọn vào vai diễn này, bà đã diễn bằng tất cả cảm xúc thật, tình cảm thật.
Nét diễn trong trẻo, giàu cảm xúc của bà đã ghi dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả. Sau hơn 5 thập kỷ, công chúng vẫn mãi nhớ và gọi nữ nghệ sĩ là “em bé Hà Nội”.
Trước khi đóng phim, NSND Lan Hương là cô bé nhút nhát. Thời điểm bà mới 3-4 tuổi, trong một lần đi qua khu Hoàng Hoa Thám, đạo diễn Hải Ninh đã bắt gặp bà và ấn tượng bởi đôi mắt đặc biệt.
Khi làm dự án “Em bé Hà Nội”, đạo diễn Hải Ninh tìm kiếm nhiều diễn viên nhí, cuối cùng bỗng nhớ đến cô bé có đôi mắt ấn tượng năm nào. Ông đến khu tập thể Kim Liên nơi NSND Lan Hương sống cùng bố mẹ và thuyết phục bà nhận vai.
Nét diễn trong trẻo, giàu cảm xúc của bà đã ghi dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả. Ảnh: Dân Trí
NSND Lan Hương tâm sự, bà còn vẹn nguyên mọi ký ức khi tham gia dự án. Bà cho biết thêm rằng, bản thân diễn bằng tất cả sự sợ hãi vốn có.
"Có những cảnh đã vận vào đời tôi sau này. Ví dụ như cảnh em bé Ngọc Hà đứng trước cửa hàng thực phẩm và nói với cô cửa hàng ‘Cô đừng gạch tên mẹ cháu, em cháu’. Nhiều người khen cảnh ấy tôi diễn tốt nhưng thực sự, tôi chỉ diễn theo lời bác Hải Ninh thôi, tôi chẳng hiểu gì. Tôi còn quá nhỏ để hiểu hết. Tôi không ngờ, câu chuyện ấy đã vận vào cuộc đời tôi sau này", bà nói.
Nữ nghệ sĩ cũng bộc bạch: "Khi con gái tôi 5 tuổi, vợ chồng tôi ly thân (cuộc hôn nhân đầu tiên), con gái ra nước ngoài sống với bố, vì cuộc sống của tôi khi ấy quá nghèo khổ, vất vả. Thời gian đó, chuyện hộ khẩu quản lý rất chặt. Tôi đã phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều để tên con gái tôi vẫn có trong hộ khẩu gia đình đến tận bây giờ.
Chỉ là cái tên trong cuốn sổ hộ khẩu nhưng tôi có cảm giác, khi tên con gái còn ở đó, nghĩa là cháu chỉ đi xa đâu đó thôi, và cháu sắp về. Lúc ấy, ngồi xem lại Em bé Hà Nội, tôi mới thấm thía cảnh Ngọc Hà khóc và nói với cô cửa hàng thực phẩm ‘Cô đừng gạch tên mẹ cháu, em cháu...’".
Theo tạp chí Thanh Niên Việt, NSND Lan Hương sinh năm 1963 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi, bà trúng tuyển lớp diễn viên Khoá I của Nhà hát Tuổi trẻ cùng những tên tuổi lớn sau này của Nhà hát như NSND Lê Khanh, NSƯT Chí Trung, NSND Anh Tú...
"Gia đình không muốn tôi theo nghề diễn viên nhưng tôi phải đi bằng được. Đó là sự tự do của bản thân tôi. Mẹ mong muốn tôi làm công việc gì bứt phá hơn, điển hình là nghiên cứu về ngôn ngữ hoặc bác sĩ. Nhưng tôi thì không thể", nữ diễn viên cho hay.
NSND Lan Hương kể cột mốc đánh dấu sự bứt phá của mình chính là việc bỏ nhà đến nhà hát để ở. "Một hai năm sau, 'đất không chịu trời thì trời phải chịu đất', mẹ tôi bắt buộc phải đồng ý nhưng mẹ không thích", bà chia sẻ.
Nhan sắc NSND Lan Hương thời trẻ. Ảnh: Thanh Niên Việt
Sau bộ phim “Em bé Hà Nội” và một số dự án khác, NSND Lan Hương dành toàn bộ tâm huyết cho sân khấu kịch. Từ năm 2002, bà theo học ngành đạo diễn sân khấu. NSND Lan Hương cũng là một trong số ít diễn viên gắn bó với kịch hình thể, từng là Trưởng đoàn kịch hình thể của Nhà hát Tuổi trẻ.
Vào năm 2007, NSND Lan Hương được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Đến năm 2017, bà trở lại màn ảnh nhỏ với vai diễn trong bộ phim “Sống chung với mẹ chồng”.
Ở tuổi hưu, NSND Lan Hương cho biết vẫn giảng dạy tại trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Đây là một trong những đại học nghệ thuật Hà Nội lâu đời ở Việt Nam, chịu trách nhiệm đào tạo và bồi dưỡng các học viên có năng khiếu thuộc các lĩnh vực như: Sáng tác, Biểu diễn, Lý luận – Phê bình, Nghiên cứu, Kinh tế – Kỹ thuật và Công nghệ của các ngành Điện ảnh, nghệ thuật Sân khấu và Truyền hình.
Ngẫm lại cuộc đời, NSND Lan Hương nói không còn nuối tiếc điều gì, chỉ mong được làm một phim điện ảnh nữa.
NSND Lan Hương và NSƯT Tất Bình. Ảnh: Dân Trí
Về đời tư, bà sớm kết hôn ở tuổi 18 và chia tay khi mới ngoài 20. Sau đó, nữ nghệ sĩ tái hôn với NSƯT Tất Bình - người hơn bà 14 tuổi.
Thời điểm yêu và chung sống cùng NSƯT Tất Bình, cặp đôi bị nhiều dèm pha, nói "không biết sống với nhau được bao lâu". Bỏ ngoài tai dư luận, họ đã đi cùng nhau hơn 30 năm, nhường nhịn và vun đắp cho tổ ấm.