Đắk Nông là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ kết nối khu vực Tây Nguyên và miền đông nam bộ, Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Đắk Lắk; Phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh Lâm Đồng; Phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Bình Phước; phía Tây giáp Vương quốc Campuchia, với 141 km đường biên giới.có nhiều lợi thế phát triển công nghiệp, nông nghiệp và du lịch.
Hiện nay, trữ lượng bô xít của Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới, trong khi đó Đắk Nông chiếm tới 60% trữ lượng của cả nước. Đây được coi là lợi thế tự nhiên đặc biệt quan trọng trong việc thu hút phát triển ngành công nghiệp alumin, luyện nhôm, chế biến sâu sản phẩm từ nhôm và các ngành phụ trợ khác.
Về năng lượng tái tạo, Đắk Nông có tổng số giờ nắng cao, đạt từ 2.000-2.600 giờ/năm. Bức xạ mặt trời trung bình 150 kcal/m2, chiếm khoảng 2.000-5.000 giờ/năm; hướng gió thịnh hành mùa mưa là Tây Nam, hướng gió thịnh hành mùa khô là Đông Bắc, tốc độ gió bình quân 2,4 -5,4 m/s. Đây được đánh giá có tiềm năng, lợi thế lớn để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.
Tỉnh Đắk Nông có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 650.000 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp trên 366.000 ha, chiếm hơn 56% tổng diện tích đất tự nhiên. Các loại đất của Đắk Nông khá phong phú và đa dạng với 09 nhóm đất chính, nhưng chủ yếu đất đỏ bazan (đất đỏ vàng) chiếm trên 80% diện tích. Mạng lưới sông suối, hồ ao dày đặc rất thuận tiện cho việc cung cấp nước cho các ngành kinh tế và sinh hoạt dân cư.
Với độ cao trung bình 700m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình năm của tỉnh Đắk Nông là 22-26oC, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, cộng với nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp, gắn với các di tích lịch sử và nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, đã tạo cho Đắk Nông một sức hút mới về phát triển du lịch, nghỉ dưỡng trên cao nguyên đại ngàn.
Bên cạnh đó, Đắk Nông được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, hùng vỹ, với nhiều thác nước đẹp như thác Đray Sáp, Gia Long, Trinh Nữ, Đắk G’Lun, Đắk Buk So, Năm Tầng... Tất cả là những tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch thể thao mạo hiểm, sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí… Đặc biệt, hồ Tà Đùng được mệnh danh “Hạ Long trên Tây Nguyên" rộng hơn 3.700ha với hơn 40 hòn đảo lớn nhỏ, công viên địa chất Đắk Nông được tổ chức UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.
Chia sẻ với PV Đời sống& Pháp luật, ông Hồ Văn Mười - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: “ Chúng tôi xác định, thời gian tới, việc đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch chính là hướng đi để Du lịch Đắk Nông đến gần hơn với du khách trong nước và quốc tế. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung vào việc phát triển một số sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm tận dụng tối đa lợi thế tài nguyên du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Đây là những sản phẩm du lịch địa chất có tính độc đáo, riêng biệt, có giá trị đặc thù về địa chất, địa mạo, khảo cổ, đa dạng sinh học, văn hóa đặc trưng, văn hóa truyền thống, ẩm thực truyền thống của dân tộc bản địa; là loại hình du lịch mang đến cho du khách những trải nghiệm du lịch thú vị”.
Cũng theo ông Mười, hiện nay, tỉnh đang khảo sát sơ bộ để xây dựng tuyến du lịch thứ 4, hứa hẹn sẽ góp phần quan trọng trong việc mở rộng không gian du lịch của khu vực Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, đem lại một luồng gió mới đến với những du khách yêu khám phá.
Bên cạnh đó, Đắk Nông sẽ tiếp tục duy trì và làm mới các sản phẩm du lịch truyền thống như: du lịch cộng đồng; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp… Chúng tôi kêu gọi đầu tư Dự án Khu du lịch hồ Tà Đùng và đang triển khai quy hoạch với hơn 23.500ha; cung đường xuyên rừng tự nhiên gần 100km rất đẹp với rừng tự nhiên và những rừng thông, suối, thác nước.
Năm ngoái, trong chương trình “Khát vọng Đắk Nông”, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười đã đặt ra câu hỏi tại sao thời gian qua, các doanh nghiệp, nhà đầu tư tới Đắk Nông rồi đi, không ở lại? Trong khi, địa phương đang có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển?
Với tinh thần thẳng thắn, cầu thị đưa ra câu hỏi đó chứng tỏ hơn ai hết vị lãnh đạo này hiểu được thực trạng của địa phương.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm khi đến đầu tư tại Đắk Nông. Trong đó, có các điều kiện như bảo đảm về an ninh trật tự, môi trường đầu tư, sức khoẻ...
Về cải cách hành chính, tỉnh Đắk Nông sẽ quyết tâm tạo dựng một cơ chế thông thoáng nhất đối với doanh nghiệp. Chính quyền Đắk Nông sẽ luôn luôn thấu hiểu, luôn luôn sẻ chia và luôn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng kêu gọi chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Nông, nhất là lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, xã, phường, thị trấn cùng đồng hành với doanh nghiệp, đồng hành với chính quyền, đồng hành với lãnh đạo trong việc kêu gọi những nhà đầu tư đến và ở lại cùng Đắk Nông xây dựng và phát triển.
Bằng sự nỗ lực và quyết liệt, đến nay đã mang lại nhiều kết quả tích cực, trong thời gian tới, tỉnh Đắk Nông sẽ tập trung thu hút các dự án đầu tư trọng điểm, có sức lan tỏa như: Dự án Cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); Khu Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hồ Đắk R’Tih; Khu du lịch sinh thái -Văn hóa Tà Đùng huyện Đắk G’Long; Các nhà máy cơ khí, chế biến bô xít, sản xuất nhôm; Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Nhân Cơ 2; Các dự án điện năng lượng tái tạo...
Trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, định hướng trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung phát triển ba trụ cột, ba đột phá và thu hút đầu tư.
Ba trụ cột gồm: Thứ nhất: Phát triển công nghiệp alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), xây dựng Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia.
Thứ hai: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị; phát triển kinh tế rừng, trồng và chế biến dược liệu; tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Thứ ba: Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên về cảnh quan, thời tiết, khí hậu, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng với du lịch sinh thái.
Ba đột phá: Thứ nhất: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trước hết là đẩy mạnh cải cách hành chính.
Thứ hai: Xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, ưu tiên đầu tư xây dựng, mở rộng hạ tầng giao thông trọng điểm nội tỉnh, kết nối các điểm du lịch và hạ tầng trung tâm đô thị.
Thứ ba: Phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống chính trị, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và nguồn nhân lực trong các ngành, lĩnh vực là trụ cột phát triển kinh tế của địa phương.
Với lợi thế là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, tài nguyên khoáng sản dồi dào, nhiều danh lam thắng cảnh, cùng với đó là sự nỗ lực vào cuộc quyết liệt của của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Nông. Như vậy có thể nói Đắk Nông đang ở thế “Thiên thời- Địa lợi- Nhân hòa” tạo đà cho “cất cánh”.
Thực hiện: Hoàng Hà
DOISONGPHAPLUAT.COM |