Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Duy trì doanh nghiệp giữa “bão COVID-19”: Có thể hoạt động nếu tiêm đủ 2 mũi vaccine

  • Hiếu Nguyễn
(DS&PL) -

Nhiều ý kiến cho rằng, nên tạo điều kiện cho những người đã tiêm đủ 2 liều vaccine được đi làm việc...

Bất đắc dĩ mới làm việc online

Dịch COVID-19 đã khiến một số doanh nghiệp lao đao, phá sản. Hệ quả của nó khiến cho hàng nghìn người lao rơi vào tình trạng thất nghiệp. Để duy trì hoạt động doanh nghiệp, nhiều nơi đã áp dụng cho doanh nghiệp đăng ký sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” (3T). Tuy nhiên, ngay cả đã đăng kí nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không đạt tiêu chuẩn mà đơn vị phòng chống dịch đặt ra, buộc phải tạm ngưng hoạt động, cho dù có những công ty có công nhân và bộ phận điều hành đã tiêm 1, thậm chí tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19.

Tại TP. HCM, nhiều doanh nghiệp ở đây gần như “đóng cửa” theo đúng nghĩa đen vì nhân viên không được đến cơ quan làm việc, trụ sở công ty thì cửa đóng then cài. Đại diện một tập đoàn tại TP.HCM cho biết, thực hiện chủ trương giãn cách của TP.HCM, cả tháng nay từ người đứng đầu đến nhân viên của Tập đoàn phải nghỉ việc. Do công việc không thể đình trệ nên một bộ phận được giao làm online tại nhà. Tuy nhiên, việc điều hành công ty qua màn hình máy tính, đánh giá công việc bằng hình thức online chỉ là cách làm “vạn bất đắc dĩ”. “Nhìn chung công ty không phải là một không gian ảo, mà có các cơ sở vật chất riêng. Vấn đề điều hành, quản trị và quản lý suy cho cùng vẫn phải quy về không gian và con người thật. Chính vì vậy, người đứng đầu doanh nghiệp, CEO nên được quay trở lại công việc sau khi đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đủ 2 mũi”, đại diện doanh nghiệp này cho biết. Được biết, do bị hạn chế đi lại nên cả toà nhà văn phòng của Tập đoàn này đóng cửa cả tháng nay, không có ai đến dọn dẹp, thiết bị, đồ đạc bắt xuống cấp, hỏng hóc, các giao dịch kinh tế đình trệ, dừng hẳn, thiệt hại vô cùng to lớn.

Được biết, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc và các cán bộ chủ chốt của tập đoàn này cũng như nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn TP.HCM đã được tiêm đủ 2 liều vaccine. “Chúng tôi mong muốn những ai đã tiêm đủ liều vaccine thì nên nghiên cứu để họ được đi làm, đặc biệt là người đứng đầu doanh nghiệp để họ kịp thời điều hành, xử lý công việc kịp thời, tránh để công ty phá sản. Dù công ty đã có nhiều người tiêm đủ liều vaccine  nhưng do hạn chế đi lại nên nhân viên không thể đến ngân hàng để giao dịch, nợ đế ngày phải trả không thực hiện được nên bị ngân hàng cho “nhảy nhóm”, khó khăn chồng chất khó khăn”, đại diện Tập đoàn này cho biết.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, có thể thí điểm để các doanh nghiệp có lãnh đạo và nhân viên tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 đến trụ sở để duy trì hoạt động trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp để ổn định, phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Thanh Tùng – Giám đốc công ty TNHH TTA cho biết: “Vừa sản xuất, vừa chống dịch nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Người lao động mặc dù ở lại doanh nghiệp có phần an tâm nhưng còn nhiều nỗi lo về gia đình, đặc biệt là những công nhân có con nhỏ. Chúng tôi gặp khó khăn về việc thúc đẩy sản xuất do thiếu nguyên vật liệu cũng như đưa hàng hóa ra thị trường”. Theo ôn Tùng, việc tiêm vaccine phòng COVID – 19 cần có sự tính toán hợp lý. Những người đã được tiêm mũi 1, cần sớm được được tiêm hoàn thành mũi 2 để người lao động yên tâm đi làm. Chỉ có tiêm đủ vaccine và cho họ đi làm thì mới có thể giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đồng ý với quan điểm trên, ông Kiều Xuân Vinh – Phó Giám đốc Cổ phần Công nghệ kĩ thuật VINABUILD cho rằng, sự thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương đã khiến các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo… “khó chồng khó”.

“Nếu không có giải pháp giúp doanh nghiệp sớm quay trở lại sản xuất, tình trạng doanh nghiệp lâm phá sản dẫn tới lượng lớn người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp sẽ liên tục xảy ra. Chính vì vậy, doanh nghiệp đang rất cần được các cơ quan chức năng hỗ trợ để người lao động được ưu tiên tiêm ngừa COVID-19 nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho đội ngũ sản xuất, đồng thời kiểm soát dịch bệnh để thực hiện mục tiêu kép”, ông Vinh nhấn mạnh.

Một số ý kiến cho biết, hiện nay TP.HCM có gần 500.000 doanh nghiệp hoạt động, do đó nên xem xét phân bổ vaccine cho những người đứng đầu như Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT, cán bộ chủ chốt… những người này khi tiêm đủ liều thì tạo điều kiện cho họ đến công ty, được đi giao dịch những việc cần thiết để đảm bảo duy trì hoạt động của doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho nhân công vì đây là nguồn lực rất lớn trong phát triển kinh tế của đất nước.

Đường phố Sài Gòn không một bóng người. Nhiều chuyên gia đề xuất nên để những doanh nhân đứng đầu doanh nghiệp, những người được tiêm đủ 2 mũi vắc xin được đến công ty làm việc.

Nên cho người tiêm đủ 2 mũi vaccine được đi làm

Dưới góc nhìn của một chuyên gia có nhiều năm theo dõi nền kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ông cảm nhận được sự ảm đạm trong bức tranh tài chính của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

“Không chỉ sa sút về kết quả kinh doanh, nhiều chủ doanh nghiệp còn đau đầu với bài toán nhân sự khi người lao động ồ ạt bỏ việc về quê. Bên cạnh đó rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang thực sự hoang mang trước nguy cơ phá sản”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Trước tình trạng này, TS Nguyễn Trí Hiếu tán thành và hoàn toàn ủng hộ ý tưởng cho người lao động trở lại làm việc sau khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. “Tôi thấy đề xuất này rất tốt. Những người đứng đầu doanh nghiệp như Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc và các lao động tiêm đủ 2 mũi vaccine và đã trải qua một khoảng thời gian đủ để cơ thể sinh ra kháng thể thì nên đi làm lại. Đây là việc làm cần thiết để họ có thể tiếp tục đóng góp vào công tác sản xuất”, ông Hiếu nêu ý kiến.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng lưu ý nhóm lao động này phải được kiểm soát chặt chẽ, làm việc trong một không gian an toàn. Thực tế, những người đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 không có nghĩa là họ sẽ hoàn toàn miễn nhiễm với virus SARS-CoV-2. Vì vậy, dù đã được tiêm chủng đầy đủ nhưng vẫn phải thực hiện nghiêm các quy trình kiểm soát, phòng chống dịch để bảo vệ cho mọi người.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính, cho rằng việc thí điểm cho phép người lao động được trở lại làm việc sau khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine là cần thiết, giúp khôi phục chuỗi cung ứng vốn đang bị đứt gãy.

“Cá nhân tôi thấy đề xuất hợp lý, không có vấn đề gì. Doanh nghiệp có thể tái sản xuất, thực hiện hợp đồng tồn đọng, từ đó tạo ra doanh thu, cũng như khẳng định uy tín đối với khách hàng trong nước và thế giới”, ông Thịnh nói rõ.

Cũng theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, người lao động là đối tượng được hưởng lợi khi có công ăn việc làm, thu nhập. Tạo điều kiện cho người đứng đầu doanh nghiệp cũng như người lao động được đi làm khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine là điều cần thiết. “Rõ ràng đây là đề xuất có lợi không chỉ cho doanh nghiệp, mà còn cả xã hội. Đây là điều ai cũng mong muốn tại điểm hiện dịch bệnh diễn biến phức tạp”, PGS.TS cho biết.

“Theo tôi, các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất, gia công công nghiệp là đối tượng thí điểm rất phù hợp. Bởi lẽ họ có đầy đủ cơ sở vật chất, dễ dàng ứng phó và kiểm soát công nhân hơn các doanh nghiệp khác”, giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính nhấn mạnh.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng khẳng định, doanh nghiệp đang rất cần được Nhà nước hỗ trợ, đưa ra các chính sách, chế tài để tái sản xuất. Dù vậy, ông nhấn mạnh cần đảm bảo yếu tố an toàn, không nên chủ quan, bỏ qua các quy tắc phòng, chống dịch.

Có thể thấy các doanh nghiệp đang có nguyện vọng được quay trở lại hoạt động duy trì sản xuất giữa lúc tình hình COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Mặc dù các Bộ, Ngành và địa phương đã đưa ra một loạt quy định như: 1 cung đường 2 điểm đến, sản xuất 3 tại chỗ... tuy nhiên những quy định này vẫn còn một số bất cập, nhất là khi số lượng lao động được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 ngày càng tăng. Vì vậy, các địa phương và các Bộ, ngành cần phải chủ động phối hợp, đưa ra các quy định phù hợp vừa để phòng, chống dịch COVID-19, vừa duy trì tiến tới khôi phục kinh tế trong trạng thái mới khi dịch vẫn còn diễn biến phức tạp.

 

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Hiếu Nguyễn – Khánh Ngân

Tin nổi bật