Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Dứt bỏ duyên nợ với bất động sản, bầu Đức mơ trở thành người trồng chuối hàng đầu châu Á

(DS&PL) -

Ông bầu phố núi Đoàn Nguyên Đức quyết định chia tay mảng bất động sản từng làm nên tên tuổi mình một thời, để trở thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu châu Á.

Kiên định trên con đường trở thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu châu Á, ông bầu phố núi Đoàn Nguyên Đức quyết định chia tay mảng bất động sản từng làm nên tên tuổi mình một thời.

Hết thời “ngồi trên đống tiền” từ bất động sản

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã CK: HAG) vừa công bố báo cáo thường niên năm 2018 trong đó khẳng định, năm 2019 là năm bản lề quan trọng để HAGL đi vào giai đoạn 2020 - 2025, phát triển bền vững, làm đòn bẩy đưa HAGL trở thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu châu Á vào năm 2025.

Bầu Đức quyết định chia tay mảng bất động sản để tập trung phát triển nông nghiệp.

Để thực hiện mục tiêu này, ngoài mở rộng diện tích cây ăn trái, chọn lọc danh mục sản phẩm hiệu quả và kiện toàn bộ máy quản trị, tập đoàn cho biết sẽ tập trung quản trị bằng ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở số hóa và cơ giới hóa cho tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp: Từ canh tác đến thu hoạch, vận chuyển, lưu kho, chế biến chuyên biệt theo nhóm cây ăn trái và cây công nghiệp, đặc biệt là ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Tuy nhiên, một chi tiết đáng lưu ý là thông tin về ý định thoái vốn khỏi dự án HAGL Myanmar - Dự án bất động sản lớn nhất mà HAGL đang triển khai. Lần đầu tiên kể từ khi niêm yết, thư gửi cổ đông của bầu Đức không còn nhắc tới bất động sản, lĩnh vực làm nên tên tuổi của ông và tập đoàn HAGL.

Báo cáo thường niên 2018 của HAGL cho hay: “Doanh thu cho thuê và cung cấp dịch vụ của dự án Hoàng Anh Myanmar tính đến 9/2018 là 709 tỷ đồng. Vào tháng 9/2018 THACO thông qua công ty con là công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh sở hữu 51% vốn của công ty Cổ phần Xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh để tiếp tục đầu tư vào giai đoạn 2 của dự án Hoàng Anh Myanmar Center. HAGL có kế hoạch thoái vốn”.

Trong cơ cấu ngành nghề của tập đoàn, mảng đầu tư kinh doanh bất động sản đã dần dần co cụm trong vài năm gần đây. Cụ thể, năm 2016 mảng này chỉ còn mang về 207 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 3,1% trong cơ cấu doanh thu); năm 2017 và 2018 các con số này lần lượt là 58 tỷ đồng (tỷ trọng 1,2% doanh thu) và 57 tỷ đồng (1,1% doanh thu).

Được biết, phần lớn mảng kinh doanh này chỉ còn xuất hiện ở phần dịch vụ cho thuê, chủ yếu từ khu phức hợp Hoàng Anh - Myanmar.

Trong tổng doanh thu 5.388 tỷ đồng của năm 2018, nguồn thu từ bất động sản là quá èo uột, trong khi mặt hàng chủ lực là trái cây mang về 2.897 tỷ đồng, ớt mang về 514 tỷ đồng... Thậm chí đàn bò mà bầu Đức xác định chỉ nuôi chủ yếu để lấy phân bón cây vẫn mang về 127 tỷ đồng, gấp 2 lần doanh thu bất động sản.

Vườn chuối của HAGL Agrico.

Dồn sức cho giấc mộng tỷ USD mới?

Nếu ý định thoái vốn khỏi dự án bất động sản lớn cuối cùng của ông Đoàn Nguyên Đức thành công, điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp của bầu Đức gần như sẽ không còn tham gia trong lĩnh vực bất động sản. Quyết định này cũng có ý nghĩa khép lại chu kỳ 7 năm tái cơ cấu của HAGL, với động lực cho tăng trưởng ban đầu là bất động sản và nay là cây ăn trái.

Trong bản cáo bạch niêm yết cổ phiếu lần đầu năm 2008, HAGL xác định lĩnh vực đầu tư và kinh doanh địa ốc là chủ lực trong ngắn hạn. Tập đoàn tự đánh giá có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc, đầu tư các dự án nhà ở, căn hộ cao cấp, văn phòng, HAGL khi đó khẳng định có tiềm năng về tài chính để triển khai cùng lúc nhiều dự án.

"HAGL có lợi thế là mua đất từ rất lâu với giá rẻ, có công ty xây dựng lớn, có nhà máy chế biến gỗ, đá Granite khép kín trong việc xây dựng căn hộ, nhờ vậy tạo ra giá thành cạnh tranh", báo cáo thường niên năm 2011 của HAGL nhận định.

Có thể nói, bất động sản chính là là hoạt động tạo nên tên tuổi của HAGL và cá nhân bầu Đức khi trong nhiều năm liền là lĩnh vực chiếm tỷ trọng chính, mang lại hàng nghìn tỷ đồng doanh thu cho công ty và đưa ông bầu phố núi lên ngôi vị số một khi lĩnh vực này còn ở thời hoàng kim (năm 2007-2008).

Chính ông Đức vào 10 năm trước từng chia sẻ bản thân có giai đoạn như ngồi trên “núi tiền” do nguồn thu từ bất động sản mang lại. Giai đoạn 2008-2012, lĩnh vực bất động sản và xây dựng đóng góp khoảng 3.000 tỷ doanh thu mỗi năm cho HAGL với danh mục trên 20 dự án, chủ yếu tại khu vực TP.HCM.

Tuy nhiên những năm sau đó, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, mảng kinh doanh này dần dần giảm dần sức ảnh hưởng trên báo cáo tài chính của HAGL.

Kết quả là năm 2014, tại báo cáo thường niên, Bầu Đức viết trong thư gửi cổ đông cho biết: "Đối với ngành bất động sản, HAGL đã tái cấu trúc mạnh mẽ và rút khỏi hoạt động ở thị trường Việt Nam”. Từ đó, trên các báo cáo tài chính của HAGL đã chứng kiến sự chuyển dịch khi mà mảng cây ăn trái, ớt, dịch vụ ngày càng lớn mạnh trong khi mảng chăn nuôi, cao su, bất động sản giảm dần.

Tập đoàn khi đó khẳng định không phát triển dự án nào tại Việt Nam mà chỉ tập trung vào khu phức hợp bất động sản tại Myanmar và đánh giá quốc gia Đông Nam Á này là "một thị trường mới mở có tiềm năng tăng trưởng tốt".

Tuy nhiên, sau cú bắt tay “môn đăng hộ đối” với tỷ phú Trần Bá Dương vào cuối năm 2018, cùng với việc HAGL để Thaco sở hữu 51% vốn tại công ty đầu tư dự án bất động sản tại Myanmar, bầu Đức đã lộ rõ ý đồ chia tay mảng bất động sản. Và nay, ý định thoái vốn thể hiện rằng ông bầu đã không còn chút mặn mà nào đối với lĩnh vực này.

Trong thời gian gần đây, HAGL của bầu Đức đã bớt khó khăn, doanh thu từ trái cây, đặc biệt là từ quả chuối tăng mạnh. Nhưng về tổng thể HAGL vẫn chưa thoát ra khỏi thời kỳ khó khăn, nợ nần kéo dài. Tài sản riêng của bầu Đức vẫn phải đem đi bảo lãnh.

Trong báo cáo gần nhất, kiểm toán tiếp tục nhấn mạnh sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn HAGL.

Một trong những điểm còn gây lo ngại trong báo cáo chính là khoản phải thu ngắn và dài hạn khổng lồ đối với nhóm An Phú, gồm tổng cộng 15 công ty với số tiền nợ lên tới gần 7,6 ngàn tỷ đồng. Kiểm toán vẫn tiếp tục đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với các khoản nợ này.

Đại gia “giấu mặt” nào vừa chi gần 1.000 tỷ đồng mua cổ phiếu của bầu Đức?

Phiên giao dịch ngày 22/4, cổ phiếu HNG của Hoàng Anh Gia Lai bất ngờ có giao dịch thỏa thuận đột biến, lên tới 70 triệu cổ phiểu. Trong đó xuất hiện 3 lệnh thỏa thuận với khối lượng lần lượt: 23.233.500 cổ phiếu, 23.233.500 cổ phiếu và 23.233.000 cổ phiếu tại cùng một mức giá 14,250 đồng/cổ phiếu (bằng đúng giá sàn của HNG trong phiên), tương ứng giá trị 993.23 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tổng lượng cổ phiếu giao dịch trong phiên này bằng đúng lượng cổ phiếu mà CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) đăng ký mua trước đó (69.7 triệu cổ phiếu) để nâng tổng sở hữu lên 7,86%.

Tuy nhiên, theo đăng ký từ phía Thaco, công ty này sẽ thực hiện giao dịch từ ngày 23/4-22/5/2019. Như vậy, rất có khả năng đã có một nhà đầu tư "giấu mặt" nào đó đứng ra mua lượng cổ phiếu trên của công ty bầu Đức.

Minh Minh

Bài viết đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 67

Tin nổi bật