(ĐSPL) - Những "chuyến hàng tử thần" mà Quyết "tạo công ăn việc làm" cho Dung và Ngọc đã biến đường dây này trở thành chuyên nghiệp, song nó cũng nhanh chóng bị xóa sổ. Cơ quan công an chặt đứt manh mối từ Quyết, do đó "bố già" của đường dây này phải dần lộ diện. Số tiền và "hàng" từ đường dây này lộ sáng với những con số khiến các ông trùm cũng khiếp đảm...
Ngọc ngơ ngáo khi nhận án tử hình. |
Vừa cho con bú, vừa đếm "hàng"
Dung vốn là người đàn bà có nhan sắc, cuộc tình của Dung và Ngọc cũng bắt đầu từ "hàng trắng" và cả hai người phải lìa xa nhau cũng bởi tội ác gieo rắc "cái chết trắng" cho đồng loại. Chính cuộc sống khốn khó của đôi vợ chồng trẻ và sự xuất hiện của Quyết đã làm cho Ngọc nguyện đánh đổi cuộc sống, gia đình và tương lai cho tử thần. Miền đồng đất Xuân Tiến (Xuân Trường, Nam Định) khi xưa chỉ có 2 mùa lúa chín, vợ chồng Dung - Ngọc không cáng đáng nổi cuộc sống ngày càng khốn khó bên mái tranh nghèo. Đã vậy, Ngọc lại là một trong những con ma cờ bạc, trong cơn túng quẫn, được Quyết nhiệt tình giúp đỡ thoát hiểm, lại được tận hưởng "mùi đời" sau làn khói heroin, Ngọc lao vào con đường buôn bán heroin tình nguyện đến mức tự biến nhà mình thành nơi giao dịch, tàng trữ heroin.
Video tham khảo:
Bà trùm ma túy đất thành Nam sa lưới
Ban đầu, Dung một mực từ chối nhưng Ngọc nài nỉ: "Nhà mình làm nhà còn nợ, để anh làm "cửu vạn" cho chú ấy lấy tiền trả nợ". Mãnh lực của đồng tiền cùng với đàn con thơ khốn khó đã khiến Dung trở thành trợ thủ đắc lực của chồng buôn 11 chuyến "hàng". Nhiều chuyến "hàng", Dung vừa cho con bú, vừa đếm "hàng", tráo heroin nhanh như sàng gạo. Không những làm "cửu vạn" cho Quyết, Dung và Ngọc còn tự thiết lập cho mình một đường dây riêng với vai trò đầu tàu là Nguyễn Thị Tốt.
Nguyễn Thị Tốt đã thể hiện xuất sắc vai diễn là một đầu nậu cỡ bự ở Xuân Trường, bao thầu trọn gói rất nhiều bánh heroin của Ngô Văn Ngọc, Ngô Văn Tỉnh, Đinh Thị Dung, Ngô Văn Đệ, Mai Văn Cao... bán lại cho Nguyễn Thị Thắm và các đối tượng khác ở Lạng Sơn. Với phương châm "không để bạn hàng đói hàng", để chuẩn bị công cuộc đi buôn, kho "hàng" của Dung luôn luôn đầy ắp. Nhiều lần, Tốt đến nhà Dung hỏi mua "hàng", bất kỳ lúc nào, bất kỳ thời điểm nào Dung đều đáp ứng "ngon lành cành đào". Chồng bị bắt ngày 24/9/1999, nửa năm sau Dung cũng nối gót vào tù. Ngày bị bắt, nghe tiếng khóc nấc của những đứa con thơ còn đang khát sữa mẹ, Dung thay đổi suy nghĩ về tội lỗi mà mình đã gây ra.
Hôm tòa xử, Ngọc vội dúi vào tay vợ một chiếc khăn tay màu hồng có thêu chữ: "Suốt đời Ngọc chỉ yêu thương mãi Dung và ba con" và ảnh đứa con trai út. Dung cầm chiếc khăn thỉnh thoảng khẽ run run mở ra ngắm ảnh con và nhìn vào dòng chữ. Ngọc đã dồn hết tình thương và tâm huyết thêu những nét chữ ấy trong tù. Phải chăng, đó là lời sám hối muộn mằn, lời tạ tội và việc làm có ích duy nhất trong những ngày tháng cuối đời ngắn ngủi cho vợ con? Tất cả tình yêu thương còn sót lại, Ngọc trao hết cho Dung với tia hy vọng cuối cùng, Dung sẽ hoàn lương trở về tạ tội với các con nhưng liệu có còn cơ hội khi mà Dung bị phạt án chung thân? Hạnh phúc gia đình tan vỡ, chồng lĩnh án tử hình, ba đứa con dại bơ vơ phải sống nhờ cậy vào tình thương của ông bà ngoại.
Ở trong trại, đêm đêm khi các phạm nhân đã ngủ say, Dung lại sám hối. Những lúc nhớ con cồn cào, Dung lại ngắm bức ảnh các con chụp hôm đám tang Ngọc, cầm chiếc khăn tay màu hồng rồi bật khóc nức nở. Dung tâm sự với cán bộ trại rằng, nếu biết trước tội lỗi nặng nề thế này, không bao giờ dám phạm tội. Tội nghiệp cho bố mẹ chồng Dung, bốn đứa con trai, cháu rể phải chịu những bản án nghiêm khắc nhất, con dâu và cháu gái đang lẩn trốn sự tầm nã gắt gao của công an, bỏ lại mười đứa cháu bơ vơ. Chúng chỉ trông chờ vào tình thương của ông bà nội và người thím dâu duy nhất là vợ Ngô Quang Tỉnh. Bố bị xử tử hình, mẹ và chị bỏ trốn vì bị truy nã, mấy đứa con Ngô Văn Đoàn lầm lũi sống, giam mình trong căn nhà hai tầng đã bị kê biên. Cửa trước luôn đóng kín, cách biệt với thế giới bên ngoài, lối vào giờ chỉ còn cánh cửa hậu giáp bờ ruộng. Tài sản duy nhất có giá trị trong nhà là chiếc máy xay xát thóc.
Những giọt nước mắt muộn màng của Đinh Thị Dung. |
Những bóng ma vùng biên và cánh tay phải của "bố già hàng trắng"
Xét về "máu làm giàu" từ "hàng trắng", các đối tượng ở miền núi liều lĩnh không kém dưới xuôi. Trong những lần về thăm quê ngoại ở Xuân Tiến, Xuân Trường, Nam Định, Kế và Ngọc làm quen và kết nghĩa với Lê Văn Giang, sinh ra và lớn lên tại Mai Châu, Hòa Bình. Biết nơi Giang ở "nguồn ma túy dồi dào", chúng rủ Giang đi buôn ma túy kiếm lời. Bùi tai, Giang nhận lời, tiền công mỗi chuyến vận chuyển thuê 1,5 triệu đồng. Kiếm được chút vốn, Giang quyết định hùn vốn đi buôn heroin, chuyến nhiều nhất tới 4 bánh.
Còn Hà Văn Dịnh, người dân tộc Thái ở bản Nam Thành, Thành Sơn, Thanh Hóa, giáp biên giới Việt - Lào, nhiều lần trực tiếp và chỉ đạo từ xa đội ngũ đàn em đi giao "hàng trắng" dưới Nam Định. Nghiện nặng, Dịnh còn theo đồng bọn đi cướp heroin của một nhóm đối tượng người Lào. "Chất trắng" đã cho hắn tất cả từ bộ dàn karaoke, loa đài, vô tuyến... và những cơn phiêu tận chốn bồng lai nhưng nó cũng cướp đi chất người của hắn. Người vợ đầu tiên đã lặng lẽ bỏ hắn đi biệt xứ. Cô vợ thứ hai đã không ít lần dọa tự tử vì hắn không chịu đi cai nghiện. Ngày 13/10/2000, Dịnh đã bị tóm gọn khi đang say giấc trong chính căn nhà của y.
Trong số tay sai đắc lực của Dịnh phải kể đến Hà Văn Tèn. Tháng 10/1998, Diệp và Dịnh mỗi người đưa cho Tèn 2.000 USD để "góp vốn" chung mua heroin. Tèn mua 2 bánh heroin mang về Nam Định giao cho vợ chồng Ngọc, Dung tiêu thụ. "Đi đêm ắt có ngày gặp ma", tháng 12/1998, Diệp và Dịnh giao cho Tèn 2 bánh heroin bán cho Dung. Sáng hôm sau, trên đường trở về Thanh Hóa tại cầu Lạc Quần, Tèn bị Công an huyện Xuân Trường tạm giữ ba ngày vì phát hiện mang theo một tép heroin trong người. Trong phi vụ này, Phạm Văn Tuấn hiện nguyên hình một tên lừa đảo, cuỗm của vợ chồng Dung, Ngọc 138 triệu đồng để "chạy" cho Quyết đang có lệnh truy nã và Tèn thoát tội. Nực cười là ngay cả khi Quyết đã bị bắt, Dung vẫn ngờ nghệch "cố đấm ăn xôi" tiếp tục chi cho Tuấn 20 triệu đồng với hy vọng Quyết sẽ thoát tội.
Trong phiên tòa xét xử giai đoạn hai của chuyên án tại Thanh Hóa, một lần nữa Tuấn lại bị tuyên án chung thân, mặc dù hắn thản nhiên phủ nhận vai trò "ông trùm" khét tiếng, luôn cấu kết chặt chẽ cùng vợ chồng Dung - Ngọc và Nguyễn Thị Tốt chi phối mọi hoạt động luân chuyển, tiêu thụ ma túy trên địa bàn tỉnh Nam Định. Bảy bị cáo Ngô Văn Ngọc, Nguyễn Văn Quyết, Ngô Văn Tỉnh, Phạm Bá Dìn, Trần Văn Kế, Lê Văn Giang, Hà Văn Dịnh đã phải lĩnh mức án nghiêm khắc nhất là tử hình.
Mê cung hàng trắng vùng sơn cước Căn cứ tài liệu thu thập được, ban chuyên án chỉ đạo, phải tập trung lực lượng truy bắt bằng được một số đối tượng chính ở huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Cơ quan điều tra đã bắt hai nữ quái là Nguyễn Thị Tốt ("sở hữu" lệnh truy nã vì buôn bán 48 bánh heroin) và Đinh Thị Dung, vợ Ngô Văn Ngọc mua bán 34 bánh heroin với các đối tượng ở Nam Định, Hải Phòng và huyện Quan Hóa, Mường Lát, thuộc tỉnh Thanh Hóa. Tích cực đấu tranh, ban chuyên án bắt hàng loạt đối tượng trong đường dây ma túy do Phạm Bá Dìn cầm đầu từ Thanh Hóa về Nam Định, làm rõ hành vi mua bán 71kg heroin và 23,5kg thuốc phiện của 24 đối tượng. |