Dự án được UBND Hà Nội phê duyệt dự án từ năm 2008, tính đến nay, 5 gói thầu chính đã cơ bản thực hiện xong bước tuyển thầu.
Chính phủ vừa yêu cầu 4 bộ ngành là Tài Chính, Kế hoạch - đầu tư, Xây Dựng và Giao thông vận tải cho ý kiến về dự án đường sắt đô thị số 2 Hà Nội đội vốn thêm 16.123 tỷ đồng.
Như vậy, nếu đề xuất tăng vốn được phê duyệt, dự án sẽ có tổng mức đầu tư là 35.678 tỷ đồng, tăng 16.123 tỷ đồng so với mức đầu tư phê duyệt ban đầu. Với việc điều chỉnh này Chính phủ sẽ phải báo cáo trước Quốc hội vào kỳ họp tới đây.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã trình Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị tuyến số 2 tại Hà Nội (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo).
Đường sắt số 2 Hà Nội "đội vốn" 16.120 tỷ đồng. Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Theo đó, phương án tổng mức đầu tư dự án sau điều chỉnh lên tới 35.678 tỷ đồng so với tổng vốn ban đầu được phê duyệt là 19.555 tỷ đồng, mức tăng 16.123 tỷ đồng.
Theo thiết kế, tuyến đường sắt số 2 có chiều dài toàn tuyến hơn 11,5 km, trong đó hơn 3 km đi trên cao, và 8,5 km đi ngầm. Toàn hệ thống có 3 nhà ga trên cao và 7 nhà ga ngầm.
Tuyến đường sắt đô thị xuyên tâm Hà Nội bắt đầu từ Khu đô thị Ciputra, Nguyễn Văn Huyên kéo dài, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài - Trần Hưng Đạo.
Dự án được biết sử dụng vốn vay của Chính phủ Nhật Bản, do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ và Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội là chủ đầu tư.
Trong khi đó, tại tại TP.HCM, tình trạng trên cũng không khá hơn. Hai tuyến đường sắt đô thị TP.HCM đang triển khai là tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương cũng đang rơi vào tình trạng chậm tiến độ, đội vốn lên tới 52.000 tỷ đồng.
Vũ Đậu (T/h)