Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đường ống nước sông Đà 8 lần gặp sự cố: Có thể khởi tố hình sự?

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Với tổng số tiền gần 10 tỷ qua 7 lần khắc phục sự cố vỡ đường ống nước sông Đà của chủ đầu tư Vinaconex thì hoàn toàn có thể coi hậu quả xảy ra là nghiêm trọng.

(ĐSPL) - Trách nhiệm của chủ đầu tư Vinaconex cùng các đơn vị liên quan đến vụ việc vỡ đường ống nước sông Đà cần được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Sự việc đường ống nước sông Đà liên tục vỡ đến lần thứ 8 (kể từ tháng 12/2012 đến nay) và gặp sự cố về van nước gây ảnh hưởng sinh hoạt đến 70.000 hộ dân thuộc các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai (Hà Nội) khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Bởi lẽ sau khi đi vào sử dụng mới được 6 năm, dự án đường ống nước sông Đà do Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư có giá trị 1.500 tỷ đồng đã mất đến gần 10 tỷ đồng để sửa chữa, khắc phục hậu quả, gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngân sách Nhà nước cũng như cuộc sống của người dân. 

Vinaconex vi phạm luật khi cho phép Vinaconsult và Viglafico cùng tham gia đấu thầu?

Nguyên nhân xảy ra sự việc vỡ đường ống nước sông Đà được ông Hoàng Hải - Cục phó Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) công bố vào ngày 18/6 xác định do chất lượng đường ống sợi thủy tinh không đảm bảo, kèm với đó, việc thi công ẩu khiến đường ống này đưa vào sử dụng chưa lâu đã liên tục xảy ra sự cố. 

Cụ thể, đối với đơn vị tổng thầu thiết kế là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Vinaconex (Vinaconsult), một thành viên của Vinaconex do thiếu kinh nghiệm trong việc lựa chọn các tiêu chuẩn áp dụng trong thiết kế tuyến ống nước sử dụng vật liệu ống composite cốt sợi thủy tinh. Đơn vị này cũng không đưa ra đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình sản xuất, thi công, lắp đặt tuyến ống. 

Nhà sản xuất ống composite cốt sợi thủy tinh là Công ty cổ phần ống sợi thủy tinh Vinaconex (Viglafico), cũng là công ty con thuộc Tổng công ty Vinaconex trong quá trình lựa chọn công nghệ và kiểm soát quá trình gia công chế tạo cũng thiếu chặt chẽ nên chất lượng ống không đồng đều, bong rộp, tách lớp tại nhiều vị trí. Viglafico cũng không có các thí nghiệm về chỉ tiêu cơ lý minh chứng cho độ bền dài hạn (áp suất thiết kế thủy tĩnh, độ biến dạng vòng) của ống theo tiêu chuẩn áp dụng.

Như vậy, cả Vinaconsult và Viglafico trong quá trình tham gia đấu thầu dự án đường ống nước sông Đà do thiếu chặt chẽ cũng như thiếu kinh nghiệm trong quá trình thi công đã gây ra sự việc vỡ đường ống nước những ngày qua. 

Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý, chủ đầu tư dự án - Vinaconex lại cho hai công ty con của mình là Vinaconsult và Viglafico cùng tham gia đấu thầu dự án đường ống nước sông Đà. Theo Luật sư Cao Xuân Vượng – Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn VMF nhận định: “Rõ ràng Vinaconex có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng”.

 Trách nhiệm của các đơn vị gây ra sự cố vỡ đường ống nước sông Đà gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cần phải được làm rõ. Ảnh Tiền phong

Lý giải nhận định trên, Luật sư Cao Xuân Vượng chiếu theo quy định tại khoản 2 Điều 100 Luật Xây dựng về Đấu thầu hạn chế trong xây dựng.

Quy định trên chỉ rõ: “Đối với dự án đấu tư xây dựng công trình, công trình sử dụng vốn Nhà nước thì không cho phép 2 doanh nghiệp trở lên thuộc cùng một tổng công ty, tổng công ty với công ty thành viên, công ty mẹ và công ty con, doanh nghiệp liên doanh với một bên góp vốn trong liên doanh cùng tham gia đấu thầu trong một gói thầu”.

Căn cứ vào quy định trên, Luật sư Cao Xuân Vượng đề xuất quan điểm: “Bộ trưởng Bộ Xây dựng cần phải thành lập Đoàn Thanh tra vụ việc vỡ đường ống nước khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật cũng như yêu cầu của công tác phòng chống tham nhũng. Việc thanh tra này sẽ là căn cứ quan trọng để tiến hành việc xử lý các đơn vị, cá nhân liên quan nếu có sai phạm xảy ra theo đúng quy định của pháp luật".

Đồng quan điểm với Luật sư Cao Xuân Vượng, Luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng cho rằng: “Trên cơ sở việc xem xét, đánh giá tìm nguyên nhân vỡ đường ống nước sông Đà của Bộ Xây dựng thì rõ ràng chủ đầu tư Vinaconex trong quá trình xét duyệt, chấm thầu đối với các nhà thầu là có vấn đề, để có căn cứ rõ ràng Bộ xây dựng nên thành lập Hội đồng giám định chất lượng công trình và xem xét lại quy trình đấu thầu của chủ đầu tư để xem xét có vi phạm Luật đấu thầu”.

Có thể bị khởi tố hình sự?

Luật sư Tạ Anh Tuấn cũng cho biết thêm: "Trường hợp trong quá trình thanh tra, kiểm tra nếu cơ quan chức năng phát hiện thấy có các hành vi vi phạm của chủ thầu cũng như các đơn vị thi công như vi phạm quy định về xây dựng trong lĩnh vực khảo sát; vi phạm quy định về xây dựng trong lĩnh vực sử dụng nguyên nhiên vật liệu, vi phạm quy định trong lĩnh vực giám sát thi công, nghiệm thu công trình… gây hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoàn toàn có thể khởi tố vụ án hình sự đơn vị tham gia vào dự án đường ống nước sông Đà về tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự".

Đánh giá về hậu quả nghiêm trọng của sự việc, Luật sư Nguyễn Tiến Trung - Giám đốc Công ty Luật Trung Nguyễn cho rằng, với tổng số tiền gần 10 tỷ qua 7 lần khắc phục sự cố vỡ đường ống nước sông Đà của chủ đầu tư Vinaconex thì hoàn toàn có thể coi hậu quả xảy ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc có thể là đặc biệt nghiêm trọng. 

Mặc dù hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn về việc xác định thiệt hại tại Điều 229 Bộ luật Hình sự, nhưng có thể viện dẫn quy định trong thông tư liên tịch số số 02/2001/TTLT- TANDTC- VKSNDTC- BCA-BTP ngày 25/12/2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ công an, Bộ tư pháp về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật hình sự năm 1999, để làm căn cứ xác định mức độ thiệt hại.

Ngoài ra, Luật sư Cao Xuân Vượng cũng viện dẫn thêm quy định tại khoản 3 Điều 84 Luật Xây dựng: “Người có lỗi gây ra sự cố công trình có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và các chi phí có liên quan hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Trước khi có kết luận điều tra chính thức thì Vinaconex nên có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho 70.000 cá nhân, tổ chức sống trên địa bàn các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai phải chịu thiệt hại từ sự cố vỡ đường ống nước sông Đà những ngày qua. 

Trong khi đó, Luật sư Vũ Lợi, Giám đốc công ty Luật Hòa Lợi cho biết: "Theo tôi sự cố vỡ ống nước Sông Đà là một sự cố nghiêm trọng;  8 lần sửa chữa, khắc phục sự cố tiêu tốn ngân sách của nhà nước hàng chục tỷ đồng và bức xúc trong nhân dân. Bản chất của sự việc có dấu hiệu vi phạm khoản 1,2,3 điều 229 Bộ luật hình sự  “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” chính vì vậy các cơ quan có liên quan có thể khởi tố vụ án hình sự".

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa cũng phân tích: quy định tại khoản 2, điều 100 Luật Xây dựng về Đấu thầu hạn chế trong xây dựng: “Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình, công trình sử dụng vốn nhà nước thì không cho phép 2 doanh nghiệp trở lên thuộc cùng một tổng công ty, tổng công ty với công ty thành viên, công ty mẹ và công ty con, doanh nghiệp liên doanh với một bên góp vốn trong liên doanh cùng tham gia đấu thầu trong một gói thầu”.

"Như vậy, sự việc cần được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ cần thiết có thể khởi tố vụ án hình sự", Luật sư Tùng nói.

Tin nổi bật